Hai lần tháp tùng Đại tướng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng hai năm 1980, Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan tổ chức Đại hội lần thứ tám. Nhận lời mời của Đảng bạn, Đảng ta cử Đoàn đại biểu do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng dẫn đầu sang dự Đại hội.

Về Ban Đối ngoại Trung ương công tác mới được hơn 5 năm, là cán bộ còn trẻ trong nghề, phụ trách nghiên cứu và theo dõi về Ba Lan, nên khi được cử đi giúp việc và trực tiếp làm phiên dịch cho Đoàn đại biểu Đảng ta, tôi rất hồi hộp và lo lắng. Ngoài chuẩn bị một số tài liệu tham khảo về Ba Lan và quan hệ giữa ta và bạn trong 5 năm qua, thì việc quan trọng nhất là phải dự thảo bài phát biểu cho đồng chí Trưởng Đoàn đọc tại Đại hội của Đảng bạn. Được nghe nhiều và biết Đại tướng là một cây bút rất sắc sảo và cũng rất giỏi ngoại ngữ nên tôi lại càng lo.

Hai lần tháp tùng Đại tướng ảnh 1

Tác giả Tạ Minh Châu người ngồi giữa ở hàng sau

Bỏ ra khá nhiều thời gian để chuẩn bị thật kỹ, được lãnh đạo Vụ rồi đến lãnh đạo Ban đọc, góp ý, chỉnh sửa, song tới ngày lên đường tôi vẫn chưa thật yên tâm vì bài phát biểu chưa được Đại tướng duyệt lần cuối. Lần đó, trên đường sang Ba Lan, Đoàn có dừng lại nghỉ ở Mát-xcơ-va hai ngày. Trong bữa ăn sáng của ngày nghỉ đầu tiên, khi tất cả mọi người trong Đoàn đều có mặt, Đại tướng chậm rãi bảo “vừa rồi bận quá, nên sáng nay tôi sẽ làm việc về bài phát biểu của Đoàn ta”. Tôi rất mừng và thầm nghĩ, chắc mấy đồng chí thành viên chính thức của Đoàn và anh Trịnh Ngọc Thái, Vụ trưởng của tôi khi đó sẽ dự cuộc làm việc này và bài phát biểu sẽ được duyệt ngay trong ngày hôm đó. Thấy Đại tướng chưa nói cụ thể thành phần dự, anh Thái bèn hỏi “Thưa Anh những ai cần có mặt ạ?”. Đại tướng liền quay lại hỏi:

- Thế ai chuẩn bị bài phát biểu này?

- Dạ, Vụ chúng tôi chuẩn bị và lãnh đạo Ban Đối ngoại đã xem ạ.

- Tôi hiểu, nhưng tôi muốn biết ai là người trực tiếp chấp bút kia.

- Thưa Anh, Châu là cán bộ theo dõi về Ba Lan của Ban là người dự thảo ạ.

- Vậy thì lát nữa Châu lên phòng làm việc với bác. Còn mọi người sau khi ăn xong có thể đi xem phim hoặc nghỉ.

Nghe Đại tướng nói vậy, tôi sững người vì bất ngờ và cũng vì hồi hộp và lo sợ nữa. Trong Đoàn có đồng chí Ủy viên Trung ương, vài Vụ trưởng, Vụ phó, vậy mà Đại tướng lại chỉ định đích danh tôi - một anh cán bộ thấp nhất Đoàn. Anh Thái phải trấn an và động viên một lúc, tôi mới tạm yên lòng.

Hơn chín giờ sáng, tôi bước vào phòng của Đại tướng. Trong phòng chỉ có Đại tướng và anh Duệ, thư ký của ông. Bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, Đại tướng nhẹ nhàng nói:

- Bây giờ cháu đọc toàn văn bài phát biểu một lần cho bác nghe. Đọc chầm chậm thôi nhé.

Tôi hít một hơi thật sâu rồi dõng dạc đọc. Nghe xong cả bài, Đại tướng lại bảo:

- Giờ cháu đọc chậm từng khổ một cho bác nghe. Mỗi khổ hai lần.

Thường thì một bài phát biểu khi đi dự đại hội như vậy, ngoài mấy câu mở đầu cám ơn lời mời của bạn và gửi lời chào mừng và chúc Đại hội Đảng bạn thành công, phần đầu dành viết về những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua và đánh giá về phương hướng bạn đề ra cho những năm tới. Phần thứ hai nói về Việt Nam và phần thứ ba nói về quan hệ hai Đảng, hai nước. Tôi đọc chậm rãi từng phần một như lời Đại tướng dặn.

Ngồi chăm chú nghe xong, Đại tướng mỉm cười hỏi tôi:

- Cháu học đại học ngành gì ?

- Dạ, cháu học Khoa Ngữ văn trường Đại học tổng hợp Vác-sa-va, Ba Lan ạ.

- Ừ, học văn có khác. Bác thấy về tổng thể bài phát biểu như vậy là được. Bác chỉ thêm hai ý. Thứ nhất phần nói về thành tựu của bạn có viết “...năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan, đứng đầu là đồng chí Ghi-rếch kính mến... Ba Lan đã giành được những thành tựu to lớn...”. Trong khi đoạn nói về thành tựu của Việt Nam lại viết “... dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành được...”. Như vậy là chưa cân xứng. Nhắc đến người đứng đầu Đảng bạn thì cũng phải nhắc đến người đứng đầu của Đảng ta. Vì vậy nên thêm vào là “... dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn kính mến...”. Đây là phát biểu đối ngoại, nói trước các bạn Ba Lan và cả các đoàn quốc tế nên mình cũng phải đề cao lãnh đạo của mình chứ. Ý thứ hai, khi nói về mục tiêu kế hoạch của Việt Nam sắp tới nên nêu vài chỉ tiêu chính mà Quốc hội vừa thông qua. Chỉ chỉnh sửa hai điểm đó, cháu chịu khó thêm vào rồi chuyển lại bác đọc lần cuối là được.

Nghe Đại tướng nói xong, tôi như trút được một gánh nặng. Vậy là bài dự thảo không bị “đổ”, chỉ phải thêm vào một vài dòng. Tiễn tôi, anh Duệ tươi cười bảo: “May cho em đấy, có bài đưa lên phải viết lại tới hai, ba lần”.

Sang Ba Lan, Đoàn ta được xếp ở trong khu biệt thự dành đón khách của Đảng bạn. Ngay bữa trưa đầu tiên, Đại tướng quay sang hỏi Đại sứ ta về tình hình sinh viên, thực tập sinh Việt Nam tại Ba Lan. Đồng chí Đại sứ có báo cáo sơ qua và đề xuất sẽ cử bí thư phụ trách về vấn đề này vào báo cáo cụ thể với Đoàn. Nghe vậy Đại tướng liền bảo: “Tôi hỏi anh chứ người khác thì không cần và cũng không có thì giờ“. Câu nói chỉ ngắn gọn chừng ấy mà làm tôi thấy sởn gai ốc và nhớ đời. Những hôm sau, khi ngồi trên xe đi qua vài quảng trường, công viên, Đại tướng cũng thường hỏi về những tượng đài của các vị vua và các danh nhân Ba Lan. Rất may là đã có sáu năm học đại học và lại ở ngay thủ đô nên tôi đã nói được khá rành rọt. Chính nhờ những trải nghiệm này mà về sau mỗi lần đi giúp việc lãnh đạo cấp cao và khi hai lần được cử đi làm Đại sứ, tôi luôn cố gắng nắm thật chắc tình hình, chuẩn bị chu đáo, nạp sẵn mọi thứ trong đầu để khi lãnh đạo hỏi là có thể trả lời được một cách đầy đủ.

Trong thời gian dự Đại hội, Đoàn ta được sắp xếp cùng gần chục đoàn quốc tế khác phát biểu tại cuộc mít tinh của gần ba nghìn đảng viên, đại diện cho vùng Slask. Trước khi đi Ka-tô-vi-ce, tôi đã báo cáo cặn kẽ với Đại tướng về tình hình vùng này và về đảng bộ tại đây, rằng đây là cái nôi của giai cấp công nhân Ba Lan, của công nghiệp luyện kim, khai thác than đá và cũng là quê của đồng chí Ghi-rếch. Nghe xong, Đại tướng còn hỏi tôi có nên đọc toàn văn bài phát biểu bằng tiếng Việt hay không. Tôi đã mạnh dạn đề nghị “Theo cháu, bác đọc mỗi phần một đoạn bằng tiếng Việt, còn cháu sẽ đọc toàn bộ bằng tiếng Ba Lan, dừng lại ở những chỗ cần thiết để người nghe dễ theo dõi, như vậy sẽ đỡ mệt cho bác và cũng tiết kiệm được thời gian”. Đại tướng cười, bảo như vậy là hợp lý và đồng ý ngay. Trong cuộc mít tinh, Đoàn Việt Nam được mời lên phát biểu đầu tiên. Khi bạn giới thiệu trưởng Đoàn Việt Nam “đồng chí Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại” lên phát biểu thì cả mấy nghìn người trong hội trường đều đứng bật dậy vỗ tay như sấm. Trong bộ quân phục màu trắng, Đại tướng giơ tay chào theo kiểu nhà binh và oai nghiêm bước lên bục phát biểu. Bài phát biểu liên tục bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay vang dội. Khi Đại tướng kết thúc, cả mấy nghìn đại biểu lại đứng bật dậy và hô vang “Tướng Giáp, tướng Giáp”.

Bữa trưa hôm đó, Đại tướng rất vui nói với cả Đoàn “Vậy là chúng ta đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ Trung ương giao. Cán bộ Ban đối ngoại của bạn nói bài phát biểu của Đoàn ta được vỗ tay hoan nghênh nhiều nhất, tới mười bốn lần”. Cầm ly rượu trong tay, Đại tướng đi một vòng cụng ly với từng người một. Đến chỗ tôi, Đại tướng bảo “Bài của ta được vỗ tay nhiều như vậy, chắc là cháu đã dịch và đọc bằng tiếng Ba Lan truyền cảm tốt nên người nghe mới cảm nhận hết được. Vậy là cháu cũng đã góp phần vào thành công chung đấy”. Tôi đỏ mặt vì xúc động và sung sướng, không ngờ Đại tướng lại quan tâm và động viên một cán bộ phiên dịch như tôi kịp thời tới vậy.

Khi trở về Vác-sa-va, có hôm sau khi ăn tối xong, tôi ngỡ ngàng khi thấy Đại tướng gõ cửa bước vào phòng mình. Phòng tôi ở dành cho cán bộ giúp việc nên nhỏ và khá đơn giản. Đại tướng ngả người nằm lên chiếc giường của tôi và bảo “Ở trong nước thì bận lắm, làm sao bác cháu mình có những lúc được bên nhau như thế này. Đợt vừa rồi bác đi Côn Sơn, chuẩn bị cho kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, thấy nhiều cái hay và đáng suy ngẫm lắm. Suốt cả đời mình, Đảng giao nhiệm vụ gì bác cũng cố gắng hoàn thành cho thật tốt ”. Đại tướng trò chuyện với tôi gần nửa tiếng. Suốt thời gian này, tôi cảm thấy sao Đại tướng lại gần gũi, thân thương đến thế.

Hơn một năm sau, tháng bảy năm một chín tám mốt, tôi lại được tháp tùng Đại tướng dự Đại hội IX bất thường của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan. Tình hình Ba Lan khi đó khá khó khăn và phức tạp, nên Đại hội cũng được tiến hành khẩn trương. Tôi nhớ có hôm ăn trưa xong, chỉ có ba mươi phút nghỉ rồi lại phải lên hội trường ngay. Các thành viên trong Đoàn ngồi uống trà tại chỗ chờ đi luôn. Còn Đại tướng lại bảo muốn về phòng nghỉ một lát. Các anh trong Đoàn bảo tôi đưa Đại tướng về phòng và dặn tôi ngồi luôn bên cạnh để gần đến giờ thì đánh thức và mời Đại tướng xuống xe đi cho kịp. Về tới phòng, tôi giúp Đại tướng cởi bộ quân phục. Đại tướng nằm lên giường, nhắm mắt và chỉ trong giây lát đã chìm ngay vào giấc ngủ. Tôi ngồi im lặng nhìn đồng hồ. Còn khoảng năm phút nữa, tôi định bước lại gần để đánh thức, thì thật bất ngờ, Đại tướng mở mắt, ngồi dậy và bảo “Đến giờ rồi hả?”. Vừa mặc áo và như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, Đại tướng cười nói: “Đó là thói quen được rèn giũa qua bao năm chiến tranh đấy cháu ạ. Ở mặt trận, chỉ mươi phút được nghỉ ngơi cũng là quí lắm. Phải tập cho mình muốn ngủ lúc nào là ngủ được ngay và muốn dậy lúc nào là dậy ngay được. Thời chống Pháp, nằm ôm lính ngủ, chỉ ít phút ngay trong chiến hào mà cũng thấy ấm áp lắm”. Đưa Đại tướng xuống xe thì cũng đúng đến giờ xuất phát. Tôi vô cùng thán phục và thầm nghĩ “Đúng là một vị tướng có thần kinh thép”. Trong chuyến đi này, tôi còn nhớ cũng đã hai lần có may mắn được Đại tướng gọi vào phòng, nghe Đại tướng chơi đàn dương cầm vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Hai lần đi tháp tùng Đại tướng đã để lại cho tôi những kỷ niệm, những bài học không bao giờ quên được. Bài học về tác phong làm việc vô cùng cụ thể và khoa học, về sự cần thiết phải trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng, toàn diện khi đi giúp việc lãnh đạo. Một nhân cách lớn, sự uyên bác, tầm tư duy chiến lược và cách ứng xử trong hoạt động đối ngoại, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao đối với từng công việc được giao, sự nghiêm khắc, song nhiều khi cũng thật gần gũi, chân tình của một vị lãnh đạo tiền bối - đó là những gì toát ra từ vị Đại tướng “huyền thoại” mà tôi cảm nhận và học hỏi được suốt cả một đời. q

* Tác giả Tạ Minh Châu nguyên phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Lào

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.