Hàng loạt công an bán chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc: Đâu là lời giải?

Đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đang có nhiều công an bán chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc Ảnh: Nhật Minh
Đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đang có nhiều công an bán chuyên trách cấp xã xin nghỉ việc Ảnh: Nhật Minh
TP - Do lương thấp kéo dài, nhiều công an bán chuyên trách cấp xã không muốn tiếp tục công việc. Thực tế trên được nhiều đại biểu Quốc hội đang nắm giữ các trọng trách ở địa phương phản ánh khi  thảo luận tại tổ xung quanh  Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ngày 12/11.

Dự án luật trình Quốc hội đề xuất thống nhất tên gọi ba lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng này trong phạm vi toàn quốc là 750 nghìn người. Ủng hộ việc ban hành luật, theo đại biểu Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, chủ trương này sẽ củng cố lực lượng an ninh cơ sở, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời rà soát tinh giản biên chế, ngân sách.

Tuy nhiên, điều ông Hải lo ngại là vấn đề lương, phụ cấp cho cán bộ cơ sở. Kể từ khi triển khai lực lượng công an chính quy xuống địa bàn xã, lực lượng công an bán chuyên trách có xu hướng “mai một dần”. Trong tổng số 126 nghìn cán bộ công an xã bán chính quy trước kia, nay đã giảm đi 1/4. Còn tại Hà Nội cũng giảm tới 25% lực lượng công an bán chính quy trong tổng số hơn 5.500 người trước đó.

Chỉ với mức tổng thu nhập trên dưới 2 triệu đồng mỗi tháng, Thiếu tướng Đào Thanh Hải cho rằng, nếu không có chế độ chính sách tốt, sắp tới lực lượng công an bán chính quy có thể sẽ làm đơn xin nghỉ hàng loạt. “Hiện rất nhiều đồng chí đang xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó chưa giải quyết và đang cố gắng động viên”, đại biểu Hải nêu.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ  ở nhiều xã trên địa bàn hiện đều do lực lượng công an bán chuyên trách phát triển lên. Bây giờ động viên người làm cán bộ xã rất khó, đặc biệt khu vực ngoại thành vì mức lương thấp, thập chí còn thấp hơn công nhân các nhà máy. “Nếu cứ tình hình này, chỉ 5-10 năm nữa, chỉ những người không kiếm được việc gì mới làm cán bộ xã”, ông Thanh bày tỏ.

Ghi nhận phản ánh của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tăng cường bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là điều rất quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và quan trọng là xây dựng được “thế trận lòng dân”. Đồng tình phải nâng mức thu nhập cho cán bộ cơ sở, ông Huệ gợi ý có thể thực hiện kiêm nhiệm, một người làm nhiều việc và hưởng trợ cấp cao hơn. Hay ở những nơi có nguồn thu lớn cũng có thể vận dụng, điều chỉnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thực tế hiện cả nước chỉ có 16 tỉnh làm đủ ăn, các tỉnh còn lại đều trông chờ vào ngân sách Trung ương. Nếu chỉ điều chỉnh mức trợ cấp ở một thôn, cộng lại trên cả nước, con số chi phí tăng lên sẽ vô cùng lớn.

Nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc

Cho rằng “bây giờ cái gì cũng được coi là quan trọng”, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đề nghị đánh giá lại toàn diện dự án luật. Trước hết, cần đánh giá toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở hiện nay hoạt động như thế nào, hay với việc triển khai công an chính quy về xã hiệu quả thế nào? Sau đó mới tính chuyện thành lập lực lượng nào, ra luật mới nào. Đặc biệt, cần đánh giá cụ thể về chi phí, bộ máy. “Nói đẻ thêm bộ máy mà lại tiết kiệm hơn thì rất khó tin”, ông Được bày tỏ.

Tương tự, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cũng băn khoăn vì bộ máy đẻ ra rất lớn. Trong khi quy định trách nhiệm lực lượng này không có gì đặc biệt so với các lực lượng hiện nay, mà chế độ bồi dưỡng lại lớn, thậm chí còn nhiều hơn công chức. Đại biểu đề nghị cần báo cáo cụ thể với Quốc hội, nếu thêm lực lượng này sẽ phải thêm kinh phí bao nhiêu. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị thí điểm lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở một số địa bàn, sau đó đánh giá tác động.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, luật không làm sinh ra lực lượng mới, bởi thực tế lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở vẫn đang tồn tại. Dự án luật này nhằm huy động sức mạnh của nhân dân, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc - đặc trưng của Công an nhân dân Việt Nam. Theo Bộ trưởng, nhiều nước trên thế giới không có mô hình này đã sang Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

“Luật ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình khác, hoạt động khác. Đó là sự sáng tạo của nhân dân ở từng địa phương, là chỗ dựa cho các lực lượng khác. Khi đưa lực lượng chính quy xuống, công an xã bán chuyên trách vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả theo Pháp lệnh Công an xã” Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.