Hà Nội xem xét việc bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đồng tình với việc bỏ phí đường bộ xe máy. Ảnh: Bá Đô/VnExpress
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đồng tình với việc bỏ phí đường bộ xe máy. Ảnh: Bá Đô/VnExpress
Mỗi người dân phải cõng 7 loại phí, nay thêm phí bảo trì đường bộ khiến vai ngày càng nặng gánh, từ số liệu này nhiều cử tri Hà Nội đề xuất bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy. Nhận xét đây là ý kiến hay, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hứa xem xét và giải quyết thấu đáo.

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hà Nội sáng nay của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cử tri đặt ra các vấn đề liên quan đến dân sinh như việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn, bảo tồn nhà phố cổ xuống cấp..., trong số đó nhiều nhất là các ý kiến đề nghị Hà Nội bãi bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy.

Ông Nguyễn Hữu Cử (cử tri phường Hàng Đào) cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ xe máy mỗi tỉnh một kiểu, có tỉnh thu mức cao, có tỉnh không thu, nên để công bằng, thành phố cần xem xét không thu loại phí này.

Bảo vệ kiến nghị của cử tri phường Cửa Đông, ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay, loại phí này làm khó khăn và sụt giảm chi tiêu của người dân, đi đến đâu cán bộ cũng gặp phản ứng không đồng tình. Hơn nữa, một người dân đang chịu tới 7 loại thuế phí, thu thêm thì gánh nặng càng chồng chất lên vai.

Đại biểu Khánh nhắc lại việc Hội đồng nhân dân Đà Nẵng và TP HCM đã tạm hoãn việc thu loại phí này nên không có lý gì Hà Nội không nghiên cứu, xem xét bỏ.

Cử tri đại diện phường Cửa Đông dẫn chứng, năm 2013 số phí bảo trì đường bộ thành phố thu được là 55 tỷ, đến 2014 còn 36 tỷ và trong năm 2015 mới đạt 3 tỷ. "Tại sao như vậy, chắc chắn có người đóng, người không, khó khăn rất nhiều vậy thành phố cần phải bỏ ngay loại phí này", ông đề nghị.

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giải thích, việc thu phí bảo trì đường bộ đang được giao cho các phường xã và phường xã được trích phần trăm để làm quỹ xây dựng, bảo trì hạ tầng đường xá; riêng cấp huyện, cấp quận thì được giữ lại 100%. "Việc quyết định thu nữa hay không lại thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, còn Sở sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân để nghiên cứu", ông Linh nhấn mạnh.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, đề xuất ngừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy "là ý kiến rất hay, thẳng thắn và chính đáng, cần phải được giải quyết thấu đáo. Hội đồng nhân dân đã có những trao đổi và tranh luận. Tuy nhiên, để ra quyết định cụ thể thì cần nghiên cứu, xem xét, lấy ý kiến kỹ lưỡng".

Bên lề kỳ họp 13 HĐND thành phố Hà Nội trước đó, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Hội đồng ủng hộ bỏ phí bảo trì đường bộ với xe máy vì nhiều ý kiến phản ánh bất cập. Đơn cử như phương thức thu, việc thôn làng, tổ dân phố đi thu tiền gặp nhiều khó khăn. Không ai kiểm tra việc này như thế nào cho nên người nộp người không. Thứ ba là xử phạt, "quy định nói xử phạt tăng đến 3 lần, nhưng thẩm quyền xử phạt đấy giao cho ai, như thế nào thì chưa rõ”, bà Ngọc thông tin.

Từ 21/7/2013, Hà Nội thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Theo đó, mức phí với loại xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm; xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 là 100.000 đồng/năm.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG