HAGL: Đội bóng trẻ hay kẻ thách thức?

Hãy để cầu thủ của bầu Đức thích nghi với V-League chứ không phải là điều ngược lại
Hãy để cầu thủ của bầu Đức thích nghi với V-League chứ không phải là điều ngược lại
Đội bóng được chờ đợi nhất V.League 2015 chắc chắn là HAGL của bầu Đức, với lứa cầu thủ từng nổi đình nổi đám cùng đội tuyển U19 Việt Nam năm ngoái. Người ta sẽ tò mò xem họ đã phát triển tới đâu so với những lời quảng cáo vang trời?

HAGL, cụ thể là lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đồng Triều… đã thực sự sẵn sàng cho sân chơi V-League hay chưa? – Đấy là câu hỏi mà rất nhiều người chờ đợi câu trả lời từ nhiều tháng nay.

Lứa cầu thủ của bầu Đức cực kỳ nổi tiếng trong năm ngoái, nhưng kỳ thực họ mới chỉ đá ở các giải trẻ, lại chủ yếu là giải mời, nên không thể thông qua những giải đấu ấy để thẩm định chất lượng và bản lĩnh của những cầu thủ này.

Cũng kỳ thực là việc đôn lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… lên đá V-League là quyết định chẳng đặng đừng của bầu Đức. Chính ông bầu này trước đó từng chê ỏng chê eo V-League, từng tuyên bố rằng ông đào tạo cầu thủ để xuất ra nước ngoài, chứ không bao giờ cho họ đá giải vô địch quốc nội.

Nhưng không xuất được sang thị trường mơ ước (châu Âu, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản), bầu Đức buộc phải giữ lại và sử dụng, mà đã giữ lại thì ông Đức chỉ còn có cách là tung lứa cầu thủ khóa 1 của học viện HAGL-Arsenal.JMG vào đấu trường V-League.

Và đây cũng là lúc mà người ta muốn nhìn những cầu thủ được ông Đức quảng cáo rầm rộ đã thực sự trưởng thành hay chưa? V-League là môi trường khắc nghiệt, khắc nghiệt và thực dụng hơn hẳn các giải đấu trẻ mà các cầu thủ nọ từng trải qua.

Có thể V-League rất xù xì, rất xấu xí, nhưng gạt sang một bên chuyện móc ngoặc và dàn xếp tỷ số ở giải đấu này, sự xù xì đấy mới phản ánh chính xác bộ mặt của bóng đá đỉnh cao. Bóng đá đỉnh cao ở khắp thế giới này chứ không chỉ ở riêng Việt Nam không bao giờ tồn tại khái niệm “đá đẹp để có thua cũng sướng”.

Đấy là khái niệm và thứ bóng đá dành cho các giải đấu trẻ, còn ở V-League, nếu các cầu thủ của bầu Đức không thể chiến thắng, họ mãi mãi dừng ở mức tiềm năng, chứ không thể trở thành cầu thủ trưởng thành. Thành ra, để trả lời cho câu hỏi đây là đội bóng trẻ hay là kẻ thách thức, người ta sẽ nhìn vào thực tế sân cỏ của họ là rõ nhất.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Và để cho lứa cầu thủ ấy được phát triển một cách bình thường, mong rằng bầu Đức nói riêng và một số lãnh đạo chóp bu của VFF nói chung nên tạo cho họ một môi trường bình thường.

Đừng hành động cứ như thể lứa cầu thủ của bầu Đức là… “con ông cháu cha”, đừng hành động cứ như thể họ là những cậu ấm, hãy để cho họ có được sự cạnh tranh sòng phẳng với phần còn lại của cả làng cầu, thay vì chưa đá đã chỉ định nhưng ưu đãi đặc biệt dành cho lứa này.

Đừng quên bầu Đức ngoài cương vị là một ông bầu bóng đá, hiện còn là phó chủ tịch VFF, với quyền uy cực to đối với phần còn lại của cả nền bóng đá. Đá bóng với đội bóng của bầu Đức thì dễ, chứ đá bóng với đội của ông phó chủ tịch VFF thì khó lắm.

Đừng để cho phần còn lại của cả nền bóng đá ra sân với tâm lý ấy, đừng tạo cho họ tư tưởng rằng họ làm nhiệm vụ ở trên sân chỉ để làm nền cho lứa cầu thủ cưng của ông phó chủ tịch VFF. Người lớn càng làm thế thì có khi càng làm hại sự phát triển của Công Phượng và các đồng đội, càng đào sâu thêm cái hố ngăn cách giữa họ với phần còn lại của V-League, vốn cũng đã chẳng êm thấm gì.

V-League sẽ dạy cho các cầu thủ của bầu Đức những bài học thực tế, mà lý thuyết suông của học viện HAGL-Arsenal.JMG nói riêng và hệ thống học viện JMG toàn cầu không bao giờ dạy được. Thế nên, đừng cố biến V-League thành một học viện JMG mở rộng, cũng đừng cố định hướng V-League theo con đường của học viện JMG.

Hãy để các cầu thủ của bầu Đức thích nghi với V-League, thích nghi với bóng đá đỉnh cao, chứ không phải là ngược lại.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG