Thừa Thiên - Huế:

Hàng chục thanh niên bị lừa làm 'phu' bãi vàng

Hàng chục thanh niên bị lừa làm 'phu' bãi vàng
TP - Hơn một tháng nay, người dân hai xã A Ngo và Hồng Trung (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) lại luôn nơm nớp lo âu về số phận của 33 thanh niên địa phương bị lừa làm “phu” bãi vàng cũng tại huyện miền núi Phước Sơn.
Hàng chục thanh niên bị lừa làm 'phu' bãi vàng ảnh 1
Ông bà Kăn Hoài như ngồi trên lửa khi đứa con gái nhỏ bị lừa vào bãi vàng vẫn chưa về

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng và nhân chứng ở A Lưới: Vào ngày 28/2/2008, ông Nguyễn Chính Đông - có giấy giới thiệu ghi xuất xứ của Cty TNHH Phước Minh và Phòng Nội vụ- Lao động TBXH huyện A Lưới- đề nghị UBND hai xã A Ngo và Hồng Trung cho tuyển lao động phổ thông (độ tuổi từ 18 - 30) vào làm việc tại tỉnh Quảng Nam, công việc chính là trồng rừng và chế biến gỗ, thời hạn lao động từ 6 tháng đến 3 năm, mức lương tháng tối thiểu từ 900.000- 1.000.000 đồng.

Theo thông báo, mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt đều do công ty tuyển dụng đảm trách. Sau đó, mặc dù hẹn đến ngày 3/3 mới làm việc chính thức với UBND xã Hồng Trung, nhưng ngay từ sáng 1/3 (nhằm thứ bảy chính quyền xã không làm việc), ông Đông đã lẳng lặng thuê ô tô về tận các bản làng xa xôi, tìm cách qua mặt chính quyền địa phương, để đưa 33 lao động là người dân tộc Tà Ôi, Pa Cô (trong đó có 4 phụ nữ) vào Phước Sơn.

Vài ngày sau, người dân A Lưới mới “tá hoả” khi anh ALeng Nia nhận được điện thoại của cậu em vợ là Kê Văn Hái (20 tuổi, trú xã A Ngo) gọi cầu cứu rằng, nhóm lao động địa phương đã bị đẩy vào bãi vàng và thường xuyên bị ngược đãi; thậm chí còn bị dọa giết nếu khai báo hay bỏ trốn…

Anh Hồ Văn Điệp (SN 1987, trú thôn Lê Triêng 2, Hồng Trung) may mắn trốn thoát, chưa hết hoảng loạn đã kể lại: Mới 6 giờ sáng 1/3, ông Đông đã đưa xe đón 15 thanh niên xã Hồng Trung, 18 thanh niên xã A Ngo.

Sau hơn 10 giờ đồng hồ, cả nhóm đến thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ăn cơm xong, cả 33 người được đưa vào nghỉ ngơi tại nhà một người đàn ông tên Dũng. Tình cờ Điệp được một chủ quán cạnh đó rỉ tai rằng, cả nhóm đang bị lừa bán cho một bãi vàng.

Hàng chục thanh niên bị lừa làm 'phu' bãi vàng ảnh 2
Anh Hồ Văn Điệp vẫn chưa hết bàng hoàng khi tiếp xúc với các phóng viên

Quá bất ngờ, Điệp vội vã thông báo cho mọi người, nhưng chỉ có 5 thanh niên ở xã Hồng Trung tin lời và tìm cách bỏ trốn ngay trong đêm. Còn Điệp ở lại để bảo vệ bạn bè. Khi kiểm tra thấy thiếu người, ông Dũng lập tức sai người dùng xe máy phân khối lớn hiệu Minsk đuổi theo truy bắt.

Tuy nhiên, nhờ trời tối nên cả 5 người kịp chạy vào rừng trốn thoát. Tối hôm đó, những người còn lại bị ông Dũng gom vào một căn phòng và canh giữ cẩn thận. Sáng hôm sau, đoàn người bị áp tải vào bãi vàng. Đi khoảng gần một ngày đường rừng, mọi người được phép dừng lại ăn cơm.

