Hà Nội vẫn đói… rau

Hà Nội vẫn đói… rau
TPO - Sáng 2/11, người dân Hà Nội lại ruột như xát muối với cơn lốc giá cả mới. Trận mưa 3 ngày đã khiến các chợ Hà Nội thậm chí các chợ đầu mối về rau cũng trong tình trạng cháy hàng. 

Giá tăng từng … phút

Tại Hà Nội có các chợ rau họp đêm từ 12 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Các chợ này tập hợp hầu hết rau ở các vùng Thanh Trì, Đông Anh (Hà Nội) Bắc Ninh, Bắc Giang. Cung cấp lượng lớn rau cho Hà Nội và các tỉnh lân cận là các chợ rau đêm như: Mai Dịch (chủ yếu lấy rau từ Đông Anh sang), Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Long Biên, Mai Động.

Tuy nhiên không phải khi nào chợ đêm cũng cung cấp đủ rau cho Hà Nội. Điển hình là rạng sáng 2/11, hầu hết các chợ rau đêm của Hà Nội trong tình trạng cháy hàng, lượng cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng tranh cướp nhau và giá được đẩy lên với giá lên trời. Thậm chí, chợ đêm cũng bị … làm giá quá cao khiến người mua phải kêu trời.

Qua khảo sát của phóng viên, chợ đêm Long Biên cung cấp một lượng rau lớn cho Hà Nội nhưng trong đêm 1/12 thì lượng rau ít hẳn hơn mọi ngày. Thậm chí một vài loại rau như: Cần, cải cúc, cải xoong, rau cải… trở thành của hiếm.

Dù khách hàng có chấp nhận với giá cao ngất ngưởng nhưng cũng không có mà mua. Thậm chí giá cao, chấp nhận rau giập vì mưa to mấy ngày nhưng cũng ngậm ngùi không mua nổi. Chưa bao giờ Hà Nội khát rau như đêm 1/11, rạng sáng 2/11.

Chợ đêm Long Biên, Cầu Giấy Mai Dịch đến 5 giờ đã tan. Người bán thì lắc đầu vì hàng hết còn người mua thì tiếc nuối vì không mua được hàng.

Lý giải cho việc Hà Nội thiếu rau là do mưa mấy ngày quá lớn, rau bị ngập, nát và việc vận chuyển rau trở nên khó khăn. Mặt khác, mưa càng to, càng cháy hàng là điều dễ hiểu.

Giá cả vào sáng 2/11 đã có mặt bằng giá mới. Hầu hết người mua hàng đến mua gì được nấy, chạy phải nhanh và “biết” tranh cướp nhau. Điển hình giá rau được đội lên gấp đôi hoặc gấp ba của đêm hôm trước. Giá rau sôi lên sùng sục từng giờ từng phút.

Điển hình, một củ su hào giá 5 phút trước là 4.000 đồng/củ thì 5 phút sau lên đến 7.000 thậm chí 10.000 đồng. Ngoài ra,  1 kg hành tươi là 20 nghìn đồng, 1 kg rau mùi ta có giá 70 - 100 nghìn đồng, cần tây, tỏi tây có giá 40 - 70  nghìn/kg, bí đao cũng từ 10- 15 nghìn/kg… Chưa bao giờ người bán được hét giá như thế và người mua thì xuýt xoa vì mua rau mà đắt hơn mua thịt.

Khẩn trương, nhanh tay, nhanh mắt là "bài võ" cần được phát huy tác dụng để mua hàng. Không mua nhanh thì hết: “Hàng hết và giá lên nhanh như nước lên ấy, đi mua mà đông như trẩy hội, không biết tranh mua thì không thể mua nổi sáng nay” - Bà Mai, người mua rau ở chợ đêm Long Biên, ngao ngán.

Nhìn lượng hàng mới chỉ được 5 mớ rau cần, vài mớ cải xoong, ông Tài buôn rau về chợ La Thành bán không khỏi tiếc rẻ tiền xăng. Mang nhiều tiền, thậm chí chấp nhận mua đắt nhưng cũng không thể mua nổi. Với lượng hàng ít như vậy thì… chẳng ăn thua: “Mình con trai đi lấy hàng vào những ngày nay thua các bà con gái, không thể giật hàng và nhanh tay như các bà ấy được”.

Theo chị Liên ở Đông Anh thì đêm trước mưa to quá vợ chồng chị không thể mang hàng nổi sang chợ bán được. Đến đêm 2/11 thì mang được ít hơn mọi ngày. Thường thường vợ chồng chị mang được 5.000 - 7.000 củ cà rốt thì trong đêm nay chỉ mang được bằng nửa mọi khi. Chính chị cũng cho biết nhà nào nhà lấy quê chị đều… trắng bãi rau.

Có điều dễ nhận thấy là vì chợ quá hiếm hàng mà một phần nhỏ người mua nhanh nhạy thực hiện chiêu thức bán theo trao tay. Vừa mua xong loại rau nào đó nếu được đắt lên một tý là bán ngay không cần mang về chợ: “Về chợ cũng được giá thế thôi, có thể cao hơn tý nhưng chết mệt. Bán thế này lãi lờ bao nhiêu là biết ngay” - Chị Huyền mua rau ở chợ Cầu Giấy nói.

Hà Nội vẫn đói… rau ảnh 1
Mấy chục ngàn 1 mớ rau muống cũng vẫn... đắt hàng

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng

Mua được hàng đã khó, rau về chợ còn… khó bán hơn. Nguyên nhân là vì giá cao quá và người bán cứ nhìn nhau mà bán. Thậm chí người bán nhìn mặt mà bắt hình dong, giá cao đến mức chóng mặt.

Dạo qua các chợ Hà Nội, điệp khúc quen thuộc của vài hôm nay vẫn là… thiếu rau. Theo chị Loan - Chủ cửa hàng rau ở chợ Hôm, lượng rau ngày 2/11 thiếu trầm trọng hơn là do là ngày nghỉ và đặc biệt Hà Nội đã khát rau từ 3 ngày nay rồi. Vì thế giá cả tha hồ nhảy múa.

Thực sự khách hàng mua rau vào hôm nay không còn là thượng đế. Chủ hàng mặc sức thích bán cho ai thì người ấy được mua. Vì nếu không mua nhanh sẽ hết.

Bà Loan ở Minh Khai cho biết nhà có việc, ngày hôm nay đi mua rau khó hơn đi mua thịt: “Rau cải cũng khó mua, súp lơ chẳng có, tôi phải thay đổi hết các món như dự kiến". Thậm chí, có rất nhiều đám cưới ở khu vực Hoài Đức không quen không mua được rau dù đã đặt trước tiền nhưng người mua chịu không mua được.

Cô Xiêm ở chợ Dương Liễu (Hoài Đức) cho biết: Nhiều khách hàng đặt trước cũng không mua được. Thậm chí, giá 1 kg hành tươi bị đẩy lên đến 50 nghìn đồng, 1kg cà chua lên tới 40 nghìn đồng cũng chẳng có mà bán. Nhiều đám hiếu, đành làm chiêu thức một là đổi món hai là cho người ra các chợ trong trung tâm Hà Nội nhặt xỉ lấy hàng. Nhiều nơi của Hà Nội không chỉ khát rau mà còn khốn đốn vì rau. Người bán vừa quát vừa mắng vẫn… đắt hàng.

Câu hỏi đến bao giờ tình trạng Hà Nội sẽ không còn khát rau và người mua không phải mua với giá "trên trời" mà vẫn khó mua thật khó có thể trả lời. Theo như ông Hoành - Người buôn rau ở Đông Anh - thì giá rau nay mai có thể lên xuống tùy thuộc vào… ông trời: “Trời mưa tiếp thì rau… bục là cái chắc, mà trời nắng thì cũng chết”. Dù sao, người Hà Nội vẫn phải chờ… trời.

Theo khảo sát các chợ đêm của Hà Nội thì giá hàng khô vững giá, hàng củ quả nhiều hơn hàng rau.

Giá các loại thực phẩm như thịt gà, thịt lợn, tôm, mực… vẫn ở mức cao. Khảo sát qua một số chợ, chỉ có giá thực phẩm khô, đồ đông lạnh là giá không thay đổi nhiều.

Mặc trời mưa, nhiều nông dân tại khu vực Chùa Láng vẫn ra ruộng hái rau muống, họ bán buôn cũng đã 10.000 - 15.000 đồng/bó. Cả nhà được huy động để ra hái rau và rau thơm đem ra chợ bán.

Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ Mai Động, giá thịt lợn vẫn cao. Khi khách hàng thắc mắc về giá cao thì nhiều người bán hàng trả lời cụt lủn: “May ra mai mới có giá … mềm hơn”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.