Hà Nội thắng lớn ở cuộc thi intel isef cấp quốc gia

Hà Nội thắng lớn ở cuộc thi intel isef cấp quốc gia
Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm 2013 toàn khu vực phía Bắc diễn ra ở Hà Nội từ ngày 29 - 31/3. Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và khẩn trương, Ban giám khảo đã chọn ra được những đề tài xuất sắc nhất để trao giải.

> Vào chiến dịch ôn thi

Hai đề tài của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã xuất sắc giành giải nhất toàn cuộc.
Hai đề tài của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã xuất sắc giành giải nhất toàn cuộc..

Với khả năng vượt trội so với các địa phương còn lại, Hà Nội là đơn vị đạt được nhiều giải nhất. Đặc biệt, cả hai giải Nhất toàn cuộc thi đều được trao cho các học sinh đến từ Trường THPT Chu Văn An.

Với dự án nghiên cứu công nghệ xử lí nước thải phòng thí nghiệm bằng đá vôi và mùn cưa (lĩnh vực khoa học môi trường) và nghiên cứu sản xuất Isoflavone Aglycone từ đậu tương bằng công nghệ vi sinh (lĩnh vực vật liệu và công nghệ sinh học), hai nhóm học sinh của Trường THPT Chu Văn An đã thực sự tạo dấu ấn đối với Ban giám khảo (BGK) cuộc thi gồm các giảng viên, các nhà khoa học uy tín.

Ngoài việc đạt giải Nhất toàn cuộc, đoàn Hà Nội còn có nhiều đề tài đạt giải Nhì, giải Ba. Đối với giải ở các lĩnh vực Hà Nội cũng chiếm ưu thế. Ngoài sự xuất sắc của Hà Nội thì ở cuộc thi năm nay cho thấy các địa phương vùng khó cũng đã hướng học sinh của mình tìm đến với việc nghiên cứu khoa học (NCKH).

Các đề tài tham dự cuộc thi đều xuất phát từ những ý tưởng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. (Trong ảnh là mô phỏng đề tài mũ bảo hiểm gắn thiết bị cảnh báo an toàn).
Các đề tài tham dự cuộc thi đều xuất phát từ những ý tưởng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. (Trong ảnh là mô phỏng đề tài mũ bảo hiểm gắn thiết bị cảnh báo an toàn). .

Học sinh ngày càng hứng thú với nghiên cứu khoa học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học năm 2013 (Intel Isef 2013) khu vực phía Bắc thu hút được 23 địa phương tham gia. Trong đó có nhiều địa phương vùng khó như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lào Cai… Tổng cộng có 200 thí sinh với 94 dự án nghiên cứu thuộc 15 lĩnh vực khoa học. So với năm trước, quy mô cuộc thi đã được mở rộng hơn bởi trước đó Bộ GD-ĐT đã tổ chức phát động trong phạm vi toàn quốc.

Ngay trong lễ khai mạc cuộc thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như những người tham dự đều khá bất ngờ với sự tự tin của học sinh các vùng miền. Khi giới thiệu về đội của mình các em đều xác định đây là sân chơi dành cho những người yêu thích NCKH nhưng vẫn quyết tâm giành giải cao.

Chứng kiến điều này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: “Các em đến đây dự thi không chỉ là giao lưu học hỏi mà còn thể hiện sự quyết tâm. Qua đó cho thấy học sinh của chúng ta ngày càng chủ động và sáng tạo hơn. Bên cạnh đó, các em đều có sự tự tin cần thiết. Đây là những dấu hiệu đáng mừng”.

Học sinh tự tin trả lời những câu hỏi liên quan đến đề tài do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đặt ra.
Học sinh tự tin trả lời những câu hỏi liên quan đến đề tài do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đặt ra..

Năm nay Bộ GD-ĐT tiến hành cách thức tổ chức theo phương thức giống cuộc thi Intel Isef quốc tế. Các gian hàng được bố trí để học sinh “tiếp thị” sản phẩm để thuyết phục BGk và khách tham quan. Sau khâu này các dự án khả thi được gọi vào vòng trong để Hội đồng BGK phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh.

Một điều dễ nhận thấy, phần lớn các dự án khoa học của học sinh đều xuất phát từ những điều nhìn thấy trong cuộc sống. Chẳng hạn như, thấy việc sử dụng than tổ ong gây ô nhiễm môi trường, nhóm học sinh của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã nghĩ cách để giải quyết bằng hình thức hấp thụ bằng nước vôi trong và than hoạt tính; Thấy vấn đề ý thức đội mũ bảo hiểm còn chưa cao, một học sinh đến từ Thừa Thiên - Huế đã hướng đến giải pháp biến chiếc mũ bảo hiểm thành một thiết bị cần thiết khi ngồi lên xe máy, nếu không đội mũ thì xe không thể chạy được…

Điều gây ấn tượng ở cuộc thi này là các em học sinh hoàn toàn chủ động thuyết phục khách tham quan gian hàng. Khi gặp các câu hỏi khó các em vẫn bình tĩnh để giải thích và sẵn sàng tiếp thu để “cải tiến” đề tài của mình tốt hơn. Thâm chí ngay cả khi được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “chất vấn” đề tài, các em vẫn lưu loát “trả bài” một cách xuất sắc.

Đặc biệt hơn cả đó là cuộc thi còn xuất hiện các gương mặt đến từ cấp học THCS (lớp 9). Mặc dù chưa được học kiến thức lớp trên nhưng các em vẫn tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo các thiết bị hữu dụng trong cuộc sống.

Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, nếu thực sự không có niềm đam mê chắc chắn các em không thể hoàn thành một cách xuất sắc đến như vậy. Qua đây có thể thấy, học sinh ở cấp trung học hoàn toàn có thể làm quen được với việc NCKH nếu có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Đích đến là thay đổi phương pháp dạy học

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, so với năm ngoái thì số lượng đề tài tăng lên khá nhiều, chất lượng các đề tài thì có nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên mục tiêu của ngành hướng đến đó là việc thay đổi phương thức dạy và học trong nhà trường. Chính vì thế việc thí sinh có đạt giải hay không đạt giải thì cũng không có vấn đề gì. Tất cả các em đến dự thi đều là những người chiến thắng.

“Đây là phương pháp tổ chức dạy học mới phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ, nó cũng phù hợp với khoa học giáo dục. Cuộc thi này giúp cho chúng ta đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, quan niệm mới về chất lượng giáo dục… đồng thời nó cũng gắn với những nhiệm vụ, vấn đề của đất nