Hải Phòng có núi bài thơ đây rồi!

Hải Phòng có núi bài thơ đây rồi!
TP - ... Tiếng tăm càng lòi cái ngu/ Viết thơ tán gái bội thu mười bài/ Dụ ả ra tận Bãi hai/ Cát Bà đảo ngọc trổ tài bút nghiên/ Sơn trắng sơn đỏ sơn đen/ Bôi đầy vách đá ký tên đàng hoàng/ Tây ba lô cũng hốt hoang (hoảng)…
Hải Phòng có núi bài thơ đây rồi! ảnh 1
Nhà thơ Dư Thị Hoàn bên cạnh bài thơ được sơn trên đá

Hơn một tuần nay, dân văn chương Hải Phòng đang truyền tay nhau một bài thơ lục bát.

Bài thơ có tựa đề: “Mới phát hiện núi bài thơ ở Cát Bà” ký tên...

Trên đây, tôi chỉ dẫn ra mấy câu thơ phần cuối có tính chất thông tấn đã được kiểm chứng để mở đầu cho bài viết này.

Bài thơ trở nên hấp dẫn do cách viết hóm hỉnh ở dạng Bút tre, khắc họa chân dung kiểu Xuân Sách. Nhưng nội dung của nó, thì khiến người đọc ai cũng phải lắc đầu: Nếu là chuyện có thật thì buồn quá, nó liên quan đến tư cách của nhà thơ, cốt cách của những tâm hồn được mệnh danh là thi sĩ.

Sáng ngày 8/6 vừa rồi, tôi (Dư Thị Hoàn) và hai bạn thơ Nguyễn Phước Giang (Hội nhà văn Hải Phòng), Bùi Chát (Sài Gòn) ra vãn cảnh đảo Cát Bà. Dọc con đường lan can lượn theo vách núi từ Bãi tắm 3 đến Cát Cò 1 rồi thông ra Cát Cò 2.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên thấy rất nhiều bài thơ bằng sơn trắng sơn đỏ sơn đen viết rải rác trên vách đá. Chữ viết trung bình to bằng hai bàn tay. Có bài thơ viết nắn nót thẳng hàng, có bài lem nhem chữ chen chúc xiêu vẹo, diện tích rộng bằng mảnh chiếu đôi...

Cả ba chúng tôi chăm chú đọc... Hỡi ôi, sao lại có loại thơ ẩm ương thế này và mỗi lần đọc to lên lại ôm bụng cười phá ra! Ví dụ:

Em tắm...

Em trút bỏ xiêm y lộng lẫy

Phố len chân hào nhoáng bề ngoài

Chiều bãi biển làm mắt anh tê dại

Đường cong em như một lâu đài!

Bùa yêu

Thơ tình bán chẳng ai mua

Khắc lên vách đá làm bùa để yêu

Cho ta xanh lại buổi chiều

Và bao trai gái mới yêu lần đầu.

Có cả bài thơ như một “tuyên ngôn” cho hành vi “xuất bản” này nữa:

Nếu

Nếu chỉ có cơm ngon và áo đẹp

Trong vi-la biệt thự gắn điều hòa

Thì núi đá vẫn chỉ là núi đá

Biển non tơ thành một mụ già

Thi sĩ thổi hồn mình vào vách đá

Núi sẽ non biển hoá ngọc ngà

Và em ạ người già không có tuổi

Như buổi chiều mình mới tập yêu.

Cứ như thế cách vài chục mét là gặp một bài thơ, hơn một chục bài, viết bởi nhiều lần vào thời điểm khác nhau: ngày 25, 26, 28 tháng 5 năm 08. Thấy ký tên là XT tôi đã ngờ ngợ... Cho đến khi một bài thơ có họ tên đầy đủ xuất hiện:

Bài thơ nói dối

Ôi mãnh liệt và nồng nàn như biển

Em không say mà sóng đổ xô bờ

Trời im lặng ô kìa mây nổi bão

Đêm giật trái tim hỏi vì sao?

25-5-08

TN HP

...Mặt mũi Phước Giang bỗng ngay thuỗn ra, lắc đầu quầy quậy và lặp đi lặp lại chỉ mấy tiếng: thôi chết rồi! thôi chết rồi! Thấy tôi há hốc mồm ra, Bùi Chát cứ gạn hỏi, tôi đành thú nhận chua chát: hai tác giả này là thi nhân Hội Hải Phòng đấy!

Trong óc tôi hiện dần lên ba chữ X.T, (61 tuổi, mới được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam cuối năm ngoái) và T.N (58 tuổi) mới tặng tôi tập thơ thứ ba tháng trước (do chính ông T vẽ bìa), cũng đang nộp đơn xin vào Hội Nhà văn VN.

Hình tích hai người được xâu chuỗi bởi những bài thơ trên vách đá. Choáng váng! và thất vọng! đó là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi gặp phải sự cố núi bài thơ này.

Đứng bên cạnh chúng tôi khi đó còn có mấy cô du khách người châu Âu dương ống kính máy ảnh lên mảng thơ sơn lem nhem trên vách đá với vẻ hiếu kỳ pha lẫn kinh dị...

