Hàng chục ha Vườn quốc gia Phú Quốc đang bị xâm lấn

Nhiều ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng tại khu vực Suối Lạng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý Ảnh: Hồng Lĩnh
Nhiều ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng tại khu vực Suối Lạng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý Ảnh: Hồng Lĩnh
TP - Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ và các ngành chức năng vào cuộc thì đất rừng Phú Quốc vẫn liên tiếp bị xâm lấn. Theo điều tra của Tiền Phong, thực tế cho thấy mức độ rừng bị tấn công trên đảo khốc liệt hơn nhiều so với các báo cáo.

Xây nhà kiên cố giữa Vườn rừng quốc gia 

PV báo Tiền Phong tìm về  ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu - nơi có gần 10.000m2 đất rừng thuộc Vườn Quốc gia (đoạn cầu 17-18) bị người dân chặt phá, đốt rừng nhưng chưa được cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Đây là số liệu kiểm tra thực địa của Thanh tra Chính phủ tại thời điểm 2018. Tuy nhiên, ngày 25/5/2020 khi PV báo Tiền Phong về đây thì số lượng rừng bị thảm sát gấp đến hàng chục lần.

Trong vai một người đi mua đất, tôi dò hỏi thì được một tay “anh chị” chở thẳng vào địa chỉ nói trên. “Đấy, muốn mua bao nhiêu cũng có. Đất này ngày xưa là đất rừng, bây giờ theo 633 (QĐ 633/TTg) thì không còn rừng nữa, mạnh ai nấy chiếm. Mua bán giấy tay với nhau thôi nhé, vài năm sau chờ chủ trương làm giấy đỏ. Nói thật người nhà “mấy ổng” cũng mua. Một hai trăm triệu mỗi công, tùy vị trí”.

Theo quan sát của PV, có ít nhất 3 con đường được mở vào rừng. Bên ngoài bìa rừng là tấm bảng in chữ màu đỏ: “Đất Vườn Quốc gia quản lý”. Nhưng đi vào bên trong la liệt cây rừng bị chặt phá, đốt. Tiếng chặt, cưa, đóng đinh làm nhà vang lên cả một góc rừng. Nhiều ngôi nhà đã được dựng lên ngay trên đất rừng, và đang tiếp tục mọc lên. Thấy tôi có vẻ e ngại, tay “cò đất” an ủi: Ông mạnh dạn đầu tư đi, tôi thuê người làm nhà, trông đất cho ông. Bên này mua bán đất theo công (mỗi công 1.000m2), 150-200 triệu, tùy vị trí. Còn muốn mua đất nền thì người ta cũng cắt ra cho ông. Sang bên kia thì chuyên đất nền, cũng là đất rừng cả thôi. Mỗi nền 150m2, giá khoảng 200 triệu.

Đi xem đất nền, tay cò đất tiếp tục chở tôi đến khu vực Suối Lạng - khu vực nằm hoàn toàn trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phú Quốc. Tại đây xen lẫn giữa những cây cổ thụ là những ngôi nhà, có cả nhà xây kiên cố, hàng quán tạp hóa mọc sừng sững giữa rừng. Một cuộc sống nhộn nhịp ngay giữa rừng. Đất rừng bị tùng xẻo ra từng mảnh để mua bán giấy tay với nhau. Nhiều cây cổ thụ như dầu, trâm, kiền kiền, còng… đường kính trên 1m đã bị chặt đốt.

Bó tay với “lâm tặc”?

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gành Dầu, ông Huỳnh Văn Định cho biết: Các điểm nóng về chặt phá, lấn chiếm đất rừng nói trên xã đã kiến nghị nhiều lần. Để cưỡng chế đưa các đối tượng ra khỏi rừng một mình xã không thể làm được. Huyện cũng từng tổ chức đoàn về cưỡng chế nhưng bị cả trăm người bao vây, gây áp lực, rất manh động, thậm chí sử dụng cả bom xăng chống trả. “Họ phá rừng, làm nhà cả ban đêm. Nói thật là xã cũng đã cố gắng hết sức, nhưng với tình hình như vậy thì đúng là… bất lực. Cũng nói thêm rằng, đất rừng đoạn cầu 17-18, về mặt giấy tờ, chúng tôi chưa được bàn giao”, ông Định cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất đoạn cầu 17-18, năm 2017 chỉ có 3 hộ vào xâm chiếm, nhưng chính quyền xử lý không kiên quyết nên người dân tứ xứ tiếp tục tấn công vào rừng. Thống kê sơ bộ của xã, hiện có 60 ngôi nhà đã được cất lên trên khu đất này, với tổng diện tích xâm chiếm trên 30 ha.

Còn tại khu vực Suối Lạng, đây là vùng lõi của Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý. Tại đây một số hộ đã có quyết định thu hồi sau thanh tra năm 2004. Tuy nhiên hiện nay đã có 50 ngôi nhà mọc lên, có hộ đã sắm xe hơi. Theo thống kê mới nhất (ngày 17/5/2020) của Trạm kiểm lâm Gành Dầu, số vụ vi phạm về chiếm đất rừng ở Suối Lạng lên tới 64 vụ, với gần 55.000m2. Các đối tượng “lâm tặc” đến từ nhiều nơi khác nhau trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả người Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và có người đến từ Nam Định. Ngoài việc kiến nghị cưỡng chế di dời, Trạm kiểm lâm Gành Dầu yêu cầu xem xét khởi tố các vụ phá rừng đã khám nghiệm hiện trường.

Một cán bộ xã Gành Dầu cho biết, tại khu vực Đồn Biên phòng gần mé biển, có 5,6 ha thuộc đất Vườn Quốc gia quản lý, đã bị 4 hộ xâm chiếm trái phép khoảng 20.000m2, xây nhà kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết: Thống kê từ năm 2017 đến tháng 4/2020 toàn đảo có 88 vụ lấn, chiếm khai thác rừng trái phép. Diện tích rừng bị xâm hại gần 18 ha.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.