Hải Dương: Khu dân cư nhiều "Không”

Hải Dương: Khu dân cư nhiều "Không”
TP - 30 năm nay, kể từ ngày đến canh tác và định cư, 200 người dân ở Đồng Hạ (xã Hợp Đức, Thanh Hà) vẫn sống trong hoàn cảnh không điện, không đường, không trường và không trạm y tế.

Để đến được Đồng Hạ phải qua 2 lần đò với khoảng 1 giờ chờ đợi. Không có đường sang làng nên bến đò Nhân luôn là nơi tấp nập nhất khu dân cư.

Làm nghề chèo thuyền ở bến đò này hơn 10 năm nay, ông Trịnh Văn Sơn cho biết vào năm 1997, 3 người phụ nữ đi thuyền vào làng gặt lúa thuê đã gặp sóng lớn và chết đuối, do vậy bến đò Nhân mới hình thành.

Là phương tiện chính để nhân dân và khoảng 50 học sinh các cấp đi lại, song hiện nay con đò đã quá cũ nát, luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có lần nhân một đám cưới, đò ông Sơn đã phải vận chuyển cùng lúc 70 người sang sông, trong khi theo thiết kế đò chỉ chở được tối đa... 10 người. Vài lần các cháu nhỏ bị rơi xuống sông do chen lấn trên đò.

Khu dân cư không có điện sinh hoạt kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác. Không có hệ thống loa truyền thanh cơ sở nên khi có chủ trương, chính sách mới xã lại phải mang loa tay sang truyền đạt cho nhân dân. Các cháu học sinh mầm non ở đây hằng ngày phải tự qua đò, đi bộ hơn 1 km để đi học vì khu dân cư không có nhà mẫu giáo. Chỉ có một số rất ít gia đình có điện chạy bằng bình ắc quy.

Đèn dầu vẫn là thiết bị chiếu sáng phổ biến nhất nên các cháu học sinh phải tranh thủ học bài trước khi trời tối. Một số gia đình có tivi đen trắng và điện thoại di động, song hết điện lại phải qua đò mang bình ắcquy và điện thoại vào làng sạc điện.

Khu dân cư cũng không có cơ sở chăm sóc y tế hay người làm nghề y nên xảy ra đau ốm gì, cách tốt nhất của người dân vẫn là qua đò để đi chữa trị. Mặc dù hình thành làng xóm đã nhiều năm nhưng trên thực tế ở đây vẫn không có... nghĩa địa.

Khi có người qua đời, tang gia phải chuyển người quá cố qua đò, xe tang chờ bên kia sông đưa vào nghĩa địa của xã. Đã có một chuyện khó tin nhưng có thật, đó là năm 2006 khi cụ Nguyễn Thị Sâm qua đời. Lúc chuẩn bị đưa cụ xuống đò thì sóng to gió lớn, cực chẳng đã gia đình phải xin ý kiến của địa phương để an táng tại chỗ. Tới giờ, cụ Sâm vẫn là người duy nhất nằm ở soi đất này.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Đại diện UBND xã Hợp Đức thừa nhận, điều kiện sinh sống của người dân soi Đồng Hạ rất khó khăn, và để cải thiện tình hình này nằm ngoài khả năng tài chính của địa phương.

Cả khu dân cư và bến đò đều tự phát, bến không có giấy phép, đò không được đăng ký, đăng kiểm nên xã không có chủ trương tu sửa bến đò(?). Về hệ thống điện, nếu để dựng cột, đưa điện qua sông mỗi gia đình phải đóng góp khoảng hơn 10 triệu đồng nên rất khó thực hiện, do đó đành phải chờ...

Tuy nhiên theo lời ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng xóm, hiện nay tất cả các khoản đóng góp vẫn được nhân dân Đồng Hạ thực hiện đầy đủ, do đó chính quyền các cấp ở địa phương không thể đứng ngoài cuộc và coi Đồng Hạ như “đứa con rơi” của xã. Bến đò phục vụ việc đi lại của nhân dân và học sinh cần thiết phải được khẩn trương nâng cấp để bảo đảm an toàn, tránh những hậu quả đáng tiếc như đã từng xảy ra ở một số địa phương khác...

MỚI - NÓNG