Hai người khách cuối năm của ông Phạm Thế Duyệt

Hai người khách cuối năm của ông Phạm Thế Duyệt
Vị khách này ông tiếp vào đầu tháng Mười hai dương lịch nhưng ông gặp lần đầu vào cữ tiết Thanh minh năm Thân. Vợ chồng vị khách này ở xa, xa lắm. Tận bên Mỹ. Gần 30 năm nay họ mới về lại quê nhà.

Cái cười ấm áp của chủ nhân cùng bữa cơm mời khách thân tình kèm những thức Việt trên mâm cơm khách những giò lụa, thịt gà lá chanh thái chỉ, bánh chưng... như một phép vô hình nào đó làm xích lại những khoảng cách? Vị khách đang nói về Hà Nội và những vùng phụ cận mà vợ chồng họ đã đến đã thăm khác trước nhiều quá đổi thay nhiều quá nhưng đều là cái đổi thay của sự phát triển của sự đi lên...

Làm sao thời cuộc mà lại không khác được từ cái ngày mà vị khách này sung vào đội quân lê dương của Pháp rồi vô Nam phục vụ trong đội quân chiếm đóng lên đến cấp tá trong ngạch lính dù, rồi cấp tướng  trong không quân và tột bậc là cấp Phó Tổng thống trong chính quyền của chế độ cũ! Những ngày mà ông còn là một kỹ sư mỏ lăn lộn hết lò đứng lò nghiêng lò bằng và các mỏ lộ thiên ở vùng than Đông Bắc tìm mọi cách cho ra than dưới tầm bom Mỹ sản xuất than như quân đội đánh giặc.

Khi đó ông đâu biết có thể trong những vòng lượn tội ác sát sạt ngay trên đầu của bọn giặc trời Mỹ, có  khúc ngoặt gấp chết người của cái người mà ông vừa ân cần đặt miếng bánh chưng vào bát kia! Những tưởng lê thê mãi những ngày gian nan, máu lửa. Những tưởng bất biến thứ vàng son mà đội quân xâm lược ra sức tô trát...

Đất có tuần nhân có vận nữa là vận mệnh của quốc gia của cả một dân tộc? Cuộc chiến tranh đã thôi gầm thét dẫu cho vẫn còn nhan nhản những hậu hoạ những nỗi đau vẫn còn âm ỉ rỉ máu nhưng từ thế thắng ngoại xâm của một đất nước của một dân tộc và cao hơn thế,  là nội lực của tất thảy người Việt ở trong nước ở mọi phương trời phải được tụ hội lại để thắng đói nghèo để thắng tụt hậu đã cho phép có một cuộc ngồi lại, để có một cuộc gặp một bữa cơm đầm ấm trong tiết thanh minh như thế này. Vậy nên ông tin những lời rủ rỉ của vị khách vào cái tuổi bảy mươi lăm kia là có cơ sở như người xưa đã dạy, ngũ thập đã là tri thiên mệnh nữa là thất thập...

Rằng ở vào cái tuổi bảy mươi lăm thế này, vị khách thẳng thắn bộc bạch, có lẽ chả cần phải ai đó xui khôn xui dại mà mình cứ mắt thấy tai nghe cứ soi rọi bởi những kinh nghiệm và những so sánh nhỡn tiền! Rằng  vợ chồng họ cũng như số đông người Việt ở Mỹ có rất ít hoặc không đủ thông tin hoặc bị nhiễu thông tin và một số rất nhỏ thôi đã có phản ứng thế này thế khác.

Mặc dù tỷ lệ ấy là nhỏ nhoi nhưng khiến cho bà con trong nước cảm thấy rất phiền lòng! Rằng chuyến đi về Việt Nam lần này của vợ chồng họ, khi về bên đó thể nào cũng vấp phải những ì xèo ngay trong cộng đồng người Việt. Nhưng vợ chồng họ không ngán điều ấy! Những thức trên mâm vơi chầm chậm bởi vợ chồng người khách còn đang chăm chú với những lời bộc bạch của ông rằng mặc dù những thành tựu trong công cuộc đổi mới đạt được rất lớn nhưng thách thức khó khăn trước mắt không phải là nhỏ...

Chừng như họ đang thú vị về hình ảnh ông đưa ra rằng để vượt qua những thách thức ấy, biến những tiềm năng thành hiện thực, sức mạnh của cả dân tộc được phát huy thì tất cả các nguồn lực cần được hợp thành trong khối đại đoàn kết toàn dân. Tất cả các phân số đều có thể cộng được trên cơ sở mẫu số chung là dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh! Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước nhưng cũng là một trong 33 thành viên của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Họ cũng ngạc nhiên khi biết các tướng lãnh của nguỵ quyền Sài Gòn như tướng Hạnh, tướng Có...  đã là Uỷ viên TƯ Mặt trận Tổ quốc! Ông Có mới trúng cử Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Còn ông Hạnh thì từ những khoá trước...

