Hàng loạt kiểm soát viên không lưu phải học lại

Kiểm soát viên không lưu khu vực phía Bắc. Ảnh: Tiến Dũng
Kiểm soát viên không lưu khu vực phía Bắc. Ảnh: Tiến Dũng
TP - Hàng loạt kiểm soát viên không lưu (KSVKL) vừa phải huấn luyện lại do để xảy ra tình trạng nhiều máy bay vi phạm khoảng cách tối thiểu. Thậm chí, KSVKL quên thông báo, đến nỗi máy bay thành mục tiêu lạ trên ra-đa...

Theo lãnh đạo Tổng Cty Quản lý bay (QLB) Việt Nam, chuyến bay số hiệu 261 (hành trình Hà Nội - Đà Nẵng) chuẩn bị vào vùng trời do QLB Đà Nẵng điều hành, KSVKL tại Trung tâm điều khiển không lưu đường dài (ACC) Hà Nội đã quên không thông báo chuyến bay này cho QLB Đà Nẵng. 

Do không biết có máy bay đang tới, QLB Đà Nẵng đã cho phép máy bay số hiệu 248 (hành trình Đà Nẵng - Hà Nội) cất cánh. Lúc này, ra-đa của QLB Đà Nẵng phát hiện mục tiêu lạ bay vào vùng kiểm soát, đã liên lạc với tổ lái, khi đó mới biết (máy bay 261 sẽ hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng). QLB Đà Nẵng thấy 2 máy bay có nguy cơ không đảm bảo khoảng cách, đã chủ động cấp lệnh cho máy bay 248 đổi hướng. Sự việc xảy ra ngày 25/3/2014.


Ngoài ra, đã xảy ra một số vụ vi phạm khoảng cách tối thiểu, cụ thể: 2 chuyến bay số hiệu HVN1200 (Cần Thơ - Hà Nội) và HVN1506 (Đà Nẵng - Nội Bài) chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã vi phạm khoảng cách tối thiểu (2 máy bay cách nhau 9,3 dặm, trong khi quy định khoảng cách tối thiểu là 10 dặm).

Rất may, 2 máy bay này bay song song, sự việc xảy ra ngày 21/2. Sự việc tương tự cũng xảy ra giữa 2 máy bay số hiệu HVN662 (Singapore-Hà Nội) và HVN7254 (TPHCM-Hà Nội) lúc chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Nội Bài ngày 2/1.

Ông Đỗ Quang Việt, Tổng Giám đốc Tổng Cty QLB Việt Nam cho biết: Để xảy ra những sự việc đó do kỹ năng điều hành bay của KSVKL (đều thuộc khu vực Hà Nội) còn hạn chế, chưa thực hiện đúng quy trình…

Theo ông Việt, ngay khi có đánh giá sự cố, công ty đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và bộ phận liên quan. Cắt 50% lương hiệu quả của KSVKL liên quan trực tiếp tới sự cố và 20% với những người có liên quan.

MỚI - NÓNG