Hai chị em gái tố cáo cha đẻ đánh đập vợ con dã man

Hai chị em gái tố cáo cha đẻ đánh đập vợ con dã man
TP - Hứa Thị Ngọc (18 tuổi) và Hứa Thị Kiều (13 tuổi) dân tộc Nùng, trú tại xóm Điển 2, xã Thanh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn) tố cáo cha mình là Hứa Hồng Tiến đánh đập vợ con dã man. Mẹ của hai cô phải trốn nhà ra đi, còn Kiều bị gẫy tay vì cha cầm then cửa đánh.
Hai chị em gái tố cáo cha đẻ đánh đập vợ con dã man ảnh 1

Bạo hành trong gia đình sẽ để lại những chân thương tâm lý rất khó phai mờ vớ người phụ nữ. Ảnh mang tính minh họa.

Tìm đến Văn phòng thường trú PV báo Tiền phong tại Lạng Sơn gửi đơn kêu cứu và đề nghị các ngành chức năng xem xét, xử lý việc đánh vợ con như cơm bữa, hai cô bảo cũng chỉ vì không thể chịu đựng được hơn nữa. Trên gương mặt của họ còn hằn lên nỗi lo sợ vì các trận đòn từng đổ xuống đầu.

Hứa Thị Ngọc bức xúc viết trong đơn: “Đã 13  năm nay liên tiếp bị đánh đập, mẹ tôi đã mang trên mình hàng nghìn nỗi đau. Gần như không ngày nào là mẹ thoát khỏi những trận đòn. Cứ mỗi lần say xỉn là cha lại hành hạ mẹ với tất cả “vũ khí” là vật dụng trong nhà như: gậy, cán cuốc, dao búa rồi ấm chén, chai đựng rượu. Mẹ tôi sau mỗi trận đòn bầm giập, đau nhức toàn thân. Có những lần mẹ phải nằm liệt gường hàng tuần liền.

Không những phải âm thầm chịu đựng nỗi đau thể xác mà còn cả nỗi đau về tinh thần. Nhiều khi mẹ cũng đã nghĩ đến cái chết nhưng cứ nhìn thấy 7 đứa con bơ vơ thì mẹ nhẫn nhục chịu đựng”.

Hứa Thị Kiều vừa xắn áo chỉ cho tôi vết thương ở khuỷu tay trái, vừa kể: “Ngày 30/12/2007, em thấy bố tát mẹ chán rồi cầm lấy cán cuốc đánh. Em vội giữ lấy cán cuốc liền bị bố đẩy ra một góc bếp rồi bắt quỳ xuống đất. Mẹ chạy ra ngoài, bố quay lại đánh em rồi lại bắt đi tìm mẹ.

Khi thấy mọi người sợ quá không dám về nhà, bố cầm một khúc gậy bằng cây bạch đàn mang đến nhà bà ngoại tìm rồi túm mẹ đánh, khi đó có nhiều người chứng kiến.

Kéo mẹ về nhà, bố liền lấy viên gạch đập vào đầu rồi cầm quần áo vứt ra đường nói: “Cút đi”. Đêm hôm đó, mẹ phải bỏ nhà ra đi. Không có ai để trút giận, bố cầm then cài cửa đánh vào tay em, thỉnh thoảng thời tiết trở trời vẫn đau”.

Nói rồi, Kiều đưa cho tôi xem hình ảnh X-quang chụp vết thương cùng phiếu kết luận do bác sĩ Ma Duy Hưng xác nhận ngày 26/1/2008: “Hình ảnh gãy cũ 1/3 dưới xương trụ đã can xương”.

Hai cô cho biết, trong nhà, Hứa Thị Ánh, Hứa Thị Kiều, Hứa Thị Ngọc và Hứa Thị Uyên đều bị nếm đòn của bố. Nhiều người không dám gần bố, chỉ sợ ông, mắng chửi, tát. Cực chẳng đã, hai chị em Hứa Thị Ánh (SN 1987) và Hứa Thị Vân (SN 1992) phải phiêu bạt đi làm thuê ở Quảng Ninh.

Tệ nạn ở vùng quê nghèo

Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) cho biết, sẽ cho kiểm tra sự việc bạo lực trong gia đình ông Hứa Hồng Tiến cũng như những vấn đề thực tế phát sinh tại cơ sở để có hướng giải quyết.

Năm 17 tuổi, mẹ của Ngọc và Kiều là Nông Thị Thơ (SN 1966) kết duyên với Hứa Hồng Tiến (SN 1962). Vì chưa có con trai nên ông Tiến đã ép vợ phải đẻ cho đến khi nào có đứa nối dõi tông đường mới thôi.

Năm 2003, chị Thơ sinh được con trai, nhưng gia đình đã có tới 7 chị em. Gia đình có 7 sào ruộng, lại lít nhít đàn con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Đã vậy, ông Tiến lại máu mê cờ bạc, lô đề nên của nả lần lượt “đội nón” ra đi. “Bố đã cầm 2 sổ đỏ đi cầm cố vay ngân hàng, đến nay nợ trên 20 triệu đồng. Chưa kể khoản vay anh em, hàng xóm tiền rượu” - Hai cô kể trong nỗi buồn bực. Có hôm say rượu, ông Tiến dọa: “Khi nào bắt được mẹ về thì sẽ xẻo ra từng mảnh. Gặp ở đâu, “xử” ở đó”.

Thôn Điển 2 (xã Thanh Sơn) có vài chục hộ dân chủ yếu sống nghề nông và “đi gỗ” lậu. Nhiều hộ nghèo, túng thiếu. Gần đây, do tư tưởng trọng nam, khinh nữ nên việc đẻ nhiều, đẻ dày đã trở nên khá phổ biến. Nhiều gia đình có 5 - 6 con.

Ông Hứa Hồng L, tuy mới 32 tuổi nhưng đã có tới 5 mặt con. Nhiều con, ruộng nương ít nên các tệ nạn xã hội cũng từ đó mà phát sinh. Trong xóm nhỏ có tới 5, 6 nhà nấu rượu.

“Số trận đòn bố tôi đánh mẹ, đánh chúng tôi lớn thêm theo số con đẻ ra và số tiền nợ. Thêm nữa, mức độ, nặng nhẹ tuỳ thuộc vào số chén rượu bố uống” - Ngọc kể trong nước mắt.

Đi cùng với 2 cô gái trẻ còn có NSƯT Triệu Thuỷ Tiên, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Ca - múa - nhạc Lạng Sơn, là bác của hai chị em. Chị Thuỷ Tiên đã đón hai cháu lên thành phố Lạng Sơn để che chở. Chị xác nhận những lời tố cáo của hai cô gái trẻ là đúng với thực tế.

Chị cho biết thêm, nhiều lần về quê, đã chứng kiến những cảnh tượng đau lòng và nhiều lần khuyên giải em chồng nhưng Tiến vẫn không nghe, vẫn chứng nào tật ấy. Cấp ủy, chính quyền địa phương không can thiệp sâu vì “chuyện gia đình, ai biết người đó”.

MỚI - NÓNG