Hai thông điệp quan trọng của Thủ tướng Phan Văn Khải

Hai thông điệp quan trọng của Thủ tướng Phan Văn Khải
Đó là sự khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang không ngừng phát triển và Nhà nước ta luôn coi đồng bào sinh sống tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bằng một cuộc hội đàm rất thành công ngày 21/6/2005 tại Nhà Trắng.

Hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những trở ngại về sự khác biệt văn hóa, những vấn đề hậu quả chiến tranh, cũng như cách tiếp cận không giống nhau đối với một số vấn đề nhậy cảm.

Trong suốt cuộc hội đàm, việc Tổng thống Bush với thái độ hòa giải, đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam, thừa nhận những tiến bộ về tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO, nhận lời sang thăm Việt Nam vào năm 2006 là điều cách đây 10 năm không ai nghĩ tới.

Nhưng đó lại là điều phi thường có thật. Như lời cựu binh chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain: “Sự hiện diện của ngài Thủ tướng tại Washington ngày hôm nay và các vị quan khách Mỹ chứng tỏ những nước từng ở hai chiến tuyến có thể trở thành đối tác bạn bè”.

Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm này đã gửi hai thông điệp quan trọng đến Chính phủ Mỹ và cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Thông điệp thứ nhất, Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang không ngừng phát triển theo tinh thần hướng về tương lai và đã thu được thành công bước đầu rất đáng phấn khởi. Tuy hai bên vẫn còn quan điểm khác biệt trong một số vấn đề cần giải quyết nhưng có thể nói giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ không có tranh chấp lớn.

Hai bên có sự gặp nhau về mối quan tâm và lợi ích trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ giữa hai nước và quốc tế. Đây chính là những cơ sở vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu làm được như vậy hai nước sẽ đóng góp được cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cả Việt Nam và Mỹ đều là một bộ phận.

Thông điệp thứ hai, Thủ tướng khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn coi đồng bào sinh sống ở nước ngoài nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, Chính phủ Việt Nam muốn tất cả cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước. Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ tin tưởng rằng cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ với lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc là một cầu nối quan hệ  hữu nghị hợp tác giữa nhân dân và giới kinh doanh hai nước.

Hai thông điệp nói trên làm chúng ta nhớ lại truyền thống đối ngoại mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam từng được các bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét. Hòa hiếu lâu dài với các dân tộc, đặc biệt là với các nước lớn để phát triển là đặc điểm nổi trội của tư tưởng đối ngoại Việt Nam.

Trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, hai dân tộc đã từng có mối bang giao từ rất sớm. Năm 1787 ông Thomas Jefferson - một nhà khoa học, đồng thời là một nhà chính trị Mỹ đã mang giống lúa gạo từ Việt Nam về trồng  tại trang trại của ông ở bang Virginia.

Sau đó 14 năm, Thomas Jefferson trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, ông đã cho chuyến tàu chở hàng đầu tiên cập cảng Việt Nam. Ngày đó chẳng ai nghĩ rằng câu nói nổi tiếng của Tổng thống Thomas Jefferson “Mọi người sinh ra có quyền bình đẳng…” năm 1945 lại được vang lên trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam).

Lịch sử còn ghi đã có ít nhất 3 lần vào các năm 1950, 1956, và 1976 phía Mỹ bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Lần này, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush thay mặt nhân dân và Chính phủ hai nước đặt nền móng cho quan hệ đối tác ổn định lâu dài trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hoa Kỳ mới được 10 năm nhưng luôn theo chiều hướng phát triển đi lên từng bước vững chắc. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay với kim ngạch thương mại song phương đạt 6,4 tỷ USD/năm 2004.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Phan Khải lần này, quan hệ hợp tác giữa hai nước còn mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng là một trang mới trong lịch sử Việt - Mỹ.

Tăng cường cải thiện quan hệ toàn diện Việt - Mỹ luôn là mong muốn của người dân hai nước nhưng không phải lúc nào điều này cũng dễ dàng làm được. Người Mỹ nổi tiếng là một đối tác thực dụng. Mười năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước cho thấy phía Mỹ luôn đòi hỏi có đi có lại.

Nhiều người từng hy vọng hai nước kết thúc đàm phán việc Việt Nam gia nhập WTO trong dịp Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ. Thậm chí đài truyền hình VTV1 còn cử các phóng viên Lê Bình và Quang Minh cùng tổ công tác tháp tùng đoàn đàm phán do Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự dẫn đầu sang Washington D.C với hy vọng “chộp” được tin vui.

Nhưng vào phút chót, hai bên mới chỉ thu hẹp được khoảng cách bất đồng mà chưa kết thúc được tại vòng đàm phán thứ 8. Trước đó các quan chức Chính phủ Mỹ luôn lên tiếng khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam sớm gia nhập WTO.

Các nước khác tuy thấp giọng hơn Mỹ nhưng họ đã kết thúc thắng lợi đàm phán với Việt Nam từ lâu rồi. Tất nhiên đối với phía Mỹ, vấn đề này có một khía cạnh kỹ thuật.

Ai cũng biết Việt Nam cần được công nhận là nền kinh tế thị trường và được Mỹ hủy bỏ áp dụng luật sửa đổi Jackson - Vanick trước khi kết thúc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc đàm phán Việt - Mỹ chưa kết thúc được là do phía Mỹ đặt yêu cầu quá cao, cho hàng loạt vấn đề.

WTO là tổ chức kinh tế thương mại đa phương toàn cầu. Ngoại trừ Mỹ và một vài nước khác, đến nay Việt Nam đã đàm phán xong được với hầu hết các thành viên WTO có yêu cầu đàm phán, trong đó có cả các thành viên khó tính đòi hỏi cao không kém Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.

Cơ hội để Việt Nam có thể cầm chắc khả năng gia nhập WTO vào tháng 12 năm nay tùy thuộc ở vòng đàm phán song phương tháng 7 tới. Hy vọng chuyến thăm nước Mỹ lần này của Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ dỡ bỏ những rào cản cuối cùng.

MỚI - NÓNG