Vợ chồng người khách ấy đã giữ lời hứa trong đó có việc trở lại thăm đất nước 8 tháng sau chuyến thăm lần đầu ấy. Lần này gặp ông, vẻ hồ hởi còn giữ nguyên trên khuôn mặt khi họ  vui vẻ  thuật lại với ông câu chuyện khi đi chuyến máy bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Không hiểu sao tổ lái chiếc máy bay  Boeing ấy lại biết trong số hành khách có vợ chồng họ. Khi máy bay đã ổn định độ cao, một chàng trai trong sắc phục bay của ngành hàng không tới bên lễ phép Xin lỗi, ông có phải là Nguyễn Cao Kỳ không ạ...

Rồi cũng nguyên vẻ lễ phép như thế, chàng trai đó mời người khách đặc biệt trò chuyện cùng tổ lái trước mắt là bao la khoảng trời mây sông núi của Tổ quốc. Là một người bay nên ông Kỳ có biết những nguyên lý cơ bản của loại máy bay Boeing hiện đại nhất của Mỹ này. Thế mà các chàng trai phi công người Việt mình đã làm chủ nó rất thành thạo từ nhiều năm nay! Thấy vị Chủ tịch Mặt trận ân cần hỏi thăm dự định đi tham quan Sa Pa, Vịnh Hạ Long và các tỉnh miền Trung sắp tới cũng như chuyến về thăm quê Xứ Đoài lần này, ông Kỳ cũng vui vẻ bộc bạch là mới hai tuổi, ông đã rời quê Sơn Tây ra Hà Nội nên kỷ niệm về nơi chôn rau cắt rốn ấy cũng không nhiều lắm nhưng lần về này kỷ niệm đáng nhớ nhất ở quê nhà Sơn Tây là ông đã chơi một trận đã đời trên sân golf ở Đồng Mô Ngải Sơn!

Vui chuyện, ông Kỳ cũng thông báo cho vị Chủ tịch Mặt trận rằng chuyến đi này ông đã xin phép và thực hiện việc cấp mấy suất học bổng khuyến học ở trường PTTH Chu Văn An là trường Bưởi trước kia và Pétrus Ký là các trường mà hồi trước ông từng học. Như lời hứa chuyến thăm trước, lần này về cùng ông còn có mấy doanh nhân người Mỹ đang có dự định làm ăn ở Việt Nam...

Một mùa thu năm xưa... Đường ta ta cứ đi... Ruộng ta ta cứ cày... Ông bất giác nhớ lại những giai điệu từ năm nảo năm nao khi nắm lấy bàn tay người nhạc sĩ cao niên này! Ôi phải chi không có ngày dinh tê vội vã ấy thì người nhạc sĩ này với những Bà mẹ Gio Linh, Hát về anh thương binh, Về miền Trung, Thu kháng chiến, Bao giờ anh lấy được đồn Tây... đã cùng một chiếu với... Mà thôi, có lẽ chả cần nhắc lại những ngày đó, những chuyện buồn xưa ấy mà chi. Thôi cũng mừng cho nhạc sĩ, ở tuổi tám mươi ba mà những sải chân vẫn còn vững chãi và nhất là xem nào, gần năm mươi năm, phải, nửa thế kỷ chứ ít gì mới lại  về với quê hương đất Bắc.

...Ông đang chia sẻ cảm giác mà nhạc sĩ nói là lạ rất lạ như  việc nhờ nhà sử học Lê Văn Lan tìm hộ được mộ ông cụ thân sinh ra nhạc sĩ cũng như sự chu đáo của các cấp chính quyền, bà con họ mạc trong việc này. Nhạc sĩ nói chắc là khi trở về Mỹ, đời sống tâm linh của ông sẽ ổn định và vững chãi hơn trước khi chưa tìm được mộ ông cụ thân sinh bị thất lạc, nhạc sĩ cứ thấy thảng thốt chung chiêng thế nào...

Ông nghe vậy thì cũng biết vậy! Nhưng qua chuyện trò, ông biết nỗi buồn của nhạc sĩ là có thực từ khi ở đất khách quê người rồi từ ngày bà vợ yêu thương đầu gối tay ấp đã bỏ ông mà đi, một quãng thời gian dài ông đã trống vắng ra sao... May mà hai người con của nhạc sĩ cũng có hiếu đã chăm sóc bố như thế nào.

