Tiếp bài “Điệp khúc hàng lậu ở Móng Cái ngày cuối năm”:

Hàng lậu vẫn rầm rộ qua biên giới

Hàng lậu được tập kết dưới sông Ka Long, đoạn từ km số 1 đến km số 4, ngày 17/1
Hàng lậu được tập kết dưới sông Ka Long, đoạn từ km số 1 đến km số 4, ngày 17/1
TP - Tháng 12/2016, sau khi Tiền Phong có nhiều  bài phản ánh về thực trạng hàng lậu lộng hành ở Móng Cái ngày cuối năm, nhóm PV đã quay trở lại để chứng kiến cảnh tượng: Buôn lậu không giảm mà còn diễn ra rầm rộ hơn, trước sự làm ngơ của cơ quan chức năng…

Lạc trong mê cung hàng lậu

Những ngày cận kề Tết cổ truyền các đầu nậu tìm mọi cách để tuồn hàng vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh (trong đó có Tiền Phong), và phía Trung Quốc tăng cường cấm biên (cấm vượt biên trái phép, bắt buộc hàng hóa phải vận chuyển qua đường cửa khẩu), các đầu nậu vẫn hoạt động.

Trở lại cung đường cũ từ Hùng Vương rẽ vào Tuệ Tĩnh, đi qua khu đô thị Hồng Vận (thuộc địa phận phường Ka Long, TP. Móng Cái), giới “chim mồi” tuy không còn công khai hoạt động như trước, nhưng cũng không giấu thân phận. “Chim mồi” lẩn trong cánh xe ôm ở các ngã tư, hễ thấy người lạ ra vào khu vực dọc sông Ka Long từ Km1 đến Km4 là dùng bộ đàm, điện thoại báo hiệu cho nhau.

Chiều 16/1, trời mưa phùn, rét tái tê nhưng cánh xe ôm vẫn vận áo mưa, giày ủng, cưỡi xe hoán cải lao vun vút xuống bờ sông. Giới cửu vạn lầm lũi bốc nhanh từng kiện hàng chất lên xe máy. Cứ 10-15 phút lại có một tốp xe ôm vặn hết ga, thồ những thùng hàng cồng kềnh, chao liệng giữa đường trơn trượt, men theo 3 tuyến đường Tuệ Tĩnh, Khúc Thừa Dụ, Lê Hữu Trác đâm thẳng ra đường Hùng Vương.

Bám theo một chiếc xe chất đầy hàng hóa, chúng tôi lần lượt đi qua đường Khúc Thừa Dụ ra Mạc Đĩnh Chi, lắt léo qua Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Trãi, Hùng Vương rồi rẽ vào Yết Kiêu. Dường như phát hiện có xe lạ phía sau, đám “chim mồi” liền cảnh báo cho lái xe vút thẳng ra đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc khu 5, phường Ka Long). Xe của nhóm PV phi qua đường Yết Kiêu vòng ra cuối đường Nguyễn Viết Xuân đón lõng. Thế nhưng, hàng chục phút trôi qua, xe chở hàng lậu vẫn mất hút. Quyết không để mất dấu, chúng tôi lượn một vòng quanh khu phố rồi tạt vào quán nước ven đường. Khoảng 30 phút sau, thấy yên ắng, “chim mồi” báo hiệu cho cửu vạn tiếp tục thồ hàng về khu vực này. Một chiếc xe vút nhanh ra đường Phạm Ngũ Lão rồi cũng... mất hút. Nhìn quanh chả thấy kho hàng nào, chúng tôi phi xe thăm dò. Hóa ra, hàng đã được đưa vào tập kết ở các ki - ốt nằm trong khu vực chợ Ka Long.

