Hàng loạt cổ phiếu xịn thoái vốn ước thu 10.000 tỷ đồng

Tới đây, 8/11, SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex
Tới đây, 8/11, SCIC sẽ thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex
Phát pháo hiệu thành công ngoài dự kiến của đợt bán vốn VNM hôm 10/11 đã kích hoạt sự quan tâm của thị trường tới các đợt thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp lớn tới đây như BMP, NTP, DMC, FPT, VCG trên nhiều khía cạnh, cả về tâm lý nhà đầu tư và biến động giá cổ phiếu…

Sức hút “nam châm”

5 doanh nghiệp SCIC chuẩn bị thoái vốn đều thuộc nhóm các doanh nghiệp đầu ngành, kinh doanh hiệu quả và là những doanh nghiệp có bề dày truyền thống, thương hiệu sản phẩm uy tín. Đây là những yếu tố cơ bản của bất cứ cổ phiếu hàng hiệu nào, đảm bảo cho nền tảng đầu tư bền vững của các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy thị trường Việt Nam thời gian qua đang gặp ngưỡng cản tâm lý quá lớn. Rất nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng, giá các cổ phiếu trên đã quá cao, khó có thể thêm, với mức PE trung bình khoảng 15-16, những cổ phiếu trên cũng được định giá cao hơn mức trung bình của thị trường. Tuy nhiên, kết quả thoái vốn ngoạn mục của VNM đã phá tan ngưỡng cản tâm lý trên. VNM có PE khoảng 20, giá đã lình xình quanh ngưỡng 140-150 nghìn đồng/cổ phiếu rất lâu. Nay có nhà đầu tư trả giá tới 186.000 đồng/CP, cao hơn 20% so với thị giá, khiến các nhà đầu tư trong nước giật mình. Cổ phiếu tốt vẫn còn cơ hội tăng giá, hoặc sớm hay muộn sẽ đến ngày tăng giá.

Niềm tin rằng BMP, NTP, DMC, FPT, VCG còn có dư địa để tăng giá theo nhận xét của ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK SHS rất mạnh mẽ. Nếu như toàn bộ số cổ phần VNM đã được nhà đầu tư ngoại hốt trọn và sự e dè của nhà đầu tư nội thể hiện rõ trong 2 đợt bán vừa qua, thì tới đây rất có thể cục diện các phiên thoái vốn của SCIC sẽ khác. Đó là sự nhập cuộc của nhà đầu tư nội, trong đó nhiều khả năng là các dòng vốn tiết kiệm tham gia, chứ không đơn thuần chỉ có nhà đầu tư lướt sóng. Theo lộ trình thoái vốn, SCIC sẽ thoái 29,51% BMP (24,16 triệu cổ phiếu), 37,1% NTP (33,1 triệu cổ phiếu) và 34,71% DMC (12 triệu cổ phiếu), 5,96% FPT (hơn 31,6 triệu cổ phiếu).

Tính theo theo thị giá cổ phiếu trên sàn, tổng giá trị số cổ phần trên ước gần 10.000 tỷ đồng. Nếu có thêm sức cầu từ các nhà đầu tư mới, đó không phải là con số quá lớn, quá khả năng hấp thụ. Ông Vũ Đức Tiến nhìn nhận, khi tâm lý được giải tỏa, nhà đầu tư sẽ hành động, sự sôi động của các phiên thoái vốn cổ phiếu hàng hiệu được dự đoán với tỷ lệ rất cao.

Cuộc đua tăng nhiệt

Một điểm thuận lợi tại các đợt thoái vốn này là cổ đông ngoại hiện sở hữu tỷ lệ lớn tại các doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu. Đơn cử tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), cổ đông lớn CFR International SPA đã nắm giữ trên 51% cổ phần và DMC nới room 100% nên đợt thoái vốn này, khả năng cao được thị trường dự đoán là nhà đầu tư này sẽ tiếp tục tham gia.

Hàng loạt cổ phiếu xịn thoái vốn ước thu 10.000 tỷ đồng ảnh 1

Nhựa Tiền phong cũng hứa hẹn sẽ là 1 tên tuổi làm nóng thị trường chứng khoán khi SCIC thoái vốn

Hay tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty, trong các cuộc gặp gần đây tại Thái Lan, Nawa Plastic Industries bày tỏ ý định nâng sở hữu tại công ty. Đặc biệt gần đây họ đã bán 21,3 triệu cổ phiếu NTP, thu về khoảng 1.574 tỷ đồng. quy mô khoảng 100 triệu USD cho toàn bộ lượng cổ phần SCIC thoái vốn tại BMP không phải là con số quá sức với nhà đầu tư Thái Lan.

Tuy nhiên, cuộc đua sẽ nóng hơn khi bên cạnh sức cầu từ cổ đông hiện hữu, có thêm nhiều nhà đầu tư mới nhập cuộc. Về điểm này, SCIC được đánh giá có nhiều kinh nghiệm và qua phép thử VNM mới đây, TCT này đã cho thấy năng lực chuyên nghiệp về thoái vốn nhà nước của mình. Đơn cử như việc TCT này chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong việc đặt cọc tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán…

Quy trình thoái vốn được thực hiện một cách công khai, minh bạch, thông tin được cung cấp đầy đủ thông qua các đợt roadshow trong và ngoài nước đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc khối khách hàng tổ chức công ty chứng khoán HSC cho biết, nhà đầu tư nước ngoài thông qua HSC bày tỏ mối quan tâm rất lớn tới các đợt thoái vốn của DN quy mô lớn do SCIC tổ chức tới đây. Vấn đề còn lại là làm sao đưa ra được phương thức bán, giá bán hợp lý và tạo thuận tiện tối đa cho nhà đầu tư trong tiếp cận thông tin.

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân công ty chứng khoán SSI cho rằng, nếu chỉ đơn thuần nói về mặt định giá, thì mức giá hiện nay của BMP, NT, DMC đều không hề rẻ, PE cao hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, câu chuyện của VNM đã cho thấy, cổ phiếu cao giá vẫn có thể tăng giá tiếp, những DN cơ bản tốt, có tiềm năng vẫn được nhà đầu tư săn đón.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Vũ Đức Tiến nói rằng, các nhà đầu tư lớn trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá doanh nghiệp trong một bức tranh lớn không chỉ với thị trường trong nước mà cả khu vực để từ đó họ thấy được tiềm năng tăng trưởng của DN và xác định rõ rằng giá cổ phiếu ở đâu là hợp lý.  Với cách nhìn đó, giá hiện tại của nhiều cổ phiếu hàng hiệu chưa chắc là đắt và thực tế cũng đã chứng minh bỏ tiền vào những cổ phiếu như vậy trong khoảng thời gian đủ dài, nhà đầu tư chưa bao giờ thiệt

Tính theo theo thị giá cổ phiếu trên sàn, tổng giá trị số cổ phần trên ước gần 10.000 tỷ đồng. Nếu có thêm sức cầu từ các nhà đầu tư mới, đó không phải là con số quá lớn, quá khả năng hấp thụ. Ông Vũ Đức Tiến nhìn nhận, khi tâm lý được giải tỏa, nhà đầu tư sẽ hành động, sự sôi động của các phiên thoái vốn cổ phiếu hàng hiệu được dự đoán với tỷ lệ rất cao.

MỚI - NÓNG