Hãi hùng vợ nghiện shopping
Lan ảo tưởng mọi người xung quanh cô thuộc hàng quý tộc, biết xài đồ hiệu, món tây mà không biết rằng mọi người nghe xong quay đi cười mỉa....
Ảnh minh họa. |
Tốt nghiệp đai học, Thịnh may mắn được nhận vào một cơ quan nhà nước, làm anh công chức lương ba cọc ba đồng, được cái ổn định và công việc không có nhiều áp lực. Đến hẹn lại lên, anh được bố trí thay chân ông trưởng phòng hành chính vừa mới về hưu. Vợ anh là thư ký văn phòng, xinh xắn đúng điệu hàng hiệu. Hai cô con gái thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ mười phân vẹn mười.
Ai nhìn vào gia đình họ cũng chắc lưỡi hít hà ước ao được vậy. Chỉ có Thịnh là người hiểu rõ, anh đã phải còng lưng gánh ba người phụ nữ đẹp ấy băng qua cuộc đời này vất vả và gian nan như thế nào và hẳn là cuộc chiến ấy sẽ còn tiếp diễn.
Thời của siêu thị lên ngôi vốn bản thân nó chỉ là cái chợ nhưng do mới lạ và hiện đại, cho nên ngoài việc mua sắm nơi đây còn được xem như là nơi để tham quan, đi dạo cho phụ nữ nhất là trẻ em. Bi kịch của Thịnh bắt đầu từ đó.
Từ khi có thêm khoản tiền cho thuê căn nhà được thừa kế của ông bà nội, Lan nghỉ làm ở nhà để toàn tâm cho việc nội trợ và đưa đón hai cô con gái đi học vì cô lớn chuẩn bị thi chuyển cấp ba, còn co nhỏ sắp sửa vào cấp hai phải đi học ngoài giờ để luyện thi. Kinh tế gia đình khá giả, trong túi rủng rỉnh tiền lại có phần thảnh thơi, Lan đâm ra muốn thể hiện đẳng cấp. Bắt đầu cho việc lên đời là hoạt động mua sắm. Đầu tiên là thay cái này đã cũ, cái kia đã lỗi mốt, đến cái nọ không hợp thời, sau đó là… cô ấy nghiện shopping hồi nào không biết.
Sau mấy năm, quần áo, giầy dẹp của ba mẹ con, nói không ngoa có thể mở được một cái shop thuộc hàng hoành tráng. Đó là kết quả của những lần đi du lịch, tết nhứt, đám tiệc. Cứ mỗi buổi tiệc dù lớn nhỏ, cô ấy cũng sẵm một bộ cánh mời (gồm quần áo, giày dép, và các thứ phụ tùng linh tinh). Mùa nào thức nấy, phụ kiện đi kèm phải riêng biệt cho từng bộ trang phục.
Hãi nhất là mỗi khi chuẩn bị đi du lịch, Lan phải mất cả tuần lễ suy nghĩ, soạn sẵn, ghi vào giấy cụ thể: ngày thứ nhất, sáng mặc gì, trưa mặc gì, tối mặc gì, cứ thế cho hết các ngày tiếp theo. Sau khi suy đi tính lại kỹ càng cô ấy bắt đầu chiến dịch: shopping. Cũng hãi không kém là khi chuẩn bị ăn tết, nào quần áo, nào thức ăn, nào bánh mứt, hoa quả, cây kiểng … nói chung là cô ấy cứ như con thoi, đưa đi đưa về giữa nhà – chợ - siêu thị. Đến sáng mồng một tết thì phờ phạc, bèo nhèo như cái giẻ.
Trong vô số những thứ cô ấy mang về từ siêu thị, rất nhiều thể loại, Lan chỉ dùng một lần, có món cô không đụng đến bao giờ, thậm chí không nhớ là trong nhà đã có thứ ấy rồi. Cô ấy đi shopping như một nghệ sĩ tùy hứng, trong lòng cảm thấy ham muốn, trước mắt hiện ra lung linh muôn hồng nghìn tia, thế là lên đường.
Trong rất nhiều phương án giải đáp cho câu hỏi “vì sao nghiện mua sắm” của Lan phải kể đến bó rau ba ngàn, mua hai bó thì được bán năm ngàn. Vậy là cô ấy hồ hởi mua hai bó để… tiết kiệm một ngàn, sau đó mang về ăn một bó và… vứt vào thùng rác một bó. Vào siêu thị, cô ấy đi khắp lượt kiểm tra xem mặt hàng nào có khuyến mãi gom tất thảy như một cách được mua đồ rẻ. Vì thế, trong nhà bột giặt luôn luôn chất đầy một ngăn tủ bếp, tỷ lệ thuận với số lượng thau, rổ, sọt nhựa xếp chồng lên nhau cao ngất ngưởng.
Tương tự, số lượng kem đánh răng với hiệu suất đánh rắng mỗi người ngày nhiều bận vẫn không lúc nào thấy cơ số kem đánh răng trong tủ vơi đi, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng đến chóng mặt cơ số ly bán kèm theo với đủ kích cỡ, nhãn hiệu. Cùng với thau, rổ, sọt, ly là hộp nhựa muỗng, chén, tô, dĩa … Về khoản này thì có thể mở được một cái hàng xén nho nhỏ.
Lan ảo tưởng với mọi người xung quanh cô thuộc hàng quý tộc, có đẳng cấp, biết xài đồ hiệu, biết ăn món tây mà không biết rằng mọi người nghe xong quay đi cười mỉa vào cái thói quý tộc nửa mùa của cô và thương xót Thịnh phải nai lưng ra làm kiếm tiền cho cô thể hiện đẳng cấp. Đến chừng phát hiện ra số tiền nói là dành dụm để cho con đi du học của hai vợ chồng ngày càng vơi đi, Thịnh hoảng hốt, anh nhẹ nhàng góp ý. Lan phớt lờ. Nói gay gắt thì Lan trả treo. Nói quyết liệt thì cô làm mình làm mẫy, to tiếng la lối.
Cực chẳng đã vì sự êm ấm gia đình, Thịnh chịu thua bỏ qua. Thật ra sau những lần nổ ra xung đột dữ dội với chồng vì chuyện này, cô cũng có giảm bớt tần suất một thời gian nhưng như con nghiện không dễ cắt cơn, lại đâu vào đấy, Lan bỗng shopping bằng một hình thức mới, giảm thời gian ra chợ và bớt lượt đi siêu thị, hay vào đó, cô ấy ngồi nhà mua sắm ngay trên mạng và bằng kênh TV mua sắm. Từ một người phụ nữ lanh lợi thông minh, cô bỗng mụ mẫm như bị thôi miên trước những lời quảng cáo ra rả như súng liên thanh, như xe đứt thắng của mấy cô quảng cáo viên trên ti vi, cô không còn đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai, thật giả.
Một hôm, tình cờ lên mạng, Thịnh phát hiện nhiều trường hợp mua sắm từ bình thường trở thành thói quen dẫn đến lạm dụng và nghiện, phải đưa đến bệnh viện tâm thần để cai. Anh hoảng quá, link cho vợ xem. Hỡi ơi! Bệnh viện tâm thần là nơi duy nhất trong các bệnh viện mà lời khai của bệnh nhân khi gặp bác sĩ là: “Tôi không có bệnh”. Thịnh nhận ra điều đấy và thấy mình hoàn toàn bất lực, nói một cách dân dã là … bó tay.
Theo Dòng Đời