Nối gót cha anh, 15 tuổi chị Phan Thị Hồng Châu (tên thường gọi là Nguyễn Thị Minh Hiền mà sau này là Anh hùng LLVTND, Đại tá – Phó trưởng Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh) trở thành trinh sát đơn vị T30 thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre, cuối năm ấy đến lượt người em gái Phan Thị Ngọc Tươi (sau này là Đại tá công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh) cũng tiếp bước chị cùng gia nhập đơn vị trinh sát này.
Chiến công của cô chị Nguyễn Thị Minh Hiền
Để đến được với cách mạng, cuộc đời Minh Hiền đã phải trải qua biết bao gian khó. 7 tuổi đã phải ở nhà chăm lo cho các em để cha mẹ và anh trai yên tâm đi chiến đấu. 12 tuổi, Minh Hiền đi giúp việc nhà cho một số người giàu có trên thị xã. Thấy cô bé thông minh lanh lợi, lại được sự giới thiệu của mẹ là bà Sáu Lực, 3 năm sau, tổ chức đã sắp xếp cho chị chuyển đến ở cho gia đình đại úy cảnh sát của chế độ Sài Gòn.
Nhà ông chủ mới có một quán rượu là nơi đám lính thường lui tới ăn nhậu sau giờ tan sở, nên ngoài việc lo hàng loạt các công việc giặt giũ, bếp núc, lau dọn nhà cửa, trông trẻ, Minh Hiền còn phải ra cửa hàng bưng bê đồ ăn thức uống cho đám lính. Mặc dù phải làm việc quần quật từ 15-16 tiếng mỗi ngày, lại liên tục bị ông chủ giở thói trăng hoa sàm sỡ, bị bà chủ vô cớ trút cơn ghen tuông thịnh nộ lên người nhưng vì đây là đầu mối để có thể moi được nhiều thông tin tình báo nên bằng sự thông minh, khôn khéo của mình, Minh Hiền vượt qua tất cả.
Trong ngôi nhà ấy, Minh Hiền sử dụng sự ghen tuông của bà chủ làm tấm lá chắn bảo vệ mình và cũng tranh thủ tình cảm của ông chủ để khai thác được rất nhiều thông tin quan trọng giúp tổ chức có những phương án kịp thời đánh vào lưng địch.
Cuối năm 1968, qua ông chủ, Minh Hiền nắm được thông tin địch tiến hành cuộc họp quan trọng ngay tại hội trường trung tâm thị xã. Thành phần tham dự là những sỹ quan cao cấp trong quân đội chế độ Sài Gòn. Thông tin quan trọng này lập tức được chị mật báo ngay về cho tổ chức. Sau khi xác định đây là hội nghị bàn về việc gom dân của địch ở chiến trường miền Nam, tổ chức đã lên kế hoạch muốn cho cuộc họp này thất bại phải tiêu diệt được đám sỹ quan đầu sỏ và trận ấy Minh Hiền xung phong được trực tiếp đánh trận.
Nhằm bảo đảm chắc chắn cho thành công của trận đánh, ngay khi được giao nhiệm vụ, lấy lý do mang đồ của bà chủ giao tận tay ông chủ, Minh Hiền đã vượt qua được lớp lớp bảo vệ vào trong khu vực dự kiến hội họp để kiểm tra lại lần cuối. Xác định chắc chắn mục tiêu, trước buổi họp một ngày, chị xin bà chủ cho nghỉ về nhà thăm đứa em nhỏ bị bệnh.
Đêm ấy, Minh Hiền đã thức trắng để tính toán phương án và đến gần sáng, chị quyết định tự tay làm một quả mìn định hướng hẹn giờ để khi chiến đấu mang lại hiệu quả cao mà lại không gây tổn thất cho nhân dân xung quanh. Chuẩn bị xong, chị đến nhà người dì ruột hỏi mua một gánh rau muống, giấu quả mìn trong đó rồi trở về lo việc nhà cho bà chủ.
Buổi sáng, Minh Hiền dậy từ rất sớm, xách giỏ đi chợ như mọi ngày. Trên đường đi, chị bí mật ghé lấy gánh rau, qua chợ mua thức ăn theo thực đơn của bà chủ rồi thẳng tiến đến mục tiêu. Trên đường đi, chị đụng ngay một tên mật thám và hắn yêu cầu chị bỏ gánh rau xuống cho chúng xét. Không còn con đường nào khác, chị đành để gánh rau xuống nhưng quan sát từng hành động của tên mật thám.
Khi tên này ném gần hết gánh rau ra đường, quả mìn sắp lộ diện, bỗng Minh Hiền khóc la ầm ĩ: “Cả gia đình tôi năm bảy cái miệng ăn chỉ trông chờ vào gánh rau này. Vậy mà ông ném tung ra đường làm dập nát hết thì còn bán cho ai được, cả nhà chắc chết đói quá…”. Thấy chị khóc than, tên mật thám sợ bẽ mặt với những người xung quanh là ăn hiếp con nít nên cũng dừng tay rồi cho chị đi. Chị Hiền quẩy gánh rau và trải qua vài lần gặp những tình huống khó xử, dúi vào tay mấy lính gác ít tiền, cuối cùng chị cũng đã đặt được gánh rau sát mục tiêu, kích hoạt hẹn giờ quả mìn rồi giả bộ quên đồ nên gửi lại để chạy về nhà lấy. Vừa chạy về đến nhà bà chủ ở gần đó thì một tiếng nổ vang trời rung động cả một khu vực. Trận đó chị đã tiêu diệt và làm bị thương được trên 30 tên địch, chủ yếu là các sỹ quan cao cấp.
Cô em Phan Thị Ngọc Tươi và trận đánh Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa
13 tuổi, Phan Thị Ngọc Tươi đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của đơn vị trinh sát T30 thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre sát cánh cùng chị gái cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Với rất nhiều những chiến công hiển hách, đầu năm 1972, cùng với người chị Minh Hiền, Ngọc Tươi được thủ trưởng đơn vị cử đi miền Bắc để tuyên dương dũng sĩ anh hùng. Ngọc Tươi quyết định để chị Hiền đi, còn mình ở lại chiến đấu.
Nói là làm, Tươi đến nhà đồng chí Phạm Văn Ty (Bảy Cường) - thủ trưởng đơn vị và cũng là người cậu họ thẳng thắn bày tỏ: “Lúc đầu con tham gia đánh giặc là để trả thù cho cha, cho anh nhưng nay được giác ngộ nên phải đánh vì quê hương, đất nước, vì bà con Bến Tre nên con không đi đâu hết. Đi ra đó rồi ngày trở về, bà con có còn sống không? Mẹ con có còn sống không? Con ở lại chiến đấu không vì huy chương, dũng sỹ mà chỉ cần tiêu diệt được bọn ác ôn cho bà con yên tâm là vui rồi…”.
Khuyên nhủ mãi không được, đồng chí Ty đành chấp nhận cho Tươi ở lại. Lúc này tổ chức chuẩn bị đánh Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa (một nơi chuyên sử dụng mọi hình thức dã man tra tấn cán bộ cách mạng) nhưng lãnh đạo không cho Tươi tham gia. Biết vậy Ngọc Tươi buồn lắm, cứ đi ra đi vào năn nỉ. Hết cách, đồng chí Ty đành phải đánh đố Tươi bằng cách bảo chị nếu muốn tham gia đánh trận này thì phải làm được giấy căn cước. Thời hạn chỉ có một tuần mà việc làm căn cước đối với những người bình thường cũng phải mất ít nhất 3 tháng, với Tươi thì chỉ việc cha và anh là bộ đội Việt cộng đã đủ cho chị không thể làm được.
Không nản chí, Tươi dành một ngày về thị xã thám thính tình hình và phát hiện tên đại úy Tứ -Trưởng phân chi cảnh sát quốc gia Sơn Hòa, phụ trách công tác làm thẻ căn cước rất háo sắc. Khi ấy Tươi mới 16 tuổi vóc dáng như một thiếu nữ xinh xắn, chị quyết định chọn cho mình một bộ váy thật đẹp rồi tiến thẳng vào phòng làm việc của tên đại úy Tứ. Tuy gặp phải rất nhiều sự ngăn cản của đám lính gác nhưng với quyết tâm của mình, Ngọc Tươi cũng đã đối diện được tên sỹ quan cảnh sát và bằng mấy lời nói có cánh, chị đã làm cho hắn nghiêng ngả, chấp nhận làm căn cước cho chị trong thời gian 3 ngày.
Cầm tấm giấy căn cước về trình thủ trưởng, ông Ty hết sức bất ngờ nhưng vì phải giữ lời trước đó nên ông đành để Tươi được tham gia trận đánh Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa.
Theo sự phân công của chỉ huy đơn vị, tất cả chia thành 3 mũi giáp công trong đó Tươi chỉ huy một mũi, sử dụng các loại thủ pháo, lựu đạn đồng loạt đánh thẳng vào mục tiêu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, Tươi đảm nhận phần việc hết sức nguy hiểm là khi tấn công xong mục tiêu, chị ở lại chặn đánh địch (nếu chúng quá đông) để đồng đội rút lui an toàn.
Đúng 20h ngày 12/6/1972 là thời điểm bọn sỹ quan tập trung sinh hoạt nên cả ba mũi của đơn vị trinh sát T30 đồng loạt ném thủ pháo vào Trung tâm thẩm vấn. Nghe tiếng nổ, địch hô to: “Việt cộng tấn công… Việt cộng tấn công…”.
Ngay sau đó chúng kéo còi hú huy động toàn bộ các lực lượng chặn tất cả các ngả đường khu trung tâm. Mải chiến đấu bảo đảm cho hai mũi kia rút lui khiến số đạn dược mà Tươi mang theo đã gần hết, chỉ còn lại hai quả lựu đạn cuối cùng nên chị ôm chặt vào bụng để sử dụng trong tình huống xấu nhất. Lúc đó, một toán hơn chục tên địch lao vào bắt giữ chị. Kẻ trói chân, kẻ nắm tóc buộc vào sau xe kéo lê trên đường phố. Cố gắng chịu đựng đợi đến chỗ có ít quân lính, Tươi gồng mình với hai quả lực đạn, dùng răng rút chốt tấn công để thoát thân nhưng không may chỉ có một quả nổ, quả còn lại bị xịt nên chị đã bị địch đưa ngay vào chồng cọp trong Trung tâm thẩm vấn ngày đêm tra tấn dã man hòng khai thác thông tin về lực lượng của ta.
Sau nhiều ngày liên tục tra tấn, thẩm vấn nhưng không khai thác được gì, những tên sỹ quan ác ôn đã bẻ gãy ngón tay trỏ bên phải của chị. Những đòn tra tấn dã man của quân thù không bẻ gẫy được ý chí của chị. Ngọc Tươi đã viết lên hai câu thơ:
“Xương ta gãy để nối liền Nam Bắc
Máu ta rơi cho bộ đội trưởng thành”.
Những vần thơ đã làm cho mấy tên sỹ quan có một phen tức đến phát điên. Chúng lầm lũi cúi mặt bỏ đi trước khi buông một câu đầy vẻ bất lực: “Không ngờ phụ nữ Việt cộng lại kiên cường đến vậy”.