Hà Nội vượt mốc 100 nghìn ca bệnh, bệnh nhân tử vong trong giới hạn kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, công tác phòng, chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 19/01/2022, thành phố ghi nhận 2.910 ca mắc COVID-19, phân bố tại 430 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (150 ca); Thanh Trì (148 ca); Gia Lâm (147 ca), Hoàng Mai (142 ca)…Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 100.170 ca.

Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch thành phố ngày 19/1, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13 đến 18/1, thành phố Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Trong đó, số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Hà Nội vượt mốc 100 nghìn ca bệnh, bệnh nhân tử vong trong giới hạn kiểm soát ảnh 1

Biểu đồ thể hiện tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội. Nguồn: CDC Hà Nội

Thành phố đang điều trị cho 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện tuyến Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%). Đến ngày 18/1, thành phố đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 được 13.785.135 mũi; tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 227.198 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 1.507.055 mũi.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế kiến nghị các địa phương cần tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành Y của thành phố và sự chủ động tại cấp quận, huyện, thị xã. Cùng với đó là triển khai hoạt động của Tổ hỗ trợ quản lý điều trị COVID-19 tại nhà.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị cần quyết tâm, điều phối công việc cụ thể, sát tình hình. Các quận, huyện, thị xã phải rốt ráo với từng số liệu cụ thể trong quản lý rủi ro, như: Số chuyển tầng, số tiêm vét vắc xin, số bệnh nhân nặng…; chỉ đạo đến từng xã, phường, thị trấn có ngay danh sách lực lượng ứng trực, từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, kèm số điện thoại, số đường dây nóng để báo cáo thành phố; danh sách người trong diện tiêm vét...

Theo Chủ tịch Hà Nội, các quận, huyện, thị xã bổ sung các trạm y tế lưu động cho địa bàn “nóng”; các túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; rà từng trường hợp tiêm vét để bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa. Cấp cơ sở cần tiếp tục có thêm nhiều kênh thông tin đa dạng để tiếp nhận, chăm sóc kịp thời cho người dân. Các sở, ngành cũng phải có ngay kịch bản, phương án chi tiết để tăng cường cho hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở đến bổ sung nhân lực cho các tổng đài hỗ trợ ở địa bàn đông dân…

Thành phố Hà Nội vừa quyết định bố trí trên 87,4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách dự phòng của thành phố để thăm, tặng quà Tết Nhâm Dần năm 2022 đối với các tổ chức, cá nhân triển khai công tác phòng chống COVID-19.

Việc thăm, tặng quà Tết Nhâm Dần năm 2022 đối với các tổ chức, cá nhân triển khai công tác phòng chống COVID-19 là thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời đối với các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch của thành phố. Nội dung này đã được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thống nhất về chủ trương.

Theo đó, thành phố sẽ thăm, tặng quà Tết Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố; các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế đang thực hiện công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Trung tâm cấp cứu 115; 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; các cơ sở thu dung, điều trị, cách ly do Thành phố thành lập; các trạm y tế xã, phường, thị trấn; cơ sở y tế ngoài công lập có đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19; công an các phường, xã, thị trấn và các đồn công an; các thôn, tổ dân phố và gần 30 nghìn cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống COVID-19.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.