Hai trong một

Hai trong một
TP - Cuối cùng sau nhiều chờ đợi phấp phỏng của các học sinh trên toàn quốc, phương án đổi mới thi cử chính thức cũng đã được Bộ GD&ĐT công bố.

Theo đó bắt đầu từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi được gọi là “kỳ thi THPT quốc gia” với 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một hoặc nhiều môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi “hai trong một” này sẽ có nhiều điểm lợi như vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp lại vừa dùng để tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ; tách bạch giữa thi và tuyển sinh, thi trước rồi đăng ký trường sau; tránh lãng phí, phiền hà cho thí sinh và toàn xã hội… Và cái đích cuối cùng là thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ cách dạy và học từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.

Tuy nhiên những kỳ vọng trên vẫn chỉ là lý thuyết, bởi kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên chưa diễn ra và quan trọng hơn bởi hàng loạt những ngổn ngang, bất cập của nền giáo dục nước nhà vẫn còn đó, vẫn đang hiển hiện trong mỗi gia đình, mỗi lớp học. 

Vấn nạn dạy thêm học thêm, tư duy học để thi, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn rất nặng nề. Còn nhớ ngay sau khi Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân năm 2006 phát động phong trào “hai không” - nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2007 trên cả nước đã bất ngờ giảm mạnh, hơn 400.000 thí sinh trượt tốt nghiệp, buộc Bộ GD&ĐT phải tổ chức kỳ thi lần 2. 

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trung bình từ 94% xuống còn 66%, 12 tỉnh đỗ dưới 50%... Nhiều trường không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp. Nhưng rồi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lại tăng lên nhanh chóng sau mỗi năm như có một phép màu và đạt mức khó có thể cao hơn - 99,02% vào năm nay, 2014.

Nhắc lại điều này để thấy căn bệnh thành tích trong giáo dục chưa hề bị đẩy lui, xã hội đang mất niềm tin vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong bối cảnh đó, chất lượng của kỳ thi “THPT quốc gia” tới đây hẳn sẽ không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng. 

Liệu tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ ra sao? Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cùng lúc ở các cụm thi tập trung (cho HS muốn học ĐH-CĐ) và ở từng địa phương (cho HS muốn học nghề) liệu có ổn? Liệu kịch bản trên 400.000 thí sinh “trượt tốt nghiệp” ngay lần thi đầu như năm 2007 có tái diễn, và rồi liệu có “lạm phát” vô số những học bạ loại khá, giỏi để tăng “hệ số an toàn” cho khâu xét tốt nghiệp?

Theo thống kê thường chỉ có 20% HS không muốn thi ĐH - CĐ, vậy 80% còn lại vẫn phải “lai kinh ứng thí” như trước?... Hàng loạt câu hỏi đang chờ câu trả lời từ lần đổi mới mang tính bước ngoặt này của Bộ GD&ĐT.

Tháng 6/2015, ngót một triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, kỳ thi khởi đầu cho một quyết tâm “đổi mới căn bản, toàn diện” nền giáo dục nước nhà. Thay đổi cả một triết lý dạy và học, từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực đâu chỉ bằng một vài kỳ thi. Trước mắt chỉ mong sao kỳ thi quốc gia sắp tới thực hiện tròn sứ mệnh “hai trong một” theo đúng nghĩa của những kỳ thi đích thực!

MỚI - NÓNG