Ông nhớ có lần ông đã cười xoà thân mật, cười chứ không bình phẩm gì thêm khi có một người bạn là nhạc sĩ đã hóm hỉnh nói cùng ông rằng nhạc sĩ Phạm Duy bây giờ chỉ còn chống gậy chứ không chống... cộng nữa!?Bằng chứng là nhạc sĩ đã xin về thăm đất nước... Ông cần gì cái gọi là bằng chứng ấy nhỉ? Tuổi già như lá rụng về cội. Về thăm hay về hẳn là tuỳ, nhưng ở cái tuổi tám mươi ba, động thái về thăm quê sau nửa thế kỷ xa cách rõ ra là một việc không phải  đơn giản chẳng phải vô tình của một tâm hồn vốn nhạy cảm như nhạc sĩ?

Trước cuộc gặp này có người nói với ông là nhạc sĩ Phạm Duy về thì về thăm thế thôi chứ nhạc sĩ không về ở hẳn đâu!? Bởi những ca khúc của Phạm Duy khó có đất sống trong lớp trẻ bây giờ mà chỉ thích hợp với lớp người bây giờ đang dần dần thưa vắng?! Ô hay, ông không muốn biết và vị thế của Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc cũng chẳng tò mò đến vậy! Biết bao bà con Việt kiều ở mọi giới ở mọi phương trời khi về thăm đất nước xin phép gặp ông đều được ông tiếp.

Ông chưa từ chối một trường hợp nào trừ khi quá bận hay đang đi công tác đâu đó. Trụ sở UBTƯ Mặt trận Tổ quốc dường như đã là ngôi nhà chung của người Việt ở hải ngoại hàng bao năm nay. Các chức sắc tôn giáo là chỗ quen biết nhiều người là chỗ thân tình với ông lâu nay. Ông đã nghe những câu nói vui đại loại hễ có việc gì khó nói hay tế nhị với các cơ quan công quyền thì cái kênh đầu tiên cái cầu nối đầu tiên là UBTƯ Mặt trận mà cụ thể là ông Chủ tịch (?!). Nhưng ông chỉ cười, không bình luận lẫn nhận xét gì.

Và thế là họ đã ngồi với nhau. Như cái cách những người già ngồi với nhau. Bên ông là nhạc sĩ Trọng Bằng. Ca sĩ tài tử Ngọc Bảo. Ca sĩ vốn là người quen thân với ông lâu nay. Tất thảy những mái đầu đều đã trắng xoá cả. Có thể ông là người ngoại đạo với giới nhạc nhưng thứ ngôn ngữ mà các nhạc sĩ đang nói là ngôn ngữ Việt là tiếng Việt ngàn đời. Nhạc sĩ Trọng Bằng gục gặc mái đầu chăm chú nghe người bạn đồng nghiệp bộc bạch về cái mặc cảm ra sao khi đặt chân xuống sân bay và mặc cảm nghi ngại ấy đã nhường chỗ cho cảm giác ấm áp tự tin qua những ngày thăm suốt từ Nam đến Bắc của ông như thế nào...

Nhạc sĩ nói rất muốn thăm lại Khu Tư. Khu Tư những ngày kháng chiến. Phạm Duy sinh hoạt cùng nhóm với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý. Nguyễn Văn Tý kém Phạm Duy ba tuổi... Nguyễn Văn Tý đã từng có đêm biểu diễn thay Phạm Duy khi Phạm Duy ốm mệt không hát được... Bà mẹ Nguyễn Văn Tý đã thịt dần đàn gà giò nấu cháo bồi dưỡng cho Phạm Duy khi bị sốt rét phải nằm lại tại nhà Nguyễn Văn Tý ở Nghệ An. Ba năm 1948 đến năm 1950, lăn lộn với Khu Tư để có Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây, Thu kháng chiến...

Không khí thân mật do chủ nhà tạo nên và sự bộc bạch của nhạc sĩ đã khiến ca sĩ tài tử Ngọc Bảo buông chất giọng trầm ấm theo giai điệu bài nhạc tuổi xanh lúc nào không hay. Dường như chiều cuối năm ấy không có những dằng dặc nhiêu khê những trắc trở và cả đớn đau của cuộc binh lửa của nửa thế kỷ cách xa? Mà những mái đầu bạc ấy chỉ nghiêng xuống những kỷ niệm chứ không săm soi, mổ xẻ? Mà họ lại rất kiệm lời?  Chẳng phải là ở vào vị thế, vào hoàn cảnh khó nói mà có lẽ chả chẳng cần phải nói ra, khắc ai cũng hiểu?

Nói như người xưa đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Có lẽ vì thế nên người nhạc sĩ cao niên sau lần gặp đầu tiên ấy đã trở lại thăm ông một lần nữa. Không phải là lần cuối, ông biết vậy nhưng ông chợt xót xa khi nghĩ đến cái mong manh của những độ tuổi ấy trước vòng quay vô hình nghiệt ngã của Tạo hoá!

...Người thư ký đang đưa ông danh sách bà con Việt kiều xin gặp ông trong dịp Tết ất Dậu này. Tờ danh sách hình như dài hơn mọi năm?

Tháng 12/2004

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.