Hạc và chim sẻ

Hạc và chim sẻ
TP - Cực kỳ đồ sộ là dự án xây dựng nhà máy thép của Tập đoàn  Eminence tại Nghi Sơn, Thanh Hóa! Nó gấp 30 lần dự án một tỷ USD mà hãng Intel dự định xây dựng ở TPHCM.

Chỉ có điều hãng Intel danh tiếng hàng đầu thế giới phải bỏ ra nhiều năm nghiên cứu, cân nhắc và thương thảo mới quyết định được dự án 1 tỷ USD, còn Tập đoàn  Eminence ít tiếng tăm hơn thì quyết vèo dự án 30 tỷ USD trong chốc lát.

30 tỷ USD là rất lớn. Nếu GDP của nước ta là khoảng 50 tỷ USD/năm thì đó là 60% GDP của cả nước; nếu Ngân sách nước ta chiếm trên 20% GDP thì đó là khoảng gần 3 lần Ngân sách của cả nước. Một  tập đoàn  ít tên tuổi thì không có thể có được một số tiền khổng lồ như vậy.

Thế thì, số tiền nói trên  có thể vay được từ các ngân hàng thương mại hay không? Câu hỏi này, có lẽ chỉ các nhà làm dự án mới biết được câu trả lời đích thực.

Tuy nhiên, với thông lệ quốc tế hiện nay (cho vay tối đa không quá 200 triệu USD/dự án để tránh rủi ro), thì Eminence phải đàm phán để vay được của ít nhất 60 ngân hàng trên thế giới.

Khác với việc quyết định xây dựng nhà máy thép, việc vay tiền sẽ tốn hàng núi thời gian: ít nhất là tốn 60 lần thuyết phục các ngân hàng, và 60 lần các ngân hàng tìm cách kiểm tra tính khả thi của dự án. Mà như vậy, thì thời gian bỏ ra sẽ không biết là đến mấy chục năm.

Xây dựng nhà máy thép là làm kinh tế không phải làm từ thiện. Eminence nhắm vào những lợi thế gì của tỉnh Thanh Hoá và của Việt Nam để đưa ra một quyết định đầu tư “vang dội” như vậy? Nhắm vào nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn? Nhắm vào nguồn năng lượng dồi dào? Nhắm vào thị trường rộng lớn trong nước?

Rất tiếc, không có một câu trả lời khẳng định nào có thể đưa ra được ở đây. Thế nhưng, việc xây dựng nhà máy thép chỉ để làm từ thiện thôi là điều còn khó khẳng định hơn.

Trong dự án xây dựng nhà máy thép của Eminence mọi thứ đều to tát, nhưng đều cao xa như hạc trên trời. Chỉ có một thứ duy nhất có thể nắm bắt được trong tay.

Đó là diện tích hơn chục nghìn héc ta đất được đề nghị phải dành cho dự án. Thế nhưng, hơn chục nghìn héc ta đất thì thứ nắm trong tay hoàn toàn không phải là chú chim sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.