Hàn Quốc cải cách đại học

Hàn Quốc cải cách đại học
Một cuộc cách mạng giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ tại Viện Công nghệ và khoa học bậc cao Hàn Quốc (ĐH Kaist). Tác động và ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa đến toàn bộ nền giáo dục ĐH của quốc gia này.

ĐH Kaist, thành lập năm 1971, có một vị trí đặc biệt trong nền giáo dục Hàn Quốc. Tổng thống Park Chung Hee từng lựa chọn những người trẻ ưu tú nhất để đào tạo tại đây thành những nhà khoa học và kỹ sư.

Ở vùng nông thôn, khi một thanh niên được vào ĐH Kaist thì cả làng trương biểu ngữ và ăn mừng.

Kaist trở thành nguồn cung nhân lực chủ chốt cho giai đoạn phát triển công nghiệp của Hàn Quốc trong ba thập niên 1970-1990.

Khủng hoảng hệ thống

Tuy nhiên, theo báo International Herald Tribune (IHT), đến năm 2006 ĐH Kaist đứng trước cơn khủng hoảng khi cái tên của nó không còn tạo được sự hấp dẫn đối với sinh viên trong nước.

Hệ thống đào tạo cũ - trao học bổng toàn phần nhằm thu hút sinh viên vào các ngành khoa học và công nghệ - đã không còn hoạt động hiệu quả như xưa. Và không chỉ Kaist mà hầu hết các trường ĐH Hàn Quốc đều phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Hàn Quốc cải cách đại học ảnh 1 Điểm khác biệt là nếu chúng ta không cải cách và không thúc đẩy cạnh tranh thì chính những người giỏi nhất sẽ bị hi sinhHàn Quốc cải cách đại học ảnh 2

Nguyên nhân là ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc đã kiệt sức với mục tiêu phải đạt điểm cao trong những kỳ thi liên tiếp, đặc biệt là kỳ thi vào ĐH.

Các bậc cha mẹ cũng không còn muốn thấy những đứa con ở độ tuổi trung học của mình phải cày ải bên bàn học từ sáng đến đêm.

Thay vào đó, thanh niên Hàn Quốc chọn cho mình con đường ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, để học tập và không quay trở lại. Năm 2007, hơn 62.000 sinh viên Hàn Quốc nhập học tại Mỹ. Trong khi đó, 35.000 thiếu niên lứa tuổi dưới ĐH cũng đi sang Mỹ. 

Người Hàn Quốc đau đầu trước nguy cơ chảy máu chất xám. Ngay cả tổng thống mới đắc cử Lee Myung Bak cũng từng có lần than thở rằng hệ thống giáo dục quốc gia "không sản sinh ra những tài năng có đủ tầm cạnh tranh trên trường quốc tế".

Để thay đổi tình thế tại ĐH Kaist, năm 2006 Chính phủ Hàn Quốc đã mời giáo sư Suh Nam Po về nắm cương vị chủ tịch trường.

Cải tổ tận gốc

IHT cho biết ông Suh, 71 tuổi, một kỹ sư cơ khí, từng là nhà quản trị Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Và ngay từ khi xuất hiện, ông đã chứng tỏ vai trò cải cách bằng việc phá vỡ hàng loạt truyền thống được coi là "linh thiêng" nhất tại Kaist.

Đầu tiên, ông ra lệnh các giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh ở tất cả lớp học. Đây là chuyện chưa từng có tại bất kỳ trường ĐH nào ở Hàn Quốc.

"Tôi muốn sinh viên Kaist có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới - ông Suh khẳng định - Tôi không muốn họ giống như những người Hàn Quốc khác, tham dự các hội nghị quốc tế và chỉ nói chuyện với nhau vì sợ phải nói tiếng Anh".

Nhờ các lớp tiếng Anh, Kaist cũng bắt đầu thu hút sinh viên nước ngoài. Đồng thời, ông Suh chấm dứt chế độ học bổng toàn phần với các sinh viên yếu kém. Những sinh viên bị điểm trung bình dưới B phải trả học phí 16.000 USD/năm.

Ngoài ra, ông Suh còn áp dụng nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ khác. Bắt đầu từ năm nay, Kaist thí điểm chương trình nhập học không qua thi cử, thay vào đó áp dụng chế độ nhập học theo kiểu phương Tây.

Các giáo sư sẽ đánh giá các bài luận văn và phỏng vấn những sinh viên xin nhập học. Những người thể hiện được sự sáng tạo và tố chất lãnh đạo sẽ có cơ hội được đào tạo tại Kaist. "Chúng tôi đang tìm kiếm những viên kim cương thô”, ông Suh cho biết.

Theo IHT, trước đó, Bộ Khoa học và công nghệ, chủ quản của ĐH Kaist, từng thuê giáo sư vật lý đoạt giải Nobel Robert Laughlin về lãnh đạo trường. Tuy nhiên, ông Laughlin đã phải từ bỏ công việc sau hai năm sau khi thúc đẩy một số thay đổi tương tự những gì ông Suh đang làm.

Một số khoa đã tổ chức chiến dịch chống lại ông với lời buộc tội ông đã "thiếu nhạy cảm" với truyền thống Hàn Quốc. Gốc gác Hàn Quốc của ông Suh đã bảo vệ ông trước những cáo buộc tương tự.

Cho tới nay, những cải cách của ông Suh nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ giới chuyên gia trong nước. Bộ trưởng Kim Shi Il khẳng định đây "là cách giúp các trường ĐH Hàn Quốc đủ sức cạnh tranh trên qui mô toàn cầu".

Báo JoongAng Daily dẫn lời nhiều nhà giáo các trường ĐH khẳng định "cần phải học tập từ Kaist". Còn ông Suh thì đơn giản tuyên bố: "Giấc mơ của tôi là biến Kaist trở thành một ĐH toàn cầu hóa, một trong những trường ĐH tốt nhất thế giới". 

Ông Suh di cư sang Mỹ từ năm 19 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và từng là trưởng khoa cơ khí MIT năm 1991-2001. Trong thập niên 1980, ông là trợ lý giám đốc Tổ chức Khoa học quốc gia Mỹ. Ông từng giảng dạy và làm việc tại rất nhiều ĐH ở Hàn Quốc.

Ông cũng đã từng đóng vai trò tư vấn cho LHQ, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Hàn Quốc trong kế hoạch kinh tế năm năm của Hàn Quốc vào thập niên 1980.

Theo Hiếu Trung
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.