Chập tối cùng ngày, một nhóm xe thồ hàng khác cũng lũ lượt chở về tập kết tại khu chợ Ka Long, nhưng không phải từ dưới sông lên mà từ bên khu vực chợ trung tâm Móng Cái sang. Bám theo một xe máy vừa đổ hàng, nhóm PV quay ngược về chợ trung tâm, vòng ra đường Trần Phú đi qua chợ khu 4, phường Hải Hòa. Chiếc xe luồn lách qua địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung cửa khẩu Móng Cái rồi rẽ vào một con đường nhỏ xuống khu biên giới. Thấy có người lạ, 2 người đàn ông đội mũ cối đứng ở ngã tư liền điện thoại báo hiệu. Để tránh bị lộ, chúng tôi liền quay lại, vờ hỏi mua một ít thực phẩm ở chợ và tiếp tục theo dõi.

Khoảng 30 phút sau, nhóm PV quyết định đi bộ vào con đường đất ra phía khu vực biên giới. Tại đây, hàng hóa được tập kết như một “đại công trường”, thùng lớn, thùng bé xếp chồng lên nhau sát bờ sông. Hàng hóa ở đây cũng đều được vận chuyển bằng xe máy, một tốp xe thồ chất đầy hàng chui lên từ phía bờ sông. Cách đó không xa là trạm kiểm soát của đồn Biên phòng Vàng Lầy. Đoàn xe vẫn hiên ngang đi qua trạm để sang tập kết hàng ở chợ Ka Long.

Pháo lậu vẫn trà trộn vào hàng hóa

Ngày 18/1, PV Tiền Phong tiếp tục tìm hiểu thực tế khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái và dọc đường biên giới sông Ka Long. Trong vai một người vừa đi làm công nhân lắp ráp điện thoại từ Quảng Đông (Trung Quốc) về, PV được anh Hải (quê Hòa Bình, nhân viên một quán phở Việt Nam ở khu vực cửa khẩu nước bạn) mách nước: “Đợt này, Trung Quốc cấm biên dài ngày. Do vậy, hàng hóa hầu hết phải đi qua đường cửa khẩu. Tuy nhiên, những đầu nậu “có số má” vẫn tuồn được hàng lên xuồng máy để đưa sang bên kia bờ sông Việt Nam. Nếu chú ít hàng hóa, anh nhờ cửu vạn họ vác thuê qua đường cửa khẩu cho, vừa an toàn vừa nhanh gọn”.

Theo anh Hải, thời điểm này, rất nhiều đối tượng lợi dụng dịp cuối năm đông đúc để trà trộn pháo trong các kiện hàng hóa nhờ cửu vạn vác về Việt Nam. “Pháo cũng như các mặt hàng khác được nước bạn khuyến khích người Việt mua về tiêu thụ, do vậy hàng hóa được đi qua cửa khẩu dễ dàng. Chỉ có phía cửa khẩu Việt Nam mới bị lực lượng biên phòng, hải quan kiểm soát chặt. Song, chú nhờ anh là qua hết. Thậm chí, anh đảm bảo hàng về tới nhà an toàn” - Hải nói. Sở dĩ tự tin như vậy bởi Hải cho biết, trước đây anh vốn làm phu vàng, “nếm mật nằm gai” đã nhiều năm, có mối quan hệ rộng rãi nên vận chuyển một ít hàng hóa qua mặt lực lượng chức năng với Hải quá đơn giản.

Từ đầu giờ chiều, khu vực cửa khẩu Bắc Luân (đi qua cầu Bắc Luân là cửa khẩu quốc tế Móng Cái), hàng trăm cửu vạn người Việt, chủ yếu là phụ nữ khênh vác đủ các loại hàng hóa về tập kết. Nhiều chủ buôn người Trung Quốc thuê xe ba gác chở hàng về tại đây, gọi điện cho các mối bốc vác thân quen để giao nhận hàng hóa. Mọi hoạt động diễn ra nhanh chóng bởi giá cả đã được thỏa thuận từ trước. Thế nhưng, vì cuối Tết, chủ hàng thuê chuyển đủ thể loại, cánh cửu vạn vì thế cũng phải mặc cả giá để kiếm thêm chút ít về tiêu xài.

MỚI - NÓNG