Hang động núi lửa này ở Đồng Nai đang có nhiều người tò mò bấm đèn pin để xem

0:00 / 0:00
0:00
Khu vực phía Đông Bắc tỉnh Đồng Nai có nhiều hang động núi lửa phân bố rải rác trong rừng, đồi, vườn rẫy của người dân.

Khu vực phía Đông Bắc tỉnh có nhiều hang động núi lửa phân bố rải rác trong rừng, đồi, vườn rẫy của người dân.

Hang động núi lửa này ở Đồng Nai đang có nhiều người tò mò bấm đèn pin để xem ảnh 1
Bên trong hang Dơi, địa phận xã Phú Tân, H.Định Quán. Ảnh: H.Lộc

Các hang động này có giá trị về mặt di sản địa chất nhưng chưa được nghiên cứu, đánh giá tổng thể cũng như đưa ra các giải pháp bảo vệ và khai thác tài nguyên.

Nhiều hang động, miệng núi lửa

Báo cáo kết quả thực địa khảo sát hang động núi lửa khu vực huyện Tân Phú, huyện Định Quán của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho thấy, đã tìm được 5 hang động núi lửa.

ThS Thái Quang, nguyên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, trưởng đoàn khảo sát cho biết: “Trong số 5 hang đã khảo sát, có hang nằm ở chân đồi xã Phú Lộc (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) khá đẹp. Bề mặt hang là vỏ phong hóa sét bột màu đỏ và các tảng đá tự nhiên có lỗ hổng. Miệng hang thông với mặt đất bởi 2 hố sụt lún.

Bên trong có đoạn chiều cao 4-6m, rộng 11m. Tàn tích còn lại của hoạt động núi lửa là thành hang có các gờ do dòng chảy dung nham đông cứng tạo thành thạch nhũ”.

Hang có quy mô lớn nhất, cảnh quan đẹp nhất theo đánh giá của đoàn khảo sát là hang Dơi thuộc địa phận xã Phú Tân (H.Định Quán). Hang nằm trong rừng cây giá tỵ, cách quốc lộ 20 khoảng 200m nên có thể chạy xe máy đến tận nơi. Bề mặt hang có nhiều tảng đá lớn xếp chồng tạo thành bề mặt nghiêng, tiện lên xuống.

Hang có chiều dài khoảng 430m chưa kể các nhánh, đoạn rộng nhất hơn 10m, cao 3-4m. Lòng hang là các khối dung nham đông cứng tạo thành lớp bảo vệ vững chắc. Khi rọi đèn pin vào thành hang, có phản quang óng ánh rất đẹp mắt.

Cũng theo ông Thái Quang, dựa vào cấu tạo, địa chất có thể biết các hang này hình thành từ thời kỳ Neogen - Đệ Tứ (khoảng 2,5 triệu năm trước). Quá trình kiến tạo núi lửa, dung nham phun lên tạo thành miệng núi lửa, bề mặt nguội nhưng bên dưới vẫn nóng chảy tạo ra các hang động chạy dài trong lòng đất.

Không chỉ các huyện miền núi, tại xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) cũng ghi nhận có hang động núi lửa. Theo ông Mai Công Khiển, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT), hang động núi lửa ở xã Bàu Hàm có vòm cao khoảng 10m, chiều rộng khoảng 20m. Trần và thành hang được cấu tạo bởi đá basalt lỗ hổng có vết tích của dòng chảy dung nham. Cửa hang nằm cách nhà dân chỉ vài chục mét.

Trước khi có các thông tin, năm 2013, đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học của Đức và Việt Nam cũng đưa ra thông tin, khu vực H.Tân Phú, H.Định Quán có 11 hang dung nham, với tổng chiều dài 1,8km.

Các tài liệu về địa chất, lịch sử cũng ghi nhận, khu vực có các miệng núi lửa dạng phễu, nón ngược. Điểm đặc biệt là các miệng núi lửa nằm trên đỉnh đồi, núi như lòng chảo lớn.

Cần có thống kê, bảo tồn di sản địa chất

Hang động, miệng núi lửa là di sản địa chất có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Quá trình hình thành mất nhiều thời gian, dễ bị phá hủy nhưng không thể tái tạo. Vì vậy, cần được nghiên cứu, đánh giá tổng thể, từ đó đưa ra giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý.

Theo ông Thái Quang, kết quả thống kê ở trên mới là thông tin sơ bộ vì dự án thực hiện ở quy mô hẹp, thời gian ngắn. Đồng Nai hoặc Bộ TN-MT cần đầu tư nghiên cứu, điều tra quy mô, phân bố của hệ thống hang động; lập bản đồ chi tiết tỷ lệ 1:25.000 về cấu trúc hang động. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp bảo tồn, khai thác bền vững di sản địa chất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Hang động núi lửa này ở Đồng Nai đang có nhiều người tò mò bấm đèn pin để xem ảnh 2
Hang núi lửa thuộc địa phận xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Công Khiển

Trên thực tế, khai thác di sản địa chất để phát triển du lịch nhiều địa phương đã và đang làm. Chẳng hạn như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Đắk Nông (Đắk Nông) hay ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên)… Đồng Nai cũng có thể khai thác du lịch từ các hang động, miệng núi lửa, quần thể đá chồng nếu có thống kê, có quy hoạch, kế hoạch khai thác tài nguyên địa chất.

Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai), ông Thiều Quang Tân cho rằng, hiện các hang động núi lửa chưa được quy hoạch khai thác du lịch, nhưng tương lai thì có thể.

Thời gian qua, vẫn có các đoàn khảo sát, nhóm du khách đến tham quan, thám hiểm, thậm chí có đoàn làm phim mượn hang làm bối cảnh quay, nhưng địa phương không khuyến khích. Để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, người dân và du khách, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản cảnh báo khu vực có hang động nguy hiểm.

Đại diện Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu cho rằng, cần nghiên cứu, khoanh định, cảnh báo tránh nguy cơ sụt lún khi thực hiện các công trình xây dựng. Khuyến cáo người dân không nên xả rác, chất độc hại xuống hang gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ hệ sinh thái đặc thù bên trong.

Theo ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, bảo tàng đang phối hợp với một số đơn vị chuyên ngành địa chất, di sản khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến hang Dơi, khi đủ tiêu chí sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận di tích cấp quốc gia.

Năm 2013, đoàn các nhà nghiên cứu địa chất của Đức và Việt Nam cùng khảo sát và đưa ra thông tin khu vực huyện Tân Phú, huyện Định Quán của tỉnh Đồng Nai có 11 hang dung nham, với tổng chiều dài 1,8km.

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG