Tượng đài Bình Định Vương Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa
Thử soát một lượt hệ thống thành quách nước Nam, thì thành Tư Phố - Thủ phủ của xứ Thanh xưa (nay là làng Giàng xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có chiều kích lịch sử chỉ đứng sau Loa Thành nơi An Dương Vương định đô đời Chu Noãn Vương Tần Thủy Hoàng (Năm 257 tr CN). Hậu thế có thể tìm ở thành Tư Phố, thủ phủ của quận Cửu Chân xửa xưa những chứng tích cùng truyền thuyết các cuộc khởi nghĩa chống quân bành trướng phương Bắc của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong thư tịch cổ Trung Hoa, có hẳn một bộ sách gọi là Thủy Kinh Chú rành rẽ tường tận cái tên thành Tư Phố xuất hiện từ năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (Đối chiếu với niên biểu, Nguyên Đỉnh là niên hiệu của Vương triều Tây Hán, đời Hán Vũ Đế, năm thứ 6 là năm 116 Tr CN). Sách cũng chép về cuộc hành binh viễn chinh của Mã Viện cùng dũng khí kháng cự của người Nam ở Tư Phố, thủ phủ Cửu Chân. Dằng dặc hơn ngàn năm Bắc thuộc, Tư Phố vẫn là địa danh mà phương Bắc phải nhớ, phải gờm. Tư Phố, nơi chôn rau cắt rốn bộ tướng của Khúc Thừa Dụ là Dương Đình Nghệ. Miên man cho tới thời nhà Nguyễn, Tư Phố nhạt nhòa dần chìm vào quên lãng với chỉ dụ của Gia Long năm 1804 quyết định chuyển trấn lỵ Tư Phô từ làng Giàng về Hạc thành.
Hạc thành chính là địa danh vua Gia Long đặt để chỉ nơi đóng sở lỵ mới của trấn Thanh Hoa mênh mông. Chính sử bảng lãng trong dã sử cùng là huyền thoại, sau khi xưng vương (1802), năm 1804 Gia Long đã có cuộc tuần du gấp ra Bắc Hà với mục đích chiêm bái mảnh đất phát tích của nhà Nguyễn là Gia Miêu Ngoại trang cùng dâng hương trước phần mộ viễn tổ Nguyễn Kim (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Việc cúng tế xong, ngài nảy luôn một quyết định hệ trọng trong chuyến tuần du là phải dời trấn lỵ Thanh Hoa vốn hàng ngàn năm vẫn đóng ở Tư Phố!
Dời đi đâu? Về Gia Miêu này chăng? Tương truyền Gia Long phân vân lắm… Chập chờn giấc mơ trong cái đêm về sáng ở đất Gia Miêu, chợt có vị thần mách bảo, mai sáng sẽ có con hạc trắng chỉ đường. Sáng sau có bạch hạc hiện thật. Xa giá vua Nguyễn gập ghềnh trực chỉ hướng bay của cánh hạc. Chỉ ít dặm đường thì hạc đỗ. Một vùng đất non xanh nước biếc bao la trước mắt…
Sau hơn ba năm Trấn lỵ mang tên mới Hạc thành (thành chim hạc) sự xây cất (có tài liệu chép mãi đến năm 1828, dưới triều Minh Mạng việc xây thành Hạc mới cao trào) hối hả nhưng quy chuẩn nên sớm có một công trình kiến trúc bắt mắt. Hạc thành có dáng hình lục lăng, chu vi dài tới 360 trượng (một trượng bằng 10 thước ta, một thước ta bằng 0,4m) có hào sâu bao quanh chân thành, có hành cung dành riêng cho nhà vua mỗi khi đi thị sát, có dinh thự cho ba vị quan đầu tỉnh: Tổng đốc, Án sát (Ty Phiên), Tuần phủ (Ty Niết) lại có cả trại giam dành cho kẻ phạm tội. Bên cạnh khu an sinh, các chợ, các phố dần định hình. Chợ có chợ Vườn Hoa lớn nhất tỉnh, các phố mang tên nghề như phố Hàng Đồng chuyên bán đồng, phố Hàng Hương chuyên sản xuất và buôn bán hương cúng…
Cái tên Thanh Hoa dùng để gọi xứ trấn lớn nhất Đàng Ngoài tồn tại mãi cho đến cái năm cô gái xinh đẹp quê ở Biên Hòa có cai tên Hồ Thị Hoa về làm vợ vua Minh Mạng. Hoàng hậu Hoàng đế Minh Mạng, mẹ đẻ của Hoàng đế Thiệu Trị là người đức tốt nhưng yểu mệnh. Sau khi sinh con chỉ ít ngày, bà bị bạo bệnh rồi mất. Hoàng đế Gia Long rất thương ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên người con dâu hiếu thuận. Phàm địa danh chi có hoa đều đổi thành huê hoặc bông. Theo đó đất thần kinh có chợ Đông Hoa to nhất đổi thành chợ Đông Ba như ngày nay. Thành Gia Định có Cầu Hoa đổi thành Cầu Bông như tên gọi bây giờ. Người đàng trong thay vì kêu hoa bằng huê hay bông vì thế!
Và tên một trấn (thời Gia Long chưa có khái niệm tỉnh) lớn nhất Đàng Ngoài như Trấn Thanh Hoa cũng phải đổi!
Ban đầu đổi, Thanh Hoa gọi là trấn Thanh Ba. Sau vua thấy hình như không ổn? Ngài bèn truyền rằng Những chữ húy ở Thái miếu rất là tôn trọng, theo lễ phải nên cung kính mà kiêng tránh. Nhưng đối với cái nơi phát tích muôn đời, cũng phải nên còn lại sự thực. Xét các sử sách của nước Nam, tỉnh Thanh đời cổ là Thanh Hóa. Vậy chuẩn cho lấy lại tên cổ.
Thanh Hóa vẫn là Thanh Hóa. Diệu kỳ thay cái tên ấy? Dưới thời Minh Mạng, một loạt dinh trấn trong Nam ngoài Bắc đổi thành tỉnh với nhiều tên mới. Nhưng riêng Thanh Hóa vẫn tên tỉnh Thanh Hóa. Dưới thời thuộc Pháp, lại chia hợp một số tỉnh nhưng Thanh Hóa vẫn y nguyên. Thời thế đổi thay, mãi đến năm 1991, trong phong trào chia tách tỉnh rầm rộ, người ta đã ngắm ngó, đã trù tính cái việc chia tỉnh cùng là tên mới Thanh Hoa cho cái tỉnh lớn và đông dân nhất nước này một khi chia tách thành hai! Nhưng sau nhiều ngày bàn thảo, đổi trao (chuyện này xin được kể sau) việc đó đã không thành và vẫn vẹn nguyên cái tỉnh cùng cái tên Thanh Hóa. Vậy nên theo đó, từ trấn lỵ đến tỉnh lỵ, vẫn nguyên lành một danh từ, Thanh Hóa.
140 năm sau, Hạc thành trở thành bình địa sau chỉ lệnh triệt để tản cư, triệt để phá hoại ngăn bước chân quân Pháp.
Lẩn mẩn giở cuốn sổ biên chép việc đã ngả màu thấy những hàng chữ đã mờ mờ viết lâu ngày về các việc phải làm (nhưng chưa thực hiện được) với riêng thị xã Thanh Hóa.
Tìm lại sự kiện Tống Duy Tân bị hành hình ở Chợ Vườn Hoa ngày 5/10/1892.
Hỏi lại nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào (con trai cụ Nguyễn Tuân) và người nhà trước 1945, gia đình nhà văn Nguyễn Tuân định cư vào Thanh Hóa, sống ở làng Hạc như thế nào?
Viết về đội tự vệ cảm tử trong sự kiện ta tự phá cầu Hàm Rồng (chiếc cầu cong cong mềm mại duyên dáng chứ không thẳng đuột như cầu mới) ngày 7/3/1947 khởi đầu cho chiến dịch tiêu thổ kháng chiến ở thị xã Thanh Hóa.
Viết lại 2 sự kiện. Trưa hay là chiều ngày 6/10/1972, sau 7 năm trụ vững dưới hàng vạn tấn bom đạn của Mỹ, cầu Hàm Rồng bất ngờ bị đánh sập vì bom lade ra sao? Và sáng 14/6/1972 nữ sinh trường Y, Sư phạm đang đắp đê Hàm Rồng bất ngờ bị bom Mỹ tàn sát, 69 cô gái bị giết...
Đã bao nhiêu là nước xuôi dưới chân cầu Hàm Rồng kể từ thời điểm thành Hạc thành thị xã Thanh Hóa? Rồi từ thời điểm đó cho mãi đến năm 2004 được công nhận là Đô thị loại II? Và nay, 2014 tỉnh lỵ Thanh Hóa được công nhận là Đô thị loại I?
Có dịp tháp tùng hai ông Thủ tướng tiền nhiệm và đương nhiệm vô xứ Thanh, thấy các vị lần nào cũng gợi ý và hối thúc việc phát triển thành phố xuôi về mạn Nam Hàm Rồng. Nhưng hình như tiến độ có chậm? Lại hơi bị sốt ruột thấy sự quy hoạch lẫn xây cất ở các tỉnh bạn?
Có lẽ mai kia việc quy hoạch, xây dựng thành phố Thanh Hóa rồi cũng chả thua chị kém em? Nhưng xứ Thanh nói chung và thành phố đang khan, khem khâu cán bộ?
Gần đây, ngồi với dân Hạc thành, nghe vô khối chuyện về ông Thị trưởng thành phố Đào Trọng Quy. Đã đành quản trị (không phải quản lý) một Đô thị loại I luôn cộm lên vô số việc với nhân tâm gần tròn nửa triệu dân này là phức tạp. Trong đó có chuyện lần ấy dân đến khiếu kiện việc đền bù đất đai, quân ông Quy thét công an dùng còng chuyên dụng cùm người đó lại (Thời Lê Trung Hưng vua chúa ưu ái kén lính túc vệ chọn người đất thang mộc Thanh Hoa nên từng sinh nạn kiêu binh). Cứ rờn rợn nghĩ đến câu buồn cũ quan xứ Nghệ lính lệ xứ Thanh, lại tưởng thêm đến thói hống hách, khinh dân, nạt dân đang thảng hoặc đâu đó trong lực lượng bảo vệ pháp luật không riêng ở Thanh Hóa. Ông thị trưởng thành phố đã biết tức tốc cái việc mời người bị còng lên Dinh thị trưởng mà xin lỗi cùng việc nghiêm khắc phê bình thuộc hạ. Lại biết cả việc bảo anh em mua bánh mỳ nước uống về trụ sở thành phố để tiếp dân đến khiếu kiện, còn mình thì trực tiếp trò chuyện, hỏi han nguyện vọng của bà con.
Thị trưởng, hình như là cái nghề, không phải là quản lý mà là quản trị? Quản lý đượm hơi hướng hành chánh. Còn quản trị là cả một sự tổng hợp của khéo léo nhuần nhuyễn cái tài cùng cái tâm. Chả dám nói quá, nhưng dân mình, chẳng riêng chi dân Đô thị loại I như thành phố Thanh Hóa đây mà nhiều vùng miền khác đâu mấy săm soi quy trình bổ nhiệm với bằng, cấp miễn họ có được cán bộ thực tâm lẫn thực tài. Khắc nghiệt thời buổi này, nghề (thực trạng, thách thức cùng là cơ hội của mỗi địa phương) chọn người, chọn ghế, chọn cán bộ chứ cá nhân cán bộ chả thể tùy tiện chọn lựa. Cái ghế thị trưởng của ông Đào Trọng Quy, có lẽ luôn phải là ghế nóng? Bởi Y phục xứng kỳ đức. Ứng và xứng với ghế ấy phải luôn phát lộ và ló dạng hai việc vừa kể trên.
Việc ấy là cái tâm cái tài không những để ứng đối chi dùng cho những sự vụ hàng ngày mà còn làm nên cái tầm? Nó như những thành tố để bầu nên ghế Thị trưởng vậy.
Có lẽ ông Thị trưởng này thấm hơn ai hết cái nạn xa khi ông ở trong Ban giải phóng mặt bằng công trình lọc hóa dầu Nghi Sơn. Bữa ấy, do nhiều lý do đã dẫn đến việc xô xát xảy ra đổ máu giữa dân với công an địa phương. Và nữa, sau nạn ấy, ông Quy trực tiếp chứng kiến ông Chủ tịch tỉnh Mai Văn Ninh hàng giờ đứng trước dân ăn năn những lời xin lỗi?