Bởi tính chất ly kỳ, khó tin vì không tiền (nhưng chưa chắc) khoáng hậu của nó, Nguyễn Phước Giang nẩy ra ý định ghi vài tấm hình kiếm câu chuyện về làm quà cho ông xã tôi (Trịnh Hoài Giang).

Nhưng câu chuyện không chịu dừng lại ở đó, nó như  dịch lợn tai xanh (ví von của ông Vũ Hiển) lan rất nhanh trong làng ngoài ngõ. Một số bạn bè đến tôi để xác minh sự việc, thi hữu Trần Lưu, Vũ Hiển tuyên bố phê phán hành vi mà các ông cho là vô văn hóa và bộc lộ nỗi bức xúc vì “con sâu bỏ rầu nồi canh” cả làng thơ Hải Phòng.

Nhà thơ Thi Hoàng là người giới thiệu X.T vào Hội nhà văn VN thì muốn khoanh vùng ngay chuyện đó đi, bởi xấu chàng thì hổ ai? Nhà thơ Vũ Thị Huyền thì cho rằng kể cả thằng say (rượu) đi nữa cũng không ai leo lên thềm nhà hát lớn mà đái, có điều nói thế nào để kẻ say thơ này nghe ra mà không mất lòng mới là điều khó.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên lại cho rằng đó chỉ là sự dại dột và mắc bệnh “sao” đáng thương thôi, chứ ngay cả nhà vua Lê Thánh Tông cũng không tự (là do dân) khắc thơ mình lên núi đá cơ mà.

Trong khi đó cũng có những ý kiến không kém phần mỉa mai. Trần Thi cho rằng: Biết đâu, đây là một sáng kiến hay trong ngành du lịch cần tham khảo... Phong Lưu:  Đừng nhân việc này mà hành hạ người có công viết những bài thơ lên vách đá...

Thu Hoài lại nghĩ: Người nào viết thơ lên vách đảo cũng thật hồn nhiên và yêu đời mà thôi... Nhưng một số bạn thì phân tích hành vi theo luật như Khải Nguyên, Chung NY...

Còn ông Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải phòng lại quay ra trách cứ tôi (truyền lời qua ông xã): “Suy cho cùng là tại chi hội trưởng Chi hội thơ không tổ chức cho anh em có cơ hội xả thơ thường xuyên, đến nỗi bức xúc quá anh em phải xả lên vách núi đấy mà..”.

Mặc dù chỉ là câu đùa vui thôi, nhưng cũng phải thừa nhận một hiện trạng si thơ, “thủ dâm”... thơ và bội thực thơ của giới cầm bút hiện nay.

Sự kiện này cũng đã được rất nhiều ý kiến trao đi đổi lại sôi nổi trên các trang mạng, trong đó có blog của nhà thơ Hoài Khánh - phó Tổng thư ký Hội nhà văn Hải Phòng, trang web của kiến trúc sư Minh Trí - chi hội phó Chi hội thơ Hải Phòng...

Câu chuyện này cứ râm ran lan tỏa, cùng lúc xuất hiện nhiều thư tịch gửi đi nhiều ngả từ những chữ ký chính danh và nặc danh, gây nhiều thông tin nhiễu loạn và nguy cơ mất đoàn kết.

Nhiều hội viên đề nghị tôi tổ chức cuộc họp đi đến kết luận, và biện pháp giải quyết, nhưng ngộ nhỡ ông X.T và bà T.N tuyên bố hùng hồn: “đó là việc riêng của chúng tôi với huyện Cát Bà, ai khiến các người bận tâm thì sao?”.

Trước sự việc này, tôi có nhắn tin qua điện thoại di động cho XT: “Chuyện thơ ở Cát Bà không bình thường chút nào, tôi muốn nghe nói, thế nào?” không thấy hồi âm, tôi hoàn toàn bất lực.

Nghe nói trong buổi sinh hoạt thường kỳ vào đầu tháng 6 của Câu lạc bộ thơ Cung văn hoá hữu nghị Việt- Tiệp, chính thi sĩ X.T đã hớn hở khoe: “tôi sáng tác được rất nhiều thơ trong dịp ra chơi Cát Bà vừa rồi, sáng tác đến đầu tôi liền viết lên vách núi đến đó. Khi viết có cả những du khách nước ngoài rất thích thú quay phim chụp ảnh những bài thơ của tôi...” (buổi sinh hoạt ấy có chứng kiến của nhà thơ Phạm Ngà - chủ nhiệm CLB).

Tất nhiên, những dòng sơn nham nhở rồi sẽ được các cơ quan chức tháo gỡ, xóa nó đi, xoá bằng cách gì để không để lại vết hoen ố ở nơi thắng cảnh danh lam là chuyện dĩ nhiên. Nhưng tàn dư của hiện tượng này khó có thể phai nhạt trong tâm thức của những ai đã một lần được chứng kiến. Điều hệ trọng hơn nữa là danh hiệu nhà thơ kiểu này vốn đã xuống cấp lại một lần nữa bị xã hội rẻ rúng.

Hải Phòng  22/6/2008

MỚI - NÓNG