Hải Dương gỡ phong tỏa Chí Linh, Cẩm Giàng

0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp
Lực lượng chức năng xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp
TP - Tỉnh ủy Hải Dương vừa ban hành Chỉ thị 12, gỡ phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng kể từ ngày 3/3. Toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới, triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 1/3, Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh Hải Dương thông tin, sau một tháng dịch bệnh bùng phát (27/1-28/2) địa phương ghi nhận 665 ca bệnh. 289 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, được xuất viện. Đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã kiểm soát tốt, ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Trong đó, TP Chí Linh đã khống chế được dịch, số ca mắc mới giảm rõ rệt. 12 ngày gần nhất ghi nhận 50 ca bệnh, hầu hết là trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Đã xét nghiệm hơn 39.800 mẫu (từ 16/2 đến 27/2) và không phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Huyện Kim Thành đã được cô lập, kiểm soát chặt và lực lượng chức năng đang tập trung dập dịch. Tại Cẩm Giàng, TP Hải Dương, Kinh Môn, Nam Sách… số ca mắc giảm rõ rệt, chưa ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Trưa 1/3, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì buổi họp với các sở ngành, huyện thị, thống nhất ban hành Chỉ thị số 12. Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ gỡ lệnh phong tỏa, kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng  đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng từ 3/3. Áp dụng các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị số 15 đối với TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành. Tám địa phương còn lại thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng.

Phát biểu tại cuộc họp sáng cùng ngày, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, từ 3/3 toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới “vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Ông giao lãnh đạo các huyện, thị, thành chủ động  biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng khu vực, địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, không được chủ quan, lơ là.

Các cơ quan, đơn vị không tổ chức hội họp, sự kiện đông người, tăng cường họp, làm việc trực tuyến, tổ chức sự kiện online. Tiếp tục dừng hoạt động lễ hội; cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, karaoke, quán bar, vũ trường, massage, nhà hàng, quán ăn… Vận động người dân tạm dừng tổ chức tổ chức đám cưới cho tới khi dịch bệnh được dập hoàn toàn. Việc tổ chức đám tang phải thực hiện đúng theo các quy định tổ chức phòng dịch. Sở GD&ĐT tạm thời chưa tổ chức hoạt động ở các trường mầm non. Tiếp tục tổ chức học trực tuyến cho học sinh từ cấp tiểu học trở lên đến 17/3.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu UBND tỉnh đánh giá tác động của dịch bệnh để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, doanh nghiệp. Đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch. Tập trung hỗ trợ nông dân gieo cấy lúa, rau màu vụ xuân đúng thời vụ. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Đồng thời, duy trì hoạt động tích cực thường xuyên của gần 11.000 tổ COVID-19 cộng đồng nhằm giám sát di biến động của dịch bệnh.

Theo đánh giá của tỉnh, trọng điểm dịch huyện Cẩm Giàng đã được kiểm soát tốt. Nhiều ngày qua số ca mắc (trong khu cách ly và khu vực phong tỏa) đã giảm rõ rệt. Huyện Cẩm Giàng không phát hiện ca nhiễm mới. TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách đã xét nghiệm tổng số 37.480 mẫu, không phát hiện ca mắc COVID-19 mới ở cộng đồng.

Nguy cơ ca mắc mới vẫn thường trực

“Cho đến nay, với rất nhiều nỗ lực chống dịch, Hải Dương đã có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan, không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng mầm bệnh là người lành mang trùng có thể còn lẩn khuất trong cộng đồng vì chủng virus lần này có tỷ lệ người lành mang trùng rất cao. Vì thế, nguồn lây là người lành mang trùng luôn là nguy cơ thường trực cho cộng đồng và có thể sẽ gây ra ca mắc mới không rõ nguồn gốc bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu trong thời gian tới ”, PGS.TS Trần Như Dương, Trưởng đoàn công tác chống dịch COVID-19 Bộ Y tế tại Hải Dương lo ngại.

Ông Dương nhận định: “Dịch tại Hải Dương là do biến chủng kiểu Anh của virus có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh. Cả thế giới đều sợ chủng virus này. Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với vụ dịch trước đây, lên tới 80% theo thống kê của hệ điều trị. Chính vì vậy, vô cùng khó khăn để phát hiện ra ca bệnh thông qua biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh. Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35%-40%. Bên cạnh đó, dịch phát hiện muộn cả ở Chí Linh và Cẩm Giàng gây ra sự lây nhiễm lớn khó kiểm soát và đã tạo ra những trọng điểm dịch phức tạp”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.