Hà Nội vẫn ngổn ngang sau cơn dông lịch sử

Phong tỏa đường để di chuyển cây cổ thụ bị đổ trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Trần Hoàng.
Phong tỏa đường để di chuyển cây cổ thụ bị đổ trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Trần Hoàng.
TP - Trận dông lốc chiều tối 13/6 trên địa bàn TP Hà Nội chỉ  diễn ra trong vòng 30 phút nhưng hậu quả để lại hơn một cơn bão. Đến chiều ngày 14/6, công tác khắc phục hậu quả cơn dông vẫn đang được tiến hành khẩn trương.

Cây xanh gãy đổ ngổn ngang

Ngay sau khi trận mưa dông xảy ra, các lực lượng chức năng Hà Nội như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ Tư lệnh thủ đô, công an tại các địa bàn, nhân viên Công ty Cây xanh... đã được huy động tối đa để giải phóng hiện trường.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến 16h30 ngày 14/6, tức 24 giờ sau khi trận dông lốc quét qua Thủ đô, nhiều con đường Hà Nội vẫn ngổn ngang như vừa trải qua một cơn bão mạnh. Cành cây, dây điện, vỏ cây la liệt trên đường. Một số tuyến phố chính của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, vẫn đang được lực lượng chức năng phong tỏa để cắt cây, giải phóng đường.

Tại Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương (phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm), nơi nhà bảo vệ bị nâng lên cao so với nền đất khoảng 1 mét do cây cổ thụ bật gốc đang được khắc phục. Rất đông các lực lượng có mặt để khẩn trương cắt cành, di chuyển thân cây. Đầu phố đi vào bị chặn lại để phục vụ thi công. Đoạn Hai Bà Trưng, phía gần đường Lê Duẩn cũng được lực lượng chức năng phường chặn lại để chặt hạ cây có nguy cơ đổ.

Một số tuyến phố vẫn còn hiện tượng cây đổ tràn xuống lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông như: Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… Đặc biệt, tại tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, lượng phương tiện cuối giờ chiều bắt đầu gia tăng, tuy nhiên vẫn có 3 cây đổ rạp chiếm một phần lòng đường khiến giao thông qua khu vực này gặp nhiều khó khăn.

Cơn dông đi qua không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nó còn mang đến nhiều phiền toái cho cuộc sống của người dân. Ông Sĩ Mạnh, đường Trương Định, quận Hoàng Mai cho biết, cây đổ khiến cho gia đình mất điện nguyên cả ngày. Mất điện sinh ra mất nước, gia đình phải tạm trú tại nhà người thân trên quận Hoàn Kiếm từ trưa. Vỉa hè cũng bị cây xanh “chiếm dụng” ở hầu khắp các tuyến phố. Người đi bộ muốn đi trên vỉa hè cũng khó, mà đi xuống lòng đường cũng không xong.

Tại các công trình xây dựng, hầu hết đều trong tình trạng tan hoang, nơi thì bị bay mái tôn, nơi thì bay mất biển cảnh báo. Một số cửa hàng chịu chung tình trạng ế ẩm cả ngày. Một nhân viên tại cửa hàng số 102 B6 Phạm Ngọc Thạch cho biết, cây bật gốc ngay trước cửa nhà nên từ sáng đến giờ chỉ có 1, 2 khách tới mua đồ. Trong khi, Chủ nhật bao giờ cũng là ngày cửa hàng đắt khách nhất.

Nhiều cần cẩu gãy đổ

Ngoài cây đổ theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều trục cẩu tháp tại các công trường xây dựng dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Lê Văn Thiêm, Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển và vành đai 3 bị gãy đổ. Tại công trường xây dựng chung cư cao cấp Golden West (phường Nhân Chính quận Thanh Xuân), trục cẩu tháp tại đây có chiều cao tương đương bằng tòa nhà 10 tầng, tay cẩu bị gió quật gãy nằm vắt vào các tầng nhà đang xây dựng dở dang. Rất may khi tay cẩu bị gió bẻ gãy đã rơi vào các tầng nhà đang xây dựng, nếu rơi xuống bên dưới, hậu quả sẽ khôn lường.

Tuy không bị gãy đổ nhưng thời điểm mưa lốc chiều 13/6 đến sáng qua, trục cẩu tháp tại công trường xây dựng cạnh sân bóng Sơn Trang, đường Nguyễn Xiển đã bị gió vặn quay ra phía đường trên cao, tay cẩu nằm vất vưởng vắt qua các làn ô tô đi bên dưới. Đi dọc đường vành đai 3 đoạn từ Nguyễn Xiển đến Yên Sở, nhiều cẩu công trình và biển quảng cáo tấm lớn bị gió bẻ gẫy nằm rạp hai bên đường. Nhiều đoạn giao thông đã bị ùn tắc do các trục cẩu và cột biển báo đổ nằm chắn đường đi lại. Thời điểm 14h chiều qua, một cây xà cừ lớn đổ nằm giữa đường vẫn chưa được di chuyển khiến giao thông tại đây ùn tắc, nhiều tuyến buýt phải thay đổi lộ trình khi đi đến đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, hầu hết các tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành đều có cây bị gãy, đổ. Trong số hàng trăm cây xanh bị gãy đỗ, có nhiều cây cổ thụ đường kính lớn mất nhiều thời gian xử lý, dọn dẹp. Chỉ riêng địa bàn quận Hai Bà Trưng, theo lãnh đạo quận này thì thống kê chưa đầy đủ có 207 cây bị đổ, trong đó 50 cây cổ thụ, cả 20 phường trên địa bàn quận đều có cây gãy đổ. Đáng nói, có 2 người thiệt mạng khi di chuyển dưới trời mưa dông. Tại Công viên Thống Nhất, lãnh đạo đơn vị này cho biết, có khoảng hơn 200 cây xanh bị gãy đỗ, trong đó có nhiều cây cổ thụ, lâu năm mà chủ yếu là cây muỗng, bằng lăng, phượng, xà cừ.

MỚI - NÓNG