Lấy lý do đi vệ sinh, Điệp và sáu người khác trốn chạy vào rừng. Tuy nhiên, chỉ mỗi mình Điệp trốn thoát và về đến A Lưới sau 3 ngày chơi vơi giữa rừng sâu.

Đến ngày 12/4, mới chỉ có 15/33 thanh niên hai xã Hồng Trung và A Ngo may mắn trốn thoát trở về. Trong căn nhà tuềnh toàng ở thôn Lê Triêng, bà Kăn Hoài (68 tuổi) kể chuyện với vẻ thảng thốt: “Mẹ có hai người con gái, một tên là Trần Thị Hấc bỗng nhiên mất tích vào tháng 9/2007, đứa thứ hai là Trần Thị Niên, mới 17 tuổi, bị đưa vào bãi vàng huyện Phước Sơn hiện vẫn không biết số phận ra sao”.

Bà Kăn Lang ở thôn Ta Roi (xã A Ngo) kêu cứu trong vật vã: “Ai cứu con cháu tôi với! Bốn người thân là con ruột, con rể, cháu và em rể giờ đang bị “mắc kẹt” trong bãi vàng chưa có tin tức gì”.

Chính quyền xã cũng bị lừa?

Liên quan đến vụ người đi lao động trồng rừng bị biến thành “phu” bãi vàng, ông Hoàng Văn Cường - Trưởng Công an huyện A Lưới - cho biết, hiện cơ quan chức năng đã xác minh được địa chỉ của ông Nguyễn Chính Đông (SN 1978) trú tại Hương Thuỷ (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Điều tra ban đầu cho thấy, ông Đông đã sử dụng hợp đồng lao động ký khống chỉ để “tuyển” người đi làm việc… Công an huyện khi kiểm tra, xác minh những số điện thoại mà Đông để lại đã không thể liên lạc được.

Quay số vào Cty TNHH Phước Minh cũng không có người nhấc máy. Các lực lượng chức năng ở A Lưới dù bước đầu phối hợp tìm kiếm tung tích nạn nhân còn lại tại các huyện miền núi Quảng Nam nhưng vẫn chưa có kết quả.

Trước tình hình này, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam xác minh danh tính của Cty TNHH Phước Minh như Đông đã giới thiệu, địa điểm khai thác vàng và các địa bàn liên quan, để sớm giải cứu các thanh niên nhẹ dạ ở miền núi A Lưới thoát khỏi nguy hiểm.

Trong số lao động A Lưới bị lừa đưa vào bãi vàng Phước Sơn, hiện không chỉ có con em những gia đình nghèo người dân tộc thiểu số, mà còn có cả người thân của Chủ tịch UBND xã A Ngo, ông Đoàn Minh Liệt và hai người em ruột của Phó viện trưởng Viện KSND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Hương.

Thật oái oăm, chính ngôi nhà của ông Hương lại là địa điểm mà ông Quỳnh Nhung - Trưởng thôn Ta Roi - triển khai thủ tục cho thanh niên địa phương đi lao động. Tại xã Hồng Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Nghiếu còn “ưu tiên” dành hẳn phòng làm việc của mình để ông Nguyễn Chính Đông vận động lao động địa phương vào Quảng Nam làm việc.

Ông Nghiếu giải thích: “Ngày 27/2, ông Đông đến xuất trình một số giấy tờ liên quan về Cty TNHH Phước Minh. Do đã biết Đông từ hồi còn học tại trường ĐH Nông Lâm Huế nên tôi tin tuởng, vì hơn nữa ông này còn có cả giấy giới thiệu ghi là của Phòng Nội vụ huyện A Lưới.

Đến sau này khi mọi chuyện vỡ lở, chính quyền xã mới phát hiện Phòng Nội vụ huyện A Lưới không hề cấp giấy giới thiệu cho Đông”. Còn ông Đoàn Minh Liệt cho biết, vì ông Đông làm việc có trình các giấy tờ liên quan hẳn hoi, nên cứ nghĩ đây là cơ hội tốt để tạo việc làm cho lao động địa phương, không ngờ ngay chính quyền xã cũng đã bị lừa.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.