Hàn Quốc: Khi chính phủ và doanh nghiệp thông đồng

Cuối năm 2016, người biểu tình Hàn Quốc trong trang phục Ông già Noel đòi bà Park Geun-hye từ chức ngay lập tức, không phải chờ đến quyết định cuối cùng của Tòa án Hiến pháp. Ảnh: Getty Images
Cuối năm 2016, người biểu tình Hàn Quốc trong trang phục Ông già Noel đòi bà Park Geun-hye từ chức ngay lập tức, không phải chờ đến quyết định cuối cùng của Tòa án Hiến pháp. Ảnh: Getty Images
TP - Hôm nay (3/1), Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần chính thức xử lý vụ bê bối ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong lịch sử nước này. Dù tòa quyết định như thế nào thì scandal liên quan Tổng thống Park Geun-hye và bạn thân đã bộc lộ sự thông đồng giữa chính phủ và các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, giới quan sát nhận định.

Jay Y. Lee, người thừa kế của đế chế Samsung, từng tìm mọi cách thực hiện kế hoạch sáp nhập quan trọng để chuẩn bị cho việc thay bố trở thành chủ tịch tập đoàn, nhưng bị các cổ đông chủ chốt phản đối suốt nhiều tháng. Nhưng đột nhiên, sự bế tắc của ông Lee được khai thông khi Quỹ lương hưu của chính phủ - bên nắm giữ số lượng cổ phiếu quyết định - chấp nhận kế hoạch của ông, báo chí Hàn Quốc đưa tin.

Một tuần sau, Tổng thống Park Geun-hye mời ông Lee đến văn phòng để đề nghị Samsung giúp quảng bá các hoạt động văn hóa và thể thao Hàn Quốc. Trong vài tháng, Samsung quyên góp 17,4 triệu USD cho 2 quỹ thuộc quyền kiểm soát của người bạn thân Tổng thống Park, bà Choi Soon-sil, và 6,2 triệu USD cho các chương trình huấn luyện người cưỡi ngựa, trong đó có hoạt động của con gái bà Choi. Các khoản đóng góp này đang là tâm điểm của vụ luận tội Tổng thống Park.

“Không biết liệu chúng tôi có thể thay đổi xã hội và nền chính trị Hàn Quốc hay không?”, ông You Jong-il, giáo sư ngành kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển ở thành phố Sejong, nói về những cuộc biểu tình lớn diễn ra hòa bình trên đường phố Seoul gần đây để đòi bà Park từ chức. Sự phẫn nộ của nhiều người dân ban đầu nhằm vào tác động của bà Choi - con gái lãnh đạo một giáo phái - đối với chính quyền của bà Park. Nhưng sau đó họ hướng đến sự quan tâm lớn hơn đối với cả hệ thống chính trị: sức mạnh của vị trí tổng thống, quan hệ của vị trí này với các chaebol - những tập đoàn gia đình đang chi phối nền kinh tế như Samsung. “Chaebol là những đồng lõa!”, người biểu tình hô vang.

Đổi tiền lấy biệt đãi

Các công tố viên cáo buộc bà Choi thông đồng với Tổng thống Park để ép 53 công ty quyên góp hơn 69 triệu USD cho 2 quỹ mà bà Choi quản lý. Quốc hội đi xa hơn với quyết định đình chỉ chức vụ tổng thống của bà Park và gọi 2 quỹ này là kênh hối lộ cá nhân cho bà Choi để trả công cho nhiều chính sách có lợi cho các công ty, như cấp những giấy phép béo bở, ra lệnh ân xá… Bà Park bác bỏ những cáo buộc này.

Tại một phiên điều trần trước Quốc hội, ông Lee và 8 lãnh đạo chaebol khác cũng chối bỏ việc nhận hay tìm cách nhận đối xử đặc biệt vì đã quyên góp tiền. Nhưng họ dường như đã thừa nhận những khoản tiền quyên góp này không hoàn toàn tự nguyện. “Rất khó để đi ngược lại mong muốn của chính phủ”, ông Koo Bon-moo, Chủ tịch tập đoàn LG, nói trong phiên điều trần. Còn ông Lee gọi khoản đóng góp của Samsung là “không thể tránh được”.

