Hai quốc tịch

Hai quốc tịch
TP - “Tôi thề tuân thủ hiến pháp Vương quốc Hà Lan và tôn trọng luật pháp... ”.
Trẻ em gốc Việt mặc áo dài dân tộc trong dịp Lễ hội Tết cổ truyền ở Brussels
Trẻ em gốc Việt mặc áo dài dân tộc trong dịp Lễ hội Tết cổ truyền ở Brussels.

Màn hình trắng in đậm dòng chữ bằng tiếng Hà Lan hỗ trợ bạn tôi vừa dõng dạc vừa giơ tay thề. Sau hơn bốn năm nhập cư và ba lần thi quốc tịch mới đỗ, bạn gái Việt của tôi vừa trở thành công dân Hà Lan.

Theo bản năng, tôi luôn ngạc nhiên và sợ hãi khi có ai đó yêu cầu mình thề, bất cứ hoàn cảnh nào.

Các thầy thuốc thường phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường hành nghề. Nghe kể bác sĩ ở Hà Lan cũng có người xin không thề, mà chỉ hứa. Bởi nếu bất cẩn xảy ra trong quá trình chữa bệnh cứu người, khi ra tòa lời hứa sẽ giúp nhẹ tội hơn lời thề?!

Vậy tôi xin hứa tôn trọng hiến pháp nước sở tại để được trở thành công dân, được không? Chẳng ai cho phép ta làm thế. Phải thề, cũng như quyền lợi đi kèm trách nhiệm. Nếu tôi thành người Bỉ, và nếu tôi đi làm, tôi thề không... trốn thuế dù mức sưu thuế bên này rất nặng, và nếu còn song song giữ được quốc tịch Việt Nam, tôi cũng thề không khai gian thuế, vừa đóng thuế cho Bỉ vừa cho Việt Nam. Đấy, tiền bạc chứ có đùa đâu, ai cho ta hứa chuyện này. Người hai quốc tịch, nghĩa là ta phải đóng thuế hai đầu.

Tản mạn thêm chuyện nhập quốc tịch mới, có nước khó khăn như CH Séc, muốn làm công dân của họ thì phải từ bỏ quốc tịch Việt. Có nước tưởng thoáng hơn như Anh, thi đậu quốc tịch mới vẫn cho giữ quốc tịch gốc, nhưng hai năm trở lại đây ra kèm quy định: phải sống ở Anh 5 năm mới được xin visa định cư vĩnh viễn và sau 7 năm mới được nhập quốc tịch. Chồng phải chứng minh thu nhập từ 18.000 bảng Anh/năm trở lên mới được bảo lãnh cho vợ định cư.

Còn tôi, đủ điều kiện nhập quốc tịch mới rồi, vẫn băn khoăn. Đời là vậy, có thêm thì thích, bỏ đi lại tiếc. Thử ngẫm xem, bỏ cuốn hộ chiếu sang một bên, điều gì giúp tôi vẫn là tôi, gốc Việt? Một người bạn từng từ bỏ quốc tịch Việt cách đây chục năm để nhập quốc tịch Bỉ bảo tôi “nghĩ ngợi gì nhiều, có đến mấy quốc tịch thì mình vẫn tóc đen da vàng và trong nhà có chai nước mắm”. Nói thế khác gì người Singapore sống ở nước ngoài tự trào rằng “Singapore là đất nước quốc tế đầu tiên trên thế giới nhưng người ta vẫn cho thủ lợn vào lò nướng”.

Nhắc đến người Singapore, dù có đi bốn phương trời, sống ở xứ nào cũng được nhận ngay ra gốc gác khi mở miệng nói tiếng Anh (kiểu Singlish). Có hôm, tôi đang ngồi ăn trưa cùng cô bạn Singapore thì một thanh niên Bỉ tiến đến hỏi bạn tôi “Cô người Singapore? Tôi làm việc ở đó mấy năm, nhận ra ngay vì cách cô cắt từ và thêm thắt lah ở cuối câu”.

Thế dân phương Tây có biết tôi là người Việt dựa trên cách tôi phát âm tiếng Anh không? Chưa ai chỉ ra điểm nổi bật, nhưng có chuyện vui người Việt ở châu Âu thường tếu với nhau rằng, nghe người Việt nói tiếng Anh ai cũng hiểu, trừ người Anh!

Cũng gian nan lắm chuyện nhận diện đồng hương. Mới đây tôi rơi vào thế bí kiểu này: Một cô gái khoảng 17 tuổi, da vàng sậm, tóc đen tiến đến làm quen ở cổng trường học. Dựa vào vẻ ngoài, tôi hỏi bằng tiếng Anh “Cháu người Thái à?”, cô gái trả lời tiếng Hà Lan “Cháu ở Uganda, người Việt Nam”. Tôi chưa quen ai gốc Việt ở Phi châu nên mừng quá “Nói tiếng Việt nhé”.

Cô lắc đầu: “Cháu không nói được vì cháu sinh ra ở Uganda” “Ở Uganda chắc ít người Việt?” “Nhiều chứ, riêng trường cháu đã có 15 học sinh gốc Việt, chúng cháu nói tiếng Hà Lan, Pháp và Anh. Còn cô quê đâu?” “Hưng Yên” “Thế có gần quê bố mẹ cháu ở Hải Phòng không?”.

Hai tiếng Hải Phòng cô gái phát âm ngọng lắm, nhưng ngọng thế nào tôi vẫn nghe ra. Ôi, không cùng quốc tịch nhưng căn cứ vào địa lý thì suýt là đồng hương tỉnh cơ đấy, vậy mà nói chuyện thật khó khăn vì một ngôn ngữ xa lạ.

Nhưng nhận diện đồng hương Việt kiểu này mới đúng là có một không hai trên thế giới. Theo đường cao tốc từ Ostrava lên Praha (CH Séc), tôi chợt thấy một chiếc Audi bóng loáng phóng vượt khá cẩu thả, ông anh họ lẩm bẩm “chắc chắn tay này người Việt. Nhìn biển số là biết, số đẹp thường chỉ người Việt chuộng, sẵn sàng trả thêm 3.000 Euro để chọn số”.

Tôi còn bán tín bán nghi, anh dấn ga vượt lên cho tôi nhìn rõ người đàn ông gốc Á ngồi sau tay lái, rồi chiếc xe nọ giảm dần tốc độ, rẽ vào chợ Sapa. Trước mắt tôi, chợ Sapa- trung tâm thương mại của người Việt ở Praha hiện ra với la liệt xe siêu sang mang biển số tứ quý “3333”, “9999” hoặc số gánh, số cặp “3663”, “3638”.

Đến đây, có thể bạn sẽ hỏi tôi rằng người bản xứ nghĩ gì khi thấy một nhóm phụ nữ châu Á (thực tế là toàn người gốc Việt) đi với nhau trên phố phường châu Âu? Cô nào da trắng sẽ được họ gán cho quốc tịch Trung Quốc hoặc Nhật, cô nào ngăm ngăm ắt bị nhận nhầm người Thái Lan. Chị Dương ở London bảo tôi “Khi nào chị mặc áo dài thì chẳng ai nhầm nữa”.

Tết cổ truyền, người Việt và người Hoa, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan... ở châu Âu đều mở hội đón năm mới theo lịch âm, cũng múa rồng múa lân và rực sắc đỏ, nhưng nhìn trang phục dân tộc của người phụ nữ, khách nước ngoài không vào nhầm hội đâu mà lo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG