Theo một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ, năm tài khóa 2014, Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trong khi Hàn Quốc mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới.
Theo báo cáo, năm 2014, Hàn Quốc đã chi 7,8 tỷ USD để mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Các hợp đồng mua vũ khí từ Mỹ của Hàn Quốc gồm có các máy bay vận tải, các phương tiện hỗ trợ cũng như các máy bay trinh sát không người lái. Hàn Quốc tăng cường hoạt động mua sắm vũ khí trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo liên Triều tiếp tục leo thang những năm gần đây liên quan đến chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Đứng ở vị trí thứ 2 là Iraq với chi tiêu mua sắm vũ khí năm 2014 lên đến 7,3 tỷ USD. Việc tăng cường mua sắm vũ khí của Iraq là nhằm củng cố sức mạnh quân đội trong bối cảnh quân đội Mỹ rút khỏi quốc gia này. Brazil mua sắm vũ khí nhiều thứ 3 với 6,5 tỷ USD, chủ yếu mua máy bay quân sự từ Thụy Điển.
Ở chiều ngược lại, Mỹ tiếp tục là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và chiếm hơn 50% thị phần vũ khí toàn cầu. Năm 2014, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng gần 10 tỷ USD, hay tăng khoảng 35% so với năm 2013 lên 36,2 tỷ USD.
Doanh thu vũ khí của Mỹ tăng mạnh chủ yếu nhờ các hợp đồng vũ khí hàng tỷ USD với Qatar, Ảrập Xêút và Hàn Quốc. Các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đã ký kết nhiều thỏa thuận mua sắm lớn trong nỗ lực nhằm đối phó với Iran. Ví dụ, Ảrập Xêút chi 4,1 tỷ USD mua các tên lửa chống tăng và nhiều loại vũ khí khác trong khi Qatar chi 2,7 tỷ USD mua hệ thống phòng thủ tên lửa và các vũ khí khác.
Đứng sau Mỹ là Nga với doanh thu xuất khẩu vũ khí năm 2014 là 10,2 tỷ USD, tiếp đến là Thụy Điển với doanh thu 5,5 tỷ USD, Pháp 4,4 tỷ USD và Trung Quốc 2,2 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo trên, tổng doanh thu bán vũ khí năm 2014 toàn cầu đạt 71,8 tỷ USD, tăng so với 70,1 tỷ USD năm 2013. Tuy nhiên, báo cáo kết luận, thị trường vũ khí thế giới gần như không tăng trưởng bởi kinh tế toàn cầu ảm đạm. Đây là năm thứ 2 doanh thu vũ khí toàn cầu gần như đi ngang sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ.
Sự tranh giành thị phần đo đó cũng trở nên gay gắt hơn, báo cáo chỉ ra. Tuy vậy, giới chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục là nhà xuất khẩu vũ khí chính cho các quốc gia đang phát triển trong những năm tới.