Cuộc gặp với ông Lee là một trong 8 cuộc gặp mà bà Park tổ chức với lãnh đạo các chaebol lớn nhất vào tháng 7/2015. Các luật sư của bà thừa nhận, trong những cuộc gặp này, bà đã đề nghị họ góp tiền cho 2 quỹ, nhưng bác bỏ việc bà hứa đối xử ưu ái với họ. Nhưng với những cuộc gặp riêng như vậy, thật khó biết vấn đề gì đã được thảo luận, nhiều người Hàn Quốc nói. Theo các cáo buộc luận tội, bà Park chuẩn bị cho những cuộc gặp này bằng cách yêu cầu cố vấn kinh tế trưởng Ahn Chong-bum chuẩn bị một bản ghi nhớ vạch ra những vấn đề mà các chaebol cần giúp đỡ.

Trước đây, cha của bà Park, Tổng thống Park Chung-hee, là người tiên phong áp dụng mô hình kinh tế ưu ái một số ít doanh nghiệp trước khi ông bị ám sát năm 1979. Ông dành cho họ nhiều ưu đãi về thuế, giá điện…, trong khi đàn áp các tổ chức lao động. Những công ty này cuối cùng trở thành các tập đoàn công nghiệp, đóng góp cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng đói nghèo sau chiến tranh và trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Một vài công ty trong số đó như Samsung, Hyundai, LG… giờ đã trở thành những thương hiệu toàn cầu. Nhưng các gia đình sáng lập vẫn thống trị hầu hết các tập đoàn, mà những người chỉ trích cho là do sự thực thi lỏng lẻo luật quản trị doanh nghiệp và luật thuế. Bà Park và những người tiền nhiệm trông đợi các chaebol đóng góp cho các dự án của chính phủ.

Giơ cao đánh khẽ

Rất ít người dân Hàn Quốc tin rằng các chaebol vô tội trong vụ bê bối lần này. Tuy nhiên, trong khi bà Choi và ông Ahn đã bị bắt, giới chức vẫn chưa có hành động nào đối với lãnh đạo của bất kỳ tập đoàn nào. Trong lịch sử, lãnh đạo nhiều chaebol đã bị “sờ gáy” vì tội hối lộ, trốn thuế và biển thủ, nhưng vẫn được tiếp tục làm việc trong tập đoàn nhờ được hưởng án treo hoặc được tổng thống ân xá. Ít nhất 6 trong 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc (tạo ra tổng doanh thu tương đương hơn 80% GDP của nước này) được dẫn dắt bởi những người có tiền án tiền sự. Từ khi lên nắm quyền năm 2013, bà Park đã ân xá cho ông Choi Tae-won, Chủ tịch tập đoàn SK và ông Lee Jae-hyun, Chủ tịch tập đoàn CJ. Hai tập đoàn này cũng đã quyên tiền cho các quỹ của bà Choi.

Một công tố viên đặc biệt đang xem xét vụ Samsung quyên 6,2 triệu USD để hỗ trợ những người cưỡi ngựa trẻ tuổi, trong đó có con gái bà Choi. Các công tố viên đang điều tra thông tin rằng, bà Choi sử dụng tiền này để mua một ngôi nhà và một khách sạn ở Đức cũng như để trang trải chi tiêu xa xỉ của con gái, trong đó có cả tiền mua phụ kiện cho chó cưng của cô này.

Ông Shin Dong-bin, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Lotte, gần đây bị điều tra tội trốn thuế và biển thủ. Nhưng ông này không bị bắt mà vẫn tiếp tục điều hành tập đoàn. Theo các công tố viên, bà Park và ông Ahn đã gây sức ép để Lotte góp 6 triệu USD để xây một khu tổ hợp thể thao nằm dưới sự điều hành của một công ty do bà Choi thành lập.

Tòa án Hiến pháp của Hàn Quốc chưa từng quyết định phế truất tổng thống nào, dù 7 trong 8 đời tổng thống gần đây đều rời nhiệm sở với cáo buộc tham nhũng.

Theo Theo New York Times, Korea Herald
MỚI - NÓNG