Hài kịch thời nay: Tít mù rồi lại tít mù vòng quanh…

Hội ngộ danh hài đang chiếm sóng giờ vàng trên HTV7 và HN1 vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần
Hội ngộ danh hài đang chiếm sóng giờ vàng trên HTV7 và HN1 vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần
Trong khi phim hài vẫn thu tiền đều đều dù chiếu vào bất cứ thời điểm nào trong năm thì kịch hài và tấu hài đang dần mất đi vị trí trên sân khấu.

Những chương trình hài kịch tổng hợp không được tổ chức nhiều như vài năm trước, đổi lại là live show riêng của một vài ngôi sao hài. Và những hình thức chuyển tải khác đã góp phần triệt tiêu các sân khấu chuyên về hài kịch.

Điểm lại thì thấy, không chỉ Hà Nội mà TP.HCM cũng không còn nhiều sân khấu cho hài.

Ở Hà Nội mỗi năm chỉ có hai chương trình hài kịch tạm gọi là lớn và định kỳ: Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ (đã có thâm niên hơn 10 năm) và Xuân phát tài - thường tổ chức vào dịp cuối năm Âm lịch.

Còn tại TP.HCM, nơi vốn là đất của hài kịch với nhiều chương trình hài diễn ra ở khắp các sân khấu lớn nhỏ, tụ điểm ca nhạc, nay không còn một chương trình hài lớn nào được tổ chức mà không gắn với truyền hình.

Đất diễn của các nghệ sĩ hài co cụm lại ở một vài tụ điểm ca nhạc như Trống Đồng, 126 hoặc một số phòng trà như Nam Quang, MTV…

Và…

Hài lên truyền hình

Trước đây, ở phía Bắc rộ lên “phong trào” hài kịch và cho ra đời nhiều tên tuổi diễn viên hài vốn chuyển từ chính kịch sang bắt đầu từ khi VTV3phát sóng serie Gặp nhau cuối tuần. Còn ở phía Nam, nơi mà hài kịch, tấu hài rất được ưa chuộng, các tiết mục hài kịch vẫn được đưa vào băng đĩa ca nhạc.

Chính những cột mốc này đã dẫn đến việc hài kịch dần dần được đưa lên truyền hình. Đến nay, hầu như tất cả các kênh truyền hình đều có những chương trình hài được phát sóng cố định hoặc đan xen những tiểu phẩm vào giữa các chương trình. Và những chương trình hài trên truyền hình vẫn là cái rốn thu hút nhiều doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm.

Hài kịch thời nay: Tít mù rồi lại tít mù vòng quanh… ảnh 1

Chương trình Tài tiếu tuyệt trên HTV2 đang thu hút sự chú ý của những người thích xem hài kịch

Dễ thấy sau ca nhạc, hài kịch vẫn còn rất nhiều tiềm năng với khán giả, kéo theo đó là quảng cáo, là kinh doanh. Bởi vậy, khi ca nhạc trên truyền hình đang dần trở nên bão hòa với nhu cầu của khán giả, những chương trình hài lần lượt được đưa vào sản xuất với chiến lược bài bản.

Trong năm 2013, HTV2 đưa vào sản xuất và phát sóng chương trình Tài tiếu tuyệt định kỳ vào lúc 20h Chủ nhật hàng tuần. Đây là một chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng với những tiểu phẩm hài đề cập đến các vấn đề nóng đang xảy ra trong xã hội.

Và mới nhất, từ 21/12/2013, Công ty Đông Tây Promotion, đơn vị chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế, đã dành giờ vàng tối thứ Bảy hàng tuần trên HTV7, HN1 (Đài Truyền hình Hà Nội) và kênh Giải trí TV cho chương trình Hội ngộ danh hài.

Trước đây, khung giờ này vẫn dành cho các cuộc thi “hot” như Thử thách cùng bước nhảy, Tôi là người chiến thắng… Dễ thấy chương trình quy tụ đủ ngôi sao hài nổi tiếng nhất, đắt giá nhất này thu hút quảng cáo chẳng thua kém gì những chương trình thi thố nóng sốt.

Cũng từ lâu, trên truyền hình cáp đã có riêng kênh dành cho hài phát sóng 24/24, chẳng hạn như SCTV1 của truyền hình cáp Saigon Tourist. Kênh này còn phát sóng trực tuyến để khán giả có thể xem một cách chủ động và có lựa chọn.

Dù là truyền hình cáp và phần lớn thời lượng là phát lại những chương trình hài, phim hài đã rất cũ nhưng nó vẫn thu hút được khá nhiều quảng cáo.

Hài kịch thời nay: Tít mù rồi lại tít mù vòng quanh… ảnh 2

Đời cười - Chương trình hài duy nhất còn mang khái niệm “lưu diễn”

Hài vào băng đĩa

Xu hướng làm băng đĩa hài chẳng mới mẻ gì. Ngay từ khi ca nhạc tạp kỹ bắt đầu manh nha, hài đã được tôn làm món ăn không thể thiếu trong bất kỳ mâm cỗ ca nhạc tạp kỹ nào.

Cũng ngay từ thời kỳ đó, giới chuyên làm băng đĩa lậu đã “ngửi” thấy tiềm năng bán đĩa hài và thâu gom đủ các trích đoạn, tiểu phẩm hài ở các băng đĩa ca nhạc, nhào lại rồi đưa ra những “tuyển tập hài” để chào bán.

Vài năm trở lại đây, việc sản xuất, phát hành băng đĩa hài thường nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán; cũng phải kể thêm đĩa “không chính danh”, đĩa “xào nấu”, lậu...

Đến các cửa hàng băng đĩa vào thời điểm này, người mua sẽ hoa mày chóng mặt giữa một rừng băng đĩa hài của cả hai miền Bắc - Nam. Không chỉ được sản xuất bởi các công ty phát hành băng đĩa chuyên nghiệp với những chương trình có tính toán về nội dung, hài kịch còn trở thành công cụ quảng cáo sản phẩm của các công ty sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Nếu từng đi xe khách Hoàng Long, bạn sẽ chẳng lạ với việc từ nhiều năm trước, trên xe liên tục phát chương trình hài do chính công ty này đặt viết kịch bản và mời những nghệ sĩ đắt show nhất biểu diễn.

Đương nhiên nội dung của những vở hài này nhằm mục đích quảng cáo cho dịch vụ của họ. Cũng như vậy, đủ các nhãn hàng từ chăn ga gối đệm đến bất động sản cũng tìm cách giới thiệu sản phẩm với khách hàng thông qua băng đĩa hài.

Một nguồn khác của băng đĩa hài là thu hình các buổi biểu diễn để sau đó phát hành băng đĩa, kiếm tiền “nước hai” hoặc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ bằng các clip quảng cáo, sự xuất hiện logo trong băng đĩa ghi hình.

Hầu như các chương trình hài kịch lớn đều được các nhà sản xuất sử dụng chiêu thức này. Danh hài Hoài Linh thường xuyên làm live show riêng và tất cả các live show của anh sau đó đều được thu hình, phát hành DVD.

Mới đây, Trấn Thành với live show riêng đầu tiên quy tụ một dàn sao hài cũng tổ chức riêng một buổi tại Nhà hát Quân đội để ghi hình toàn bộ chương trình, phát hành DVD.

Ở Hà Nội có chương trình Xuân phát tài được tổ chức định kỳ vào dịp cuối năm Âm lịch, đến nay đã được 4 lần, thường thuê Trung tâm Hội nghị Quốc gia làm điểm biểu diễn.

Và hầu như năm nào chương trình cũng bán được gần hết vé, lấp gần hết 3.800 ghế ngồi của nhà hát lớn nhất cả nước này với giá vé từ rẻ nhất 300.000 đến hạng VIP 1.800.000 đồng.

Nhà sản xuất ghi hình luôn chương trình để ngay sau đó phát hành DVD ra thị trường băng đĩa. Với lợi thế chỉ cần đầu tư cho sân khấu, âm thanh, ánh sáng với chất lượng làng nhàng, chiếm vốn nhiều nhất chỉ là cát-sê của diễn viên, nghe đâu, công ty sản xuất Xuân phát tài mỗi năm chỉ làm đúng một chương trình này là đủ doanh thu cho cả năm!

Điều đặc biệt, các nhà sản xuất chương trình để phát hành băng đĩa khẳng định họ không ngại vấn đề băng đĩa lậu bởi với tiềm năng thu hút khách hàng quảng cáo thì họ đã thu về cả vốn lẫn lời trước khi phát hành băng đĩa, và lời không ít.

Mặt khác, với những clip quảng cáo đã được cài vào chương trình, việc phát tán rộng rãi của giới sản xuất băng đĩa lậu càng có lợi cho nhà sản xuất!

Đất nào của nghệ sĩ hài?

Thực tế cho thấy dù đất diễn của nghệ sĩ hài trên sân khấu không còn nhiều nhưng lực lượng nghệ sĩ hài luôn luôn hùng hậu và được bổ sung. Trong khi những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất ít sân khấu cho hài thì ở các tỉnh, nghệ sĩ vẫn được đón chào.

Vào những dịp cuối năm, nghệ sĩ hài là những người chạy show chóng mặt nhất trong giới nghệ sĩ biểu diễn. Và cũng bắt đầu những hệ lụy không khả quan cho lĩnh vực hài kịch.

Hà Nội mỗi năm chỉ có 2 chương trình hài kịch lớn đó là Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ và Xuân phát tài của Công ty Hoa Dương. TP.HCM hoàn toàn không còn chương trình hài định kỳ nào nữa và chỉ còn gần như một sân khấu riêng dành cho hài kịch, đó là Sân khấu Nụ Cười Mới. Đất diễn của các nghệ sĩ hài ngoài một vài sân khấu kịch chuyên nghiệp thì chủ yếu là những sân khấu phòng trà, quán cà phê, tụ điểm ca nhạc như Champa, Điểm hẹn Sài Gòn, MTV, Nam Quang, Trống Đồng, Cầu Vồng 126...

Chuyện quảng cáo cắt nát các chương trình hài được phát hành băng đĩa chẳng khác gì trên truyền hình sau một thời gian làm khán giả từ bức xúc chuyển sang chán ngán chấp nhận thì nay đã chuyển sang một hình thái khác.

Mới đây nhất, trong DVD hài riêng của mình - thứ đã trở thành món giải trí không thể thiếu trong dịp Tết của nhiều gia đình ở miền Bắc, nghệ sĩ hài đắt show nhất vùng Xuân Hinh còn không ngại biến chương trình hài riêng của mình thành công cụ quảng cáo cho đủ các nhãn hàng.

Tháng 12/2013, nghệ sĩ Trấn Thành khi làm live show riêng đã được một phen lao đao vì tham vọng đưa hết những người bạn nghề đã gắn bó với mình từ thuở mới tập tọng làm nghề - chủ yếu là các nghệ sĩ chuyên diễn hài đang rất đắt show - lên sân khấu.

Tuần cuối cùng trước khi chương trình diễn ra, anh vẫn không thể tụ họp được tất cả mọi người để tập luyện và chạy chương trình. Kết cục, ai có gì diễn nấy và chủ nhân của live show, người đáng lẽ phải đóng vai trò kiến tạo mọi tiết mục trên sân khấu, phải nương theo những tiết mục tự biên tự diễn của các khách mời.

Trong hầu hết các tiết mục có xuất hiện những ngôi sao hài, Trấn Thành và các ngôi sao đều sử dụng chiêu thức diễn cương trên một sườn kịch bản sơ sài được đọc vội, triển khai cấp tốc.

Chương trình hài duy nhất được mang đi lưu diễn trong năm 2013 là Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ. Chương trình này sau khi được biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM thì tiếp tục lưu diễn ở Đà Lạt.

Nhưng điều này không phải hiếm khi diễn ra, bởi việc diễn cương của nghệ sĩ hài đã thành chuyện đương nhiên miễn bàn.

Ngay trên truyền hình đã không thiếu những tiểu phẩm hài mà nghệ sĩ diễn chủ yếu dựa trên kịch bản sơ sài và cứ tự tác, ứng biến. Vì thế mới có khái niệm “hài mậu dịch”.

Thực tế là nghệ sĩ hài đã không còn nhiều thời gian để đầu tư cho vai diễn, không còn tâm sức để tìm kiếm những kịch bản tốt bởi truyền hình chỉ đòi hỏi ở họ sự xuất hiện chứ không mấy khi quan tâm đến chất lượng.

Chính Chí Trung, một nghệ sĩ hài khá đắt show trên truyền hình cũng từng nói: “Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài “mậu dịch”, ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là chuyện thoáng qua nên làm đơn giản, sơ sài.

Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm. Có lẽ chính bởi cái quan niệm hài trên truyền hình là “hàng miễn phí” tồn tại ngay trong chính các nghệ sĩ hài nên những gì khán giả được thưởng thức quả là không chịu nổi”.

Tuy nhiên, với nghệ sĩ hài thì đây chẳng phải việc vui và đó cũng là hệ lụy của một hệ lụy khác. Nếu như trước đây, có những nghệ sĩ hài chỉ với 1-2 vở diễn là có thể đổi đời, mua nhà, tậu xe và sống sung túc trong nhiều năm thì nay chuyện này không còn nữa.

Nghệ sĩ hài Nhật Cường cho biết: “Thị trường hài kịch ở TP.HCM hiện nay không còn sung túc như trước đây, các sân khấu hài giảm đi. Các tiết mục mới của các nhóm bị hạn chế vì không có đất để dụng võ, các diễn viên của các nhóm hài chạy show các chương trình truyền hình và đi quay phim truyền hình, phim chiếu rạp nhiều nên hạn chế việc tập luyện cho nhóm nên không thường xuyên có tiết mục mới.

Đời sống của các diễn viên hài hiện nay cũng gặp khó khăn hơn lúc trước nhiều, vì tụ điểm sân khấu hài đang ít dần đi nên show diễn cũng bị teo tóp lại”.

Chưa kể, với tốc độ phát triển chóng mặt của truyền hình, của các phương tiện ghi hình cá nhân được tích hợp trong các loại điện thoại từ thông minh đến không thông minh cộng với Internet đã giúp cho khán giả không cần phải bỏ tiền đến tận sân khấu xem nghệ sĩ biểu diễn nữa.

Mỗi vở nghệ sĩ chỉ cần mang ra sân khấu một lần duy nhất là ngay lập tức đã trở thành sở hữu chung của cả nước. Vì vậy, họ cũng không thể đầu tư quá nhiều, thai nghén quá lâu cho những đứa con của mình.

Nghệ sĩ hài nào kiếm nhiều tiền nhất?

Trong giới biểu diễn vẫn lưu hành câu nói “Bắc có Xuân Hinh, Nam có Hoài Linh”. Và kỷ lục cát-sê thuộc về Hoài Linh với mức 100 triệu/show lớn, phòng trà. Với những show ở tỉnh, con số cũng không dưới 70-80 triệu.

Vào những dịp năm hết Tết đến, Hoài Linh là nghệ sĩ chạy show chóng mặt nhất nước. Nghe nói có năm anh phải vào viện truyền nước biển vì kiệt sức với show! 

Theo Dương Vân Anh

Theo Thể thao & Văn hóa
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.