Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIG 5) sẽ diễn ra tại Turkmenistan từ ngày 17 đến 27/9. Đoàn thể thao Việt Nam trong kế hoạch sẽ cử 175 thành viên, gồm 130 VĐV tham dự, do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn. Năm 2013, Việt Nam từng đứng thứ 3 toàn đoàn với 8 HCV, 7 HCB và 12 HCĐ.
Đội tuyển bơi lội Việt Nam, có kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ dự tranh. TTK Hiệp hội Thể thao dưới nước (TTDN) Đinh Việt Hùng hôm qua cho biết, đội tuyển bơi lội sẽ lên đường vào cuối tuần tới. Theo ông Hùng, tại AIG 5 kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ đăng ký dự thi 4 cự li, gồm: 50m và 100m ngửa, 50m và 100m tự do.
Trao đổi với Tiền Phong, một số chuyên gia cho biết, AIG 5 không có tác dụng về chuyên môn đối với Nguyễn Thị Ánh Viên. Việc đăng ký cho Ánh Viên dự thi giải đấu này chỉ có tính chất giúp HLV và VĐV giành huy chương, có thêm tiền thưởng. Ông Đinh Việt Hùng hôm qua cũng thừa nhận với Tiền Phong, mục tiêu đặt ra đối với đội tuyển bơi lội và Ánh Viên là “giành huy chương”, việc đăng ký dự giải không giúp ích cho VĐV về chuyên môn. Lý do theo ông Hùng, SEA Games 29 vừa kết thúc, thời gian để dự thi AIG 5 là ngắn. Trong khi đó về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn tỏ ra không nắm rõ khi cho rằng, “khi cử Ánh Viên dự giải thì môn bơi lôi chắc phải đặt ra mục tiêu về chuyên môn”.
2 năm, Ánh Viên đang dậm chân tại chỗ?
Nếu nhìn vào các thông số chuyên môn, thành tích của Ánh Viên không có sự cải thiện đáng kể. Một số cự li, kình ngư Quân đội thậm chí thụt lùi so với trước. Một nỗi buồn nhỏ khác, là ở các cự li cạnh tranh với hai VĐV Singapore là Ting Wen và Jing Wen, kình ngư Việt Nam đều thua. Ví dụ như tại cự li 200m bướm, Jing Wen (16 tuổi) về nhất với thời gian 2 phút 12 giây 03, trong khi Ánh Viên chỉ về thứ tư với thời gian 2 phút 16 giây 61.
Trong khi Jing Wen và Ting Wen cùng các VĐV tài năng khác của Singapore như Joseph Schooling, Zheng Wen chỉ đăng ký không quá 6 hoặc 7 cự li thì riêng Ánh Viên thi 14 nội dung. Một chuyên gia nói với Tiền Phong, thay vì tập trung cho một vài cự li sở trường để cải thiện thành tích, nhắm tới đấu trường Olympic, ngành thể thao và môn bơi lội dường như đang sử dụng Ánh Viên để “gom” huy chương khu vực. Trong khi đó nhìn vào thành tích của Ánh Viên ở Olympic Rio de Janeiro 2016, sẽ vô cùng khó khăn để kình ngư Quân đội lọt vào nhóm có huy chương. “Có lẽ chúng ta phải xác định rằng ở khu vực Đông Nam Á, Ánh Viên có giành thêm bao nhiêu HCV cũng không còn nhiều ý nghĩa”-chuyên gia trên nói.
Tại SEA Games 29, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã được hỏi về việc đăng ký cho Ánh Viên dự tranh quá nhiều nội dung. “Với tư cách Trưởng đoàn, tôi không bao giờ chỉ đạo Ánh Viên phải bằng mọi giá lấy huy chương cho đoàn TTVN. Đã có lúc tôi yêu cầu không thi đấu các nội dung khác để đảm bảo sức khỏe cho VĐV, nhưng nội dung chính phải đạt kết quả cao, thậm chí phá kỷ lục”, đây là câu trả lời của ông Trần Đức Phấn. Nhưng ngay sau SEA Games, Ánh Viên tiếp tục được sử dụng để giành huy chương ở một giải đấu không mang nhiều ý nghĩa.
Nếu 2 năm tới, Ánh Viên tiếp tục giành trên dưới 10 HCV SEA Games, nhưng không cải thiện được thông số chuyên môn ở Olympic, liệu có còn vui?
Tại SEA Games 29, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đoạt 8 HCV, 2 HCB. Con số này có vẻ nhỉnh hơn một chút so với SEA Games 28 diễn ra tại Singapore cách đây 2 năm, khi Ánh Viên cũng đoạt 8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Cô tiếp tục là VĐV đóng góp nhiều HCV nhất cho đoàn TTVN tại SEA Games.