Hai doanh nghiệp dầu khí sẽ bán cổ phiếu ra thị trường

TP - Dự kiến cuối năm 2017, hai doanh nghiệp nhà nước của ngành dầu khí là Tổng Cty điện lực dầu khí (PVPower) và Cty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ cổ phần hóa, chào bán cổ phiếu ra thị trường.

Theo phương án đã được Bộ Công thương duyệt, BSR- đơn vị quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất (có vốn đầu tư 3 tỷ USD) sẽ bắt đầu chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 4/2017. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 30% sản phẩm tiêu thụ cả nước.

Theo đó, trong năm 2017, BSR chuyển đổi thành công ty cổ phần; thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO. Giai đoạn 2 hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR cho biết, đã chọn 3 đơn vị tư vấn (PV Building, PMS, PVOS) để triển khai phương án thoái vốn. BSR thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Do đó, Nhà nước không giới hạn tỷ lệ thoái vốn tại BSR.

“Chúng tôi không bán ồ ạt cổ phần mà dựa trên khả năng hấp thụ của thị trường, để không làm giảm giá trị của BSR. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, năm 2017 khả năng hấp thụ của thị trường khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Số tiền thu được sau cổ phần hoá sẽ có thể đầu tư dự án khác để có lợi nhuận cao”, lãnh đạo BSR cho biết.

Đối với PVPower, dự kiến đợt chào bán cổ phần  lần đầu ra công chúng sẽ thực hiện vào tháng 8/2017 với quy mô 3-4% vốn. Dự kiến nhà nước sẽ bán tới 49% vốn tại PVPower.

Hiện, PVPower có vốn điều lệ đạt 21.774 tỷ đồng, là một trong 3 nhà cung cấp điện lớn nhất cả nước, quản lý và vận hành 8 nhà máy điện. Trong đó có 4 nhà máy điện khí, 1 nhà máy nhiệt điện than và 1 nhà máy thủy điện. “Với quy mô IPO và thoái vốn lớn trong bối cảnh nhà nước đang đẩy mạnh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp khác, việc bán vốn của PV Power dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định.

Sau khi IPO, cả 2 doanh nghiệp này phải hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng. Với số vốn đầu tư lớn như vậy, đối tác chiến lược mà 2 doanh nghiệp hướng đến là các tập đoàn nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế.

Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR, doanh nghiệp hướng đến các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.

“Ngoài đối tác đến từ Liên bang Nga, một số tập đoàn dầu khí lớn như PTT (Thái Lan), Singapore... rất quan tâm tới cổ phần của nhà máy”, ông Nguyên cho biết. Đối với PVPower, công ty đã chủ động tiếp xúc với nhà đầu tư quan tâm như Quỹ Vinacapotal; BNP Paribas, Sandard Chartered và Delote và các nhà đầu tư lớn trong khu vực như Sembcorp, Keppei Infastructure. Đồng thời gặp gỡ quỹ đầu tư Việt Nam như SGI Cap; Dragon Capital…để chào bán cổ phần.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, việc cổ phần hóa các DN lớn của ngành dầu khí, không đơn thuần là bán được vốn. Yếu tố quan trọng khi chọn nhà đầu tư chiến lược là tìm hiểu khả năng về công nghệ của họ để đảm bảo sự phát triển bền vững các doanh nghiệp này sau khi cổ phần hóa.

MỚI - NÓNG