Hai thời khắc quyết định của vị Thủ tướng 92 tuổi

Tác giả Nguyễn Cảnh Bình
Tác giả Nguyễn Cảnh Bình
TPO - Sự kiện ông Mahathir Mohamed – cựu Thủ tướng Malaysia, năm nay đã 92 tuổi, vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầy kịch tính để trở lại ghế Thủ tướng, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Không thể tin nổi! Vậy là chúng ta có thể chứng kiến và quan sát một nhà lãnh đạo tưởng-như-đã-về-vườn trở lại chính trường! Một lần nữa, một chính khách lớn của đất nước Malaysia đã dũng cảm đứng dậy, trở lại nơi ông thuộc về - dân tộc và đất nước Malaysia. Tôi nghĩ chiến thắng của ông, cũng là một thời khắc quyết định, giống như thời khắc quyết định 50 năm trước.

Năm 1969, Mahathir 44 tuổi, xuất thân từ tỉnh lẻ, một người chỉ học ngành y, một chính trị gia chưa được công chúng biết đến nhiều đã dám công bố tác phẩm "Thế bế tắc của Malaysia" (The Malays Dilemma) chỉ trích chính sách của Chính phủ đương thời.

Trong cuốn sách, ông tìm cách lý giải nguyên nhân của cuộc xung đột giữa các sắc tộc và sự trì trệ kinh tế của Malaysia, rồi đề xuất một giải pháp kinh tế - chính trị với những phân tích sâu sắc về lịch sử, vị trí địa chính trị,… của dân tộc Mã Lai. Ngay khi xuất bản, cuốn sách bị Thủ tướng Malaysia khi đó là Tunku Abdul Rahman cấm lưu hành vì dám đương đầu với quyền lực, còn Mahathir mất chiếc ghế trong Quốc hội, phải trở về với nghề bác sĩ.

Tôi cực kỳ ấn tượng với sự dũng cảm, trí tuệ và kiến thức của ông khi đọc cuốn sách Thế bế tắc này, cảm nhận sự trăn trở của ông về đất nước Malaysia trước thách thức hiện đại hóa. Sự bế tắc cuối cùng đã khiến người Mã Lai đưa ông trở lại. Chỉ 3 năm sau (1972), ông quay lại chính trường và đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục (1973), nỗ lực xây dựng các cơ sở và chương trình đào tạo theo mô hình hiện đại của thế giới; rồi trở thành Phó thủ tướng (1976) và đến năm 1981, ông trở thành Thủ tướng suốt 22 năm (1981-2003) góp công lớn trong việc đưa Malaysia phát triển như ngày hôm nay.

Và giờ đây, một lần nữa, đầy bất ngờ, ông đã trở lại với mục tiêu chống tham nhũng và đưa nền kinh tế bứt phá khỏi thế trì trệ.

Nếu như 50 năm trước, ông dũng cảm tuyên bố về giải pháp phát triển cho đất nước Malaysia và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt 20 năm cầm quyền, đề xướng "các giá trị châu Á", thì hôm nay, ông đã trở lại khi nhìn những mối hiểm nguy bởi nạn tham nhũng và bè phái, cũng như sự trì trệ của đất nước Malaysia.

Sau 50 năm, ông lại xuất hiện với nghị lực, ý chí và niềm tin mà đông đảo người dân Malaysia trông đợi.

Có lẽ ông là vị thủ tướng cao tuổi nhất được bầu cử trên thế giới và tự mình ông đã chứng minh, tuổi già không phải một trở ngại, cũng không đồng nghĩa với bảo thủ, trì trệ.

Tôi hối tiếc 2 lần lỡ cuộc gặp riêng với Dr Tun. Khi trực tiếp biên tập cuốn hồi ký của ông The Doctorr in a House (Người bác sĩ trong ngôi nhà), tôi ngỏ lời muốn gặp và phỏng vấn ông về chặng đường phát triển của Malaysia, ông đã đồng ý gặp và nói chuyện với tôi trong 2 giờ, một lần ở Hà Nội, một lần ở Kuala lumpur, nhưng rồi do tình trạng sức khỏe của vợ ông mà chúng tôi đã không thể thực hiện được cuộc phỏng vấn này.

Ở trong khu vực Đông Nam Á cùng với Malaysia và cũng có những khát vọng phát triển, những khó khăn, thách thức tương tự quốc gia này, tôi hy vọng sự trở lại của Thủ tướng Mahathir Mohamed sẽ giúp chúng ta rút ra được nhiều điều cần thiết và bổ ích.

MỚI - NÓNG