Bà Goar Vartanian (cách viết khác Goar Vartanyan và Gohar Vartanian) sinh ngày 25/1/1926 ở thành phố Gyumri của Armenia và qua đời ngày 25/11/2019 ở tuổi 93. Bà là vợ điệp viên Liên Xô Gevork Vartanian – người qua đời năm 2012 ở tuổi 87.
Bà Goar chuyển sang Iran vào những năm 1930. Ở tuổi 16, bà gia nhập một nhóm chống phát xít do ông Gevork lãnh đạo. Lúc đó, ông Gevork đã là điệp viên Liên Xô. Người ta cho rằng, bộ đôi này đã tìm ra hàng trăm điệp viên Đức quốc xã hoạt động ở Iran.
Nhóm chống phát xít được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho một hội nghị năm 1943 ở thủ đô Tehran của Iran, nơi các nhà lãnh đạo Anh, Liên Xô và Mỹ gặp để thảo luận chiến lược đấu tranh, đánh bại phát xít Đức.
Sau khi trùm phát xít Adolf Hitler đồng ý với kế hoạch ám sát Nguyên soái Liên Xô Vissarionovich Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchil tại hội nghị, nhóm của ông bà Gevork-Goar đã theo dõi các đặc vụ Đức quốc xã tham gia chiến dịch “Long Jump” (Bước nhảy dài).
Chiến dịch do giám đốc Cơ quan an ninh Đế chế Ernst Kaltenbrunner chỉ đạo và Otto Skorzeny (nhân vật khét tiếng của Cơ quan Tình báo quân đội Đức, người từng nhảy dù xuống Ý để giải thoát nhà độc tài Benito Mussolini) thực hiện. Bộ đôi Gevork-Goar đã làm phá sản kế hoạch bắt cóc và/hoặc ám sát ba “ông lớn”.
Chiến dịch ám sát bộ ba quyền lực
Năm 1942, Hitler quyết định triển khai chiến dịch Long Jump trên thực tế. Sau khi bàn bạc, lên kế hoạch kỹ lưỡng dưới sự giám sát trực tiếp của Kaltenbrunner, trùm phát xít cử Skorzeny cùng sáu nam đặc vụ khác tới điểm hẹn ở Tehran để thực hiện kế hoạch bắt sống và/hoặc ám sát Stalin, Churchill và Roosevelt.
Tin đầu tiên về chiến dịch Long Jump được điệp viên Liên Xô Nikolai Kuznetsov hoạt động ở Ukranie (lúc đó bị Đức quốc xã chiếm đóng) báo về. Kuznetsov được Ulrich von Ortel - một sĩ quan an ninh Đức quốc xã say rượu kể về kế hoạch nhằm vào 3 “ông lớn” dự họp ở Iran. Khi đó, ngày thực hiện chiến dịch Long Jump không được tiết lộ.
Ông Gevork được giao nhiệm vụ tuyển mộ các điệp viên từ năm 1940. Giai đoạn 1940-1941, nhóm tình báo 7 thành viên của ông đã xác định được hơn 400 đặc vụ Đức quốc xã và tất cả những đối tượng này đều bị quân Liên Xô bắt giữ.
Mùa thu năm 1943, nhóm của ông Gevork được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho hội nghị sắp diễn ra ở Tehran. Nhóm xác định được 6 người vận hành radio của Đức quốc xã ngay trước khi hội nghị khai mạc ngày 28/11/1943. Toán biệt kích Đức đầu tiên nhảy dù xuống gần thành phố Qom, cách Tehran khoảng 64 km.
Sau này, ông Gevork kể: “Chúng tôi theo họ đến Tehran, nơi cơ sở thực địa của Đức quốc xã đã chuẩn bị một biệt thự cho họ ở. Họ đi bằng lạc đà, mang theo vũ khí. Trong khi theo dõi nhóm này, chúng tôi xác định được rằng, họ liên lạc với Berlin bằng radio… Khi giải mã được các thông điệp gửi qua sóng radio, chúng tôi biết rằng người Đức chuẩn bị gửi tới nhóm thứ hai để ám sát hoặc bắt cóc 3 “ông lớn”. Nhóm thứ hai dự kiến do Skorzeny cầm đầu”.
Tất cả thành viên của nhóm ám sát thứ nhất bị bắt và bị ép liên lạc với những người điều hành trực tiếp của họ. Nhóm thứ hai do Skorzeny chỉ huy đã không tới Tehran.
Hai vợ chồng anh hùng
Bộ đôi Gevork-Goar chuyển về Liên Xô năm 1951. Kể từ đó, họ tham gia nhiều hoạt động tình báo trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt ở nhiều nước.
Ông Gevork được trao giải thưởng Anh hùng Liên Xô. “Ông Gevork từng nói rằng, trong số 5 cánh của huân chương Ngôi sao Anh hùng, ít nhất hai cánh thuộc về Goar yêu thương”, người phát ngôn của Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR), ông Sergei Ivanov, cho biết.
Hồi tháng 6/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm tổng hành dinh SVR và biểu dương các đặc vụ, trong đó có vợ chồng ông bà Gevork-Goar. “Họ là những người khiêm tốn, không thích được gọi là anh hùng”, Tổng thống Putin nói. Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng, Tổng thống Putin biết về bộ đôi này rất rõ.
Năm 1986, bà Goar nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đào tạo các điệp viên trẻ tuổi. Trước đó, vợ chồng ông bà Gevork-Goar hoạt động tình báo ở nước ngoài dưới nhiều vỏ bọc khác nhau thuộc một chương trình bí mật từ năm 1956 tới 1986, SVR tiết lộ. Bí danh của bà là Anita và của ông là Anri.
Ông Gevork có bố mẹ là người Armenia; bố là điệp viên Liên Xô, năm 1930 được cử tới Iran, hoạt động trong 23 năm ở nước này dưới vỏ bọc thương nhân giàu có.
Chưa đầy 16 tuổi, Gevork đã gia nhập ngành tình báo. Năm 1955, ông tốt nghiệp Viện Ngoại ngữ ở thủ đô Yerevan của Armenia.
Năm 2003, dựa vào các tài liệu được giải mật, Yuri Lvovich Kuznets xuất bản cuốn sách tên là “Tehran-43”, kể chi tiết về vai trò của ông Gevork đối với hội nghị Tehran. Năm 1981, Liên Xô phát hành bộ phim “Tehran 43” với vai chính do tài tử Pháp Alain Delon thủ diễn.
Năm 2007, ông Gevork gặp cháu gái của ông Winston Churchill và nhận lời chúc mừng vì những đóng góp to lớn cho phe Đồng minh. Danh tính của nhà tình báo lỗi lạc được giữ bí mật cho đến năm 2000, khi ông cuối cùng được chính thức công nhận có công phá vỡ kế hoạch ám sát ba nhà lãnh đạo Liên Xô, Anh và Mỹ.
Ông Gevork qua đời ngày 10/1/2012. Ông Vladimir Putin (lúc đó là Thủ tướng Nga) dự lễ tang, còn Tổng thống Nga Dmitry Medvedev gửi lời chia buồn, gọi ông Gevork là “nhà tình báo huyền thoại”.
“Ông (Gevork) là anh hùng của Liên Xô. Bà (Goar) là anh hùng của tất cả thành tựu của ông ấy. Ông qua đời trước. Bà qua đời hôm nay”, SVR ra tuyên bố hôm 25/11.
Bà Goar sẽ được chôn cất bên cạnh chồng, ông Ivanov cho biết. Lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tại Nghĩa trang Troekurovo danh tiếng gần thủ đô Mátxcơva. Đoàn Bộ Quốc phòng Armenia sẽ tham dự lễ tang của bà.