Hai bí thư huyện trúng tuyển: Làm gì trong tháng đầu tiên?

Ông Võ Ngọc Tuyên (người chỉ tay) mong có những đường hoa vòng quanh hồ Lắk
Ông Võ Ngọc Tuyên (người chỉ tay) mong có những đường hoa vòng quanh hồ Lắk
TP - Giữa thời điểm cả nước tập trung phòng chống dịch COVID - 19, có 2 cán bộ thông qua tuyển chọn trở thành Bí thư huyện Lắk và Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), tập trung tâm sức chống dịch, giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Ðừng để dân ghét

Lắk là huyện nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk. Ở đó có những con voi gầy trơ xương, cụt đuôi. Huyện mang tiếng có đặc sản gạo ngon, nhưng những ngày này, lúa phơi đầy đường, nhếch nhác, bụi bặm. Tân bí thư Võ Ngọc Tuyên ngồi thu lu trong căn nhà công vụ 10m2. Gian bên cạnh, mấy cán bộ huyện ủy đang xào nấu bữa trưa mùi ám cả các phòng khác.

Nguyên lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư Đắk Lắk đang say sưa nói về mỗi người dân là một sứ giả du lịch; những đường hoa đẹp sẽ bao phủ thị trấn Liên Sơn (trung tâm huyện) và quanh hồ Lắk. Ông Tuyên giới thiệu nơi này sẽ là hàng cây bằng lăng, nơi kia dãy phượng tím… “Trước mắt, mỗi trụ sở cơ quan công quyền phải biến thành những nơi đầy hoa đẹp. Du khách đến với Lắk có thể trả tiền trồng hoa và được gắn biển tên. Nhiều năm sau, họ quay lại hoặc con cháu họ đến sẽ chiêm ngưỡng thành quả”, ông Tuyên nói.

Người đàn ông có bộ lông mày xếch trúng tuyển với số điểm cao nhất. Do cán bộ có nhiều kinh nghiệm liên quan lĩnh vực kinh tế nên “ban giám khảo” kỳ vọng ông sẽ thay đổi diện mạo một huyện. Huyện thu ngân sách mỗi năm chỉ đạt 35 tỷ đồng, nhưng chi trên 400 tỷ đồng. Tên huyện trùng tên hồ lớn nhất. Ở đây có một biệt điện xưa cũ của vua Bảo Đại, trong những ngày dịch dã trông càng thê lương. Đường lên biệt điện, bà con phơi lúa phủ kín mặc cho ô tô, xe máy cán lên. Chả lẽ thương hiệu gạo Lắk nổi tiếng được phơi phóng thế này?

“Phải có cụm khu công nghiệp, xây chợ, trung tâm thương mại; nhà máy chế biến gạo, gỗ ép… Tôi đã đi xuống 11 đảng ủy xã để trao đổi chuyện vì sao tôi trúng bí thư huyện ủy để cán bộ hiểu hơn quyết tâm, mục tiêu của mình. Nhiều chủ tịch xã đã bắt tay vào trồng hoa, cây cảnh làm đẹp trụ sở. Đây này, có người vừa gửi ảnh cây giống phượng tím, bằng lăng. Tôi đã cho họp thường trực huyện ủy triển khai chuyển dịch cơ cấu, thay đổi nhận thức”, ông Tuyên kể.

Hai bí thư huyện trúng tuyển: Làm gì trong tháng đầu tiên? ảnh 1 Ông Ya Toan Enuôl trong buổi làm việc với xã Ea Ba

Ông cũng nói nhiều về cải cách thủ tục hành chính: “Trụ sở công quyền phải thân thiện, cán bộ phải nhã nhặn. Đừng để dân ghét”. Điều này lúc nào cũng đúng và đang nhức nhối, vấn đề làm sao để thông điệp biến thành hiện thực.

Từ thành phố Buôn Ma Thuột xuống Lắk trên 60km, đường đẹp, nhưng “danh hiệu” huyện nghèo nhất nghe thật buồn. Hồ nước ngọt mênh mông, nhưng thuyền bè tạm bợ ván ghép, máy nổ khét lẹt. Gần đó là những nhà sàn bê tông cột vài con voi già. “Biến áp lực thành động lực. Không thể xin ngân sách mãi. Trong đầu tôi luôn thường trực câu hỏi vì sao đất nước Israel 50% diện tích sa mạc, nhưng thu nhập bình quân đầu người hàng đầu thế giới”, tân bí thư nói. Non tháng nay ông xa gia đình, ở lỳ dưới huyện nghiên cứu chính sách và đi cơ sở.

Một huyện gần 32% tỷ lệ hộ nghèo, 63% đồng bào dân tộc thiểu số, bài toán đặt ra với ông bí thư không đơn giản. Nhất là câu chuyện sát sườn: Nước sinh hoạt cho cán bộ huyện ủy vẫn dùng giếng khoan chỉ nằm cách bể phốt chỉ vài mét.

“Chủ yếu chống dịch”

Gần 1 tháng ông Ya Toan Ênuôl rời chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột về làm Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn. Khi hỏi tháng qua làm được gì, ông nói: “Chủ yếu chống dịch”. Ya Toan có vóc dáng của già làng, với lời hứa toàn tâm toàn ý cống hiến cho huyện Buôn Đôn, để địa phương được xếp hạng tốp phát triển ở Đắk Lắk.

Sáng 17/4, Bí thư Ya Toan công du một mạch 4 xã để nắm tâm tư, nguyện vọng. Tại phòng họp nhỏ của Đảng ủy xã Cuôr Knia, tân bí thư nói: “Các đồng chí báo cáo tình hình địa phương ngắn gọn, theo tinh thần chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.

Qua đó, có đề xuất gì trao đổi với tôi ngay tại buổi làm việc luôn, không phải đọc báo cáo, tập trung những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ”. Đây dường như là một phong cách mới thay vì ê a báo cáo như thường thấy. Nghe vậy, ngay lập tức lãnh đạo xã vào việc luôn và hàng loạt khó khăn được nêu ra, tân bí thư giải đáp ngay tại chỗ, giao cho các đầu mối xử lý.

Buổi làm việc giữa ông Ya Toan Ênuôl với xã Cuôr Knia chỉ diễn ra hơn 1 tiếng. Hành trình tiếp theo là các xã Tân Hòa, xã Ea Nuôl… Theo Bí thư huyện Buôn Đôn, thời gian tới, ông sẽ tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, ông kiểm tra, sửa chữa hệ thống kênh mương xuống cấp, hư hỏng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ mùa; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán mùa khô; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh...

“Tôi về huyện Buôn Đôn được gần 1 tháng, chưa đi làm việc được hết các xã do thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19. Vừa hết thời giãn cách, tôi bắt đầu đi hết các xã. Qua đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Huyện chúng tôi còn nghèo, nhưng có lợi thế về phát triển nông sản, sản xuất năng lượng tự nhiên. Nếu phát huy được tiềm năng này, sẽ đưa huyện nhà phát triển hơn. Từ nay, tôi toàn tâm toàn ý để phục vụ địa phương”,  ông Ya Toan Ênuôl nói.

“Nhiều đêm tôi không ngủ được. Khác với thời làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư chỉ theo dõi một lĩnh vực, nay về làm bí thư huyện ủy phải quán xuyến mọi việc. Tôi sẽ nỗ lực hết sức biến ước mơ thành hiện thực”. Bí thư Võ Ngọc Tuyên

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.