Hàng hóa 'lên cơn sốt' giá mới

Hàng hóa 'lên cơn sốt' giá mới
Vừa bước sang đầu năm 2008, giá gas đã lập tức tăng 8.000 - 9.000 đồng/bình; tiếp theo, giá dầu và vàng thế giới cũng đột ngột tăng vùn vụt; giá nhiều loại nguyên liệu cũng tiếp tục leo thang, kéo theo giá bán nhiều loại thành phẩm đã và sẽ tăng giá…
Hàng hóa 'lên cơn sốt' giá mới ảnh 1
Chiều 3-1, tại TPHCM giá vàng miếng SJC đã tăng lên 16,60 - 16,61 triệu đồng/lượng. Ảnh chụp tại Cửa hàng 68 Lê Lợi, quận 1 lúc 17 giờ ngày 3-1-2008 - Ảnh: SGGP

Ngày 2-1, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2008, giá dầu thế giới đã chạm mốc 100 USD/thùng.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 2-2008 tăng thêm 3,64 USD/thùng, tương đương 3,8% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2007 và đóng cửa ở mức kỷ lục 99,62 USD/thùng.

Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí TPHCM, giá dầu thế giới tăng đã đẩy giá xăng lên mức rất cao. Giá xăng nhập khẩu từ Singapore trong ngày 27-12-2007 đã trên 100 USD/thùng.

Từ 28-12-2007 đến 2-1-2008, giá xăng tiếp tục tăng và hiện tạm đứng ở mức 102,5 - 103 USD/thùng. Nếu nhập khẩu xăng với mức giá như hiện nay, cộng với các khoản chi phí khác, Saigon Petro chịu lỗ khoảng 600 - 700 đồng/lít.

Một đầu mối kinh doanh xăng dầu khác cũng cho rằng, vừa mới thoát khỏi cảnh lỗ lã thì giá xăng nhập lại tiếp tục nhảy vọt. Dù biết trước giá dầu thô sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng nhưng do yếu về vốn nên nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn “lực bất tòng tâm”.

Có hay không đợt tăng giá xăng trong nước ngay trong những ngày đầu năm 2008? Hầu hết các DN trả lời khá thận trọng: Giá xăng chưa thể tăng ngay trong thời điểm này. Nhưng một điều chắc chắn: nếu giá dầu cứ “diễn” ở mức 100 USD/thùng, sẽ khó tránh khỏi đợt tăng giá xăng mới.

Doanh nghiệp sản xuất mệt mỏi!

Giá muối đã tăng gấp 10 lần

Theo Sở NN- PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện giá muối đen mua tại ruộng đã lên đến 1.300 đồng/kg; muối trắng đứng ở mức 3.600 đồng/kg, cao gấp 10 lần so với đầu năm 2007. Giá muối tăng và hút hàng nhưng diêm dân vẫn không có lợi vì họ đã bán từ đầu vụ và không có muối dự trữ.

Vụ muối 2007, các tỉnh ĐBSCL duy trì gần 8.000 ha, giảm trên 500 ha so với năm trước. Dự báo thời gian tới diện tích sản xuất muối sẽ tiếp tục giảm do chuyển đổi sang nuôi tôm, nhất là vùng Gò Công (Tiền Giang), Bến Tre, Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bạc Liêu...

Thông thường, sau khi giá xăng bán lẻ tăng thì khoảng 1 tháng sau, các mặt hàng bán lẻ cũng lần lượt “đội” giá. Từ bó rau, tô phở, đĩa cơm, cho đến cuốc xe ôm…, tất tật đều đã tăng giá khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá bán một số mặt hàng thủy hải sản đã tăng 1.000 - 6.000 đồng/kg.

Đại diện một siêu thị cho biết: “Chúng tôi đang… nín thở chờ bảng báo giá hàng tết của các DN!”. Giám đốc một DN cũng cho rằng, giá cả vào thời điểm năm hết tết đến đã tăng vùn vụt, nay cộng thêm dầu, vàng liên tục sốt giá, không biết giá hàng hóa sẽ còn tăng tới mức nào!

Nhiều DN đang trong tình trạng mấp mé lỗ vì giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina), cho biết, nếu như trước đây khi giá cao su thiên nhiên tăng cao, công ty sẽ tăng lượng hàng cao su tổng hợp vào để cân bằng mức giá thành phẩm.

Gần đây, giá cao su tổng hợp cũng đã tăng rất mạnh do ảnh hưởng bởi giá dầu thô, đến thời điểm hiện nay giá đã đứng ở mức 2.400 USD/tấn, tăng tới 20% so với mức bình quân năm 2006. Hiện Casumina đã tìm mọi cách tiết giảm chi phí và đang phải gồng mình để ghìm giữ giá. Nếu giá nguyên liệu trong thời gian ngắn không có dấu hiệu giảm, buộc lòng Casumina sẽ phải tăng giá bán khoảng 3% - 5%, bằng không sẽ bị lỗ nặng.

Lãnh đạo một DN viễn thông cũng cho rằng, giá các mặt hàng kim loại như đồng, thiếc cũng đang tăng nóng giống như giá vàng, ảnh hưởng rất lớn đến giá cáp thành phẩm. Nhiều DN đang “dở mếu, dở khóc” vì vẫn phải thực hiện các gói thầu với mức lỗ đậm!

Có một thực tế là giá nguyên vật liệu phục vụ cho việc lắp đặt mạng của ngành viễn thông tăng cao, trong khi đó giá cước, giá thuê bao điện thoại… đua nhau giảm đã khiến số đăng ký thuê bao tại các bưu điện liên tục tăng cao. Tuy nhiên, do giá nguyên vật liệu liên tục biến động đã đẩy nhiều bưu điện lâm vào tình trạng không kịp triển khai, lắp đặt thêm thiết bị mạng để phát triển các thuê bao mới!

Phải tiếp cận với giá thế giới

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bước vào năm 2008, khoảng cách giữa giá hàng hóa thế giới và trong nước đã không còn. VN cũng đang tiến gần đến việc thả nổi giá nhiều mặt hàng theo giá thế giới. Cách tốt nhất, DN Việt Nam phải chủ động nắm bắt, phán đoán giá để tránh bị tổn thương đến “sức khỏe” của DN.

Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, nên ngay từ bây giờ cần phải có sự hợp sức giữa các DN, có tài chính và nhân lực đủ mạnh để nhập các đơn hàng lớn theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm mới có thể ổn định giá thành phẩm. Còn nếu cứ căng theo giá thế giới tăng bao nhiêu, giá trong nước phải tăng bấy nhiêu thì xem như thua ngay trên sân nhà!

Theo Thúy Hải
 Sài Gòn Giải Phóng

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.