Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm mới đây, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ kế hoạch xây dựng thêm 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội ngày càng quá tải về hạ tầng. Trong ảnh: Đường vành đai 3 trên cao hướng về Mỹ Đình – Cầu Giấy. Ảnh: Như Ý |
Về quy hoạch, nhiều năm qua thành phố phát triển hướng vào trung tâm. Điều đó khiến cho dân số ở các quận nội thành tăng nhanh, dẫn đến những bất cập về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, úng ngập…
“Theo chủ trương, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, di dời nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện thì ưu tiên xây công trình công cộng. Thế nhưng, chúng ta chỉ làm nhà ở, dân cư tăng lên, nên thiếu cả trường học, tắc đường, ô nhiễm”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Để giải quyết những bất cập trên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, thành phố sẽ quyết tâm giãn ra bên ngoài, xây dựng các cực tăng trưởng mới. Điển hình trong đó là tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, dự kiến thành phố sẽ xây dựng một thành phố ở phía Bắc sông Hồng, gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.
Thành phố thứ hai trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hoà Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo. Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nền móng của thành phố này đã có sẵn. Cụ thể như Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia. Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về thành phố Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.
Tập trung nguồn lực cho mô hình “thành phố trong thành phố”
Bản đồ quy hoạch 5 đô thị vệ tinh |
Mô hình 2 thành phố ở phía Tây và phía Đông được giới chuyên môn đánh giá cao hơn so với Quy hoạch chung về 5 đô thị vệ tinh trước đây. Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, về lý thuyết phát triển chùm đô thị vệ tinh là tốt nhưng nếu xét tình hình thực tế của Hà Nội thì nên thực hiện trọng tâm, trọng điểm. Nếu cứ dàn trải thì đô thị vệ tinh sẽ mãi chỉ “nằm trên giấy”.
Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị (1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, 3 đô thị sinh thái).
Thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội đang lập quy hoạch 31 đồ án quy hoạch phân khu tại các đô thị vệ tinh. Trong đó, một số quy hoạch phân khu đô thị đã được ủy quyền cho các huyện, thị xã nghiên cứu lập, trình thành phố xem xét. Riêng 3 quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 quy hoạch đô thị Phú Xuyên đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt trong năm 2022.
Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị (1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, 3 đô thị sinh thái).
Đại diện Sở cũng thừa nhận, tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh nhìn chung vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Lý do được nêu ra là do nguồn vốn dành cho quy hoạch còn nhiều khó khăn.
TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để phù hợp với thực tiễn trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội cần nghiên cứu phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”, có sự điều chỉnh tính chất, chức năng của một số đô thị vệ tinh.
Việc tập trung vào 2 thành phố như 2 cực tăng trưởng cũng sẽ giúp Hà Nội giảm áp lực về nguồn lực. KTS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra quan điểm: “Cơ chế quản lý cũng cần phải được xã hội hóa và được năng động hơn bởi bộ máy kinh doanh chứ không phải bộ máy hành chính”.
Dứt khoát phải làm để giảm áp lực nội đô
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, từ những năm 2008, Hà Nội đã đặt vấn đề phát triển 7 huyện lên thành quận. Đến 2016, chủ trương từ T.Ư cho phép có mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc T.Ư. “Thủ Đức hiện là thành phố đầu tiên trên cả nước trực thuộc thành phố T.Ư. Hiện nay, Thủ Đức đang đề xuất một số chính sách đặc biệt, vượt trội chứ không phải là đặc thù nữa”, ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, hiện nay, mô hình thành phố trong thành phố tương đương như một quận, huyện, phân cấp, ủy quyền tương tự, tuy nhiên, hiện đã xuất hiện những đòi hỏi cao hơn, thậm chí độc lập với thành phố trực thuộc T.Ư. Hà Nội đang xây dựng quy hoạch 2021-2030 trong đó có nội dung về phát triển đô thị.
"Riêng đô thị Hòa Lạc, từ những năm 1998 đã đặt vấn đề xây dựng thành một thành phố về khoa học công nghệ, có những nội dung rất độc lập. Bây giờ, đặt vấn đề phát triển thành thành phố khoa học công nghệ là một định hướng đột phá, ưu tiên nguồn lực thực hiện”, ông Nghiêm nói.
Khu đô thị Hòa Lạc |
Riêng về thành phố phía Bắc sông Hồng, khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, theo ông Nghiêm, nên cân nhắc mô hình xây dựng, bởi hiện đang có định hướng đưa các huyện ở đây lên quận. Đáng chú ý, theo ông Nghiêm, một số tiêu chí lên quận ở trong đô thị trung tâm còn cao hơn tiêu chí lên thành phố. “Ví dụ, thành phố thì vẫn có ngoại thành, có tỷ lệ nông nghiệp…”, ông Nghiêm nói.
Mô hình thành phố trong thành phố tương đương như một quận, huyện, phân cấp, ủy quyền tương tự, tuy nhiên, hiện đã xuất hiện những đòi hỏi cao hơn, thậm chí độc lập với thành phố trực thuộc T.Ư
Ông Nghiêm khẳng định, xu hướng phát triển đô thị, chùm đô thị vệ tinh ở Hà Nội là đúng đắn, tuy nhiên, nên cân nhắc có 1 hay 2 thành phố trực thuộc, và cũng nên cân nhắc loại hình quận hay thành phố. Từ định hướng này, cần ưu tiên nguồn lực thực hiện, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội đi trước một bước. Phải chú ý xây dựng hệ thống quản lý, năng lực cán bộ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu khi hình thành các đô thị này.
Theo đại diện Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội, mô hình thành phố trong thành phố đã được Ban Cán sự đảng thành phố trình Thường trực Thành ủy vào đầu năm 2022. Thực chất nội dung này không mâu thuẫn với mô hình chùm đô thị vệ tinh.