Báo cáo đoàn kiểm tra của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL), ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp cho biết từ mùa lễ hội 2020 đã thực hiện theo tinh thần mới do COVID-19: Không tổ chức lễ hội khai ấn, chỉ thực hiện nghi lễ truyền thống do các cụ nhà đền tổ chức, dừng mọi hoạt động phần hội. Đến thời điểm này, BQL di tích sẵn sàng các phương án cho mùa lễ hội Xuân Tân Sửu, trong đó có cả phương án dừng hội nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế, thời gian tổ chức lễ hội diễn ra từ 22-27/2/2021 (11-16 tháng Giêng) với quy mô lễ hội nhỏ, hạn chế tối đa lượng người tham gia. Đặc biệt, trong lễ Khai ấn diễn ra đêm 14 tháng Giêng, dự kiến số lượng đại biểu mời tham dự là 200 người, so với trên nghìn người như các năm trước. Ban Quản lý cũng phát ấn theo tinh thần không tập trung đông người, chủ yếu phát cho các đoàn đăng ký trước. Nhà đền sẵn sàng cho việc in ấn lộc Xuân 2021 để phục vụ nhu cầu của du khách khi dịch bệnh được khống chế như hiện nay. Tuy nhiên, quy mô và cách thức tổ chức lễ hội Đền Trần 2021 vẫn phụ thuộc vào tình hình thực tế của dịch bệnh.
Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, việc triển khai công tác chuẩn bị cho lễ hội Xuân 2021 cần tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2021; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường phòng chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 44/CT-TTg của Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn 5050/BVHTTDL-VHCS về các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực VHTTDL.
Lãnh đạo Cục Văn hóa Cơ sở nói dù lễ hội đền Trần năm 2021 được triển khai phương án tổ chức nào, quy mô ra sao thì luôn phải đề cao hàng đầu tinh thần phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ban quản lý cần nâng cao ý thức phòng chống dịch với các biện pháp như bắt buộc người dự hội đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn. Trong tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại, địa phương áp dụng biện pháp tạm dừng tổ chức lễ hội theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Bên cạnh đó, Cục cũng lưu ý các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như hạn chế những biểu hiện tiêu cực như thương mại hóa, trục lợi từ lễ hội, hạn chế đốt vàng mã số lượng lớn, đổi tiền lẻ chênh lệch, những ứng xử thiếu văn minh trong lễ hội như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc.