Chỉ vài ngày nữa là đến ngày 20/11, trong khi thầy cô giáo và học sinh ở khắp mọi miền Tổ quốc đang rộn rã các hoạt động đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thì ở hai ngôi trường vùng sâu của huyện nghèo Kbang, tỉnh Gia Lai lại đang bao trùm không khí tang thương.
Hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng Nga và Nguyễn Thị Yến đã bị dòng nước lũ cuốn trôi khi trên đường đến lớp. Tấm gương bám lớp, bám trường của hai cô giáo, một lần nữa tôn vinh giá trị cao đẹp, của những thầy cô đang tận tụy với nghề gieo chữ ở vùng sâu khó khăn.
Ngầm Tà Nang, nơi hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng Nga và Nguyễn Thị Yến gặp nạn khi trên đường đến lớp. |
Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) những ngày này vắng tiếng cười. Cả thầy và trò nơi đây vẫn trong nỗi tiếc thương cô giáo trẻ Nguyễn Thị Yến vừa mất đi vì nước lũ cuốn trôi khi trên đường đến lớp.
Cô Hoàng Thị Quế, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kbang, từng công tác tại Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng cho biết, cô Yến là giáo viên dạy giỏi và luôn tận tụy với nghề. Dù xa trường khoảng 16 cây số và phải băng qua nhiều đoạn đường rừng, đã rất nhiều lần mưa lũ nhưng cô chưa lần nào nghỉ dạy.
Ngày 15/11, từ sáng đã thấy mưa lớn từ khắp các ngả đổ về, nhưng không thể để học trò thiếu cô giáo trong ngày mưa to gió lớn, cô Yến đã vượt lũ đến trường và dòng nước hung dữ ấy đã cuốn trôi cô giáo trẻ nhiệt huyết.
Dọc theo suối Tà Nang, dọc theo sông Ba, hàng trăm người vẫn đang miệt mài tìm thi thể của cô Yến hiện vẫn nằm đâu đó dưới dòng nước lạnh. |
Cô giáo Hoàng Thị Quế nói: “Tất cả đội ngũ giáo viên hầu như bị phân tán tư tưởng, không biết làm gì trong ngày hôm qua. Cô Yến có hai cháu nhỏ, gia đình cũng như cơ quan rất thương hoàn cảnh của các cháu sau này”.
Anh Phạm Văn Sự - chồng của cô Yến mắt đỏ hoe, kiệt sức vì liên tục mấy ngày qua tìm thi thể của vợ mà chưa có kết quả. Anh cho biết, mới vài ngày trước thôi, anh còn rất vui và tự hào vì vợ vừa thi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hai vợ chồng lấy nhau đã được tám năm, nhưng chưa có dịp 20/11 nào anh chở vợ con đi chơi.
Trước hôm định mệnh, anh đã nói dịp 20/11 này sẽ cùng cả nhà lên TP Pleiku để thăm Tượng đài Bác Hồ, chơi ở công viên Đồng Xanh. Nhưng dự định ấy đã mãi mãi không thể thực hiện được. Nhắc đến hai cô con gái còn thơ dại, anh Sự nấc nghẹn không nói nên lời.
Hai con thơ của cô giáo Nguyễn Thị Yến vẫn chưa biết tin dữ. |
Ông Phạm Ngọc Thạch, cha của anh Sự cho biết, hai cháu nội còn quá bé, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa nhỏ mới 5 tuổi nên gia đình ông vẫn giấu, không cho các cháu biết tin dữ.
Cùng trong cảnh tang thương là gia đình cô Nguyễn Thị Hằng Nga (giáo viên của Trường mầm non xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Trong căn nhà đã xuống cấp, mưa dột ướt lênh láng khắp hai gian nhà nền đất của cô Nga ở thị trấn Kbang, hàng chục người cả người thân, họ hàng, hàng xóm vẫn còn khóc thương cho người con, người cháu, người chị ngoan hiền.
Ông Nguyễn Văn Tương, cha đẻ của cô giáo Nga cho biết, ngay khi mới đi làm (9/2013) Nga đã nói với cha mẹ, sẽ cố gắng dành dụm tiền nuôi hai em nhỏ ăn học và trả nợ cho gia đình. Thế nhưng, định mệnh đã ập xuống với gia đình, cô con gái cả đã mãi mãi ra đi.
Ông Tương nghẹn lời: “Biết bố mẹ nghèo không đủ điều kiện nuôi hai em sau. Nga nói chắt góp, chi tiêu tiết kiệm để gửi nuôi các em giúp bố”.
Bà Nguyễn Thị Minh, mẹ của cô giáo Nga đau ốm quanh năm, nay chứng kiến con gái lớn ra đi đã kiệt sức vì khóc thương. Như là định mệnh, ngay trước lúc Nga để lại xe trên bờ, để xông ra giữa dòng nước lũ cứu đồng nghiệp, cô đã gọi điện về cho mẹ. Và không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng người mẹ già yếu nghe được giọng nói của con.
Trong căn nhà đã xuống cấp, mưa dột ướt lênh láng khắp hai gian nhà nền đất của cô Nga ở thị trấn Kbang, hàng chục người vẫn còn khóc thương cho người con, người cháu, người chị ngoan hiền. |
Hơn 23 năm công tác tại huyện nghèo Kbang, thầy Lê Thanh Hải – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang cho biết, chưa năm nào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam lại buồn như năm nay: “Hai cô trên đường đi dạy gặp thiên tai, tử nạn thì tất cả các hoạt động giờ đã dừng lại. Ngành giáo dục rất đau buồn trước sự mất mát quá lớn.
Chứng kiến hai gia đình, các cháu nhỏ mất mẹ, chúng tôi rất đau lòng. Từ khi cái huyện này thành lập đến giờ, ngày 20/11 này là ngày đau buồn nhất. Chắc chắn trong toàn ngành sẽ có nêu gương về sự vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của các cô giáo.”
Chúng tôi rời huyện nghèo Kbang khi chiều đã muộn, mưa vẫn xối xả khắp các ngả đường, dọc theo suối Tà Nàng, dọc theo sông Ba hàng trăm người vẫn đang miệt mài, cố tìm cho được thi thể của cô Yến hiện vẫn nằm đâu đó dưới dòng nước lạnh. Hình ảnh cô giáo Yến vì thương trò đã vượt nước lũ để đến trường, cô giáo Nga xả thân cứu đồng nghiệp trong dòng nước dữ để rồi cả hai đã mãi mãi ra đi, như nhắc nhở về sự gian khó của nghề gieo chữ ở vùng sâu, và qua đó, hãy thêm yêu quý những người thầy, người cô tận tụy với nghề.
Theo VOV