Dân kêu khổ
Quốc lộ 8A là tuyến huyết mạch nối các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn - Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo với nước bạn Lào, đông bắc Thái Lan. Con đường từng là niềm tự hào của người dân nơi đây, bởi không chỉ làm đẹp thêm quang cảnh của vùng quê, mà còn là cơ sở cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực Nầm (xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đoạn đường dài khoảng 2km bị cày xới, bóc tách để lại những bãi cốt đá chỏng chơ, mặt đường nhiều đoạn trở thành những ổ voi sũng nước. Có những hố sâu tới gần nửa mét, khi trời mưa, phương tiện giao thông qua đoạn đường này phải có người dò đường, chỉ dẫn. Hơn nữa, do xe trọng tải lớn lưu thông nhiều, lớp bê tông nhựa dồn thành các “sống trâu”, rất nguy hiểm.
Nhiều đoạn đường do sửa chữa dở dang, mặt cầu cống không được che chắn, không biển báo, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là ban đêm. Theo người dân nơi đây, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xẩy ra. Điều đáng quan tâm là khu vực Nầm, xã Sơn Châu tập trung rất nhiều trường học, học sinh tới trường đều phải đi qua khu vực này. Từ khi đoạn đường hư hỏng nặng, nhiều học sinh phải đi bộ, khi có xe chạy qua thì bùn, đất té bẩn nhiều em phải nghỉ học.
Anh Lê Khắc Hải (xóm 9, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn), cho biết: “Dân chúng tôi khổ lắm. Mùa mưa đường lầy lội, đi lại rất khó khăn, nên nếu không có việc quan trọng thì chúng tôi không ra khỏi nhà, chỉ tội các cháu khi đến trường. Gia đình chúng tôi không dám để các cháu tự đi, vì tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Mùa mưa thì vậy, mùa nắng lại càng khổ hơn. Những nhà sát mặt đường, cho dù có đóng kín cửa thì các đồ vật trong nhà luôn phủ đầy bụi; thậm chí người già và trẻ em thường xuyên phải đeo khẩu trang, kể cả ở trong nhà”.
Doanh nghiệp khốn khó
Quốc lộ 8A từng là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là khu kinh tế Cầu Treo. Nay do xuống cấp, việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa phải tính đến phương án khác.
Một lái xe container vận chuyển hàng xuất khẩu qua Lào, bức xúc phản ánh: “Đường từ Đức Thọ tới Hương Sơn chừng 25 km, ngày trước chỉ đi hết 50 phút, nhưng nay chúng tôi phải đi mất 3 giờ. Tai hại hơn là đi đường này lượng xăng dầu tiêu hao rất lớn; lốp và các bộ phận truyền động của xe xuống cấp rất nhanh, nên lợi nhuận mỗi chuyến chẳng được bao nhiêu. Chuyến nào chẳng may xe hỏng dọc đường là chuyến đó coi như đói”.
Chúng tôi được biết, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng sang Lào hiện nay đã không vận chuyển theo quốc lộ 8A qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), mà đi đường 9 qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình).
Ông Trần Báu Hà, Trưởng ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, cho biết: “Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như du lịch của khu kinh tế Cầu Treo đã giảm nhiều so với các năm trước đây. Sự suy giảm đó có nhiều nguyên nhân, song Quốc lộ 8A xuống cấp trầm trọng, lưu thông khó khăn là nguyên nhân trực tiếp”.
Theo một số người dân, sau khi tập đoàn Xuân Thành thi công xong tuyến đê La Giang đã san lấp lại mặt đường 8A, nhưng chỉ lấp sơ qua những chỗ quá sâu đủ cho xe qua lại được mà thôi. Chủ yếu người dân tự khắc phục bằng cách, đường gần nhà ai người đó tự huy động nhân lực, mùa hè thay nhau tưới nước chống bụi, mùa mưa khiêng đất đá lấp vào những hố sâu để xe qua lại đỡ nguy hiểm…
Đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, kịp thời để con đường nối liền khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo trở lại với vị thế vốn có của nó.