Hà Nội: Thực phẩm hạ nhiệt, chuẩn bị nhiều điểm bán hàng trên xe buýt

0:00 / 0:00
0:00
Quầy thịt bò tại chợ Quán Tình (Long Biên, Hà Nội) niêm yết công khai bảng giá hằng ngày trên tấm nilong ngăn giữa người bán và người mua. Ảnh: Ngọc Mai
Quầy thịt bò tại chợ Quán Tình (Long Biên, Hà Nội) niêm yết công khai bảng giá hằng ngày trên tấm nilong ngăn giữa người bán và người mua. Ảnh: Ngọc Mai
TPO - Hà Nội bước vào đợt giãn cách thứ 2, sau nhiều ngày thực phẩm đua nhau tăng giá, hiện nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm hạ nhiệt. Hà Nội cho biết đã chuẩn bị phương án cung ứng hàng hoá và bán hàng trên xe buýt.

Tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội, ban quản lý các chợ yêu cầu các tiểu thương công khai giá niêm yết bảng giá bán hàng ngay tại quầy hàng.

Chị Thu Cúc, tiểu thương bán hải sản tại chợ Quán Tình (Long Biên, Hà Nội) cho biết, tuần trước, cá chép giảm còn 80.000 đồng/kg, tôm còn 250.000 đồng/kg… “Ban quản lý chợ yêu cầu giá phải công khai và thậm chí nhập hàng ở đâu cũng phải thông báo để ban quản lý nắm rõ”, chị Cúc nói.

Tại các quầy thịt lợn, thịt bò, gà cũng được các tiểu thương niêm yết ngay trên tấm nilong ngăn cách giữa người bán và người mua. Cụ thể, thịt ba chỉ giá 150.000 đồng, sườn: 170.000 đồng/kg; đùi nạc 117.000 đồng/kg…

Thịt bò cũng giảm giá như: mông bò có giá 250.000 đồng/kg, thăn bò 270.000 đồng/kg, bắp bò 250.000 - 270.000 đồng/kg,...

Các loại thịt gà, ngan vịt giá cũng vẫn bình ổn, đầy ắp. Gà ta nguyên lông giá từ 100.000 -120.000 đồng/kg; ngan lông khoảng 75.000 đồng/kg....

Mặt hàng rau xanh, bầu bí,… gần đây cũng đã giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg. Rau xanh các loại phổ biến từ 25.000 đồng/kg, bí xanh, bí đao, bí đỏ… từ 22.000 đồng/kg; cà chua khoảng 25.000 đồng/kg.

Mặt hàng trứng gà cũng giảm từ 6.000 đồng/quả xuống còn 4.500 đồng/quả gà ta.

Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, thịt gà đóng vỉ khá đa dạng với giá từ khoảng 50.000 đồng/nửa kg, tuỳ loại cũng được ưa chuộng; trứng gà cũng giảm giá, còn 28.000 đồng/vỉ 10 trứng.

13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng ôtô

Theo Sở Công Thương Hà Nội, có 13 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng ô tô, xe buýt.

Cụ thể, Công ty Sữa nông trại Ba Vì, Công ty Dafusa Việt Nam, Công ty Thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty Lotte Việt Nam, Công ty Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi, Công ty Aeon Việt Nam, Công ty Thực phẩm Lương An; Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong, Công ty Rau an toàn Hà Nội, Câu lạc bộ Làng nghề cốm Mễ Trì, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát.

Riêng Công ty Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe buýt bán hàng lưu động.

Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng ôtô, xe buýt sẽ bán ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế tiếp xúc, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.

Đến nay, Hà Nội có 9 quận đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến do địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả.

Để bảo đảm kết nối nguồn cung hàng hóa cho Hà Nội, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa gồm khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên), khu tái định cư- xã Tiên Dược (Sóc Sơn), ô đất trống xã Dương Xá (Gia Lâm), bến xe Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), trung tâm xúc tiến thương mại- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bắc Từ Liêm).

MỚI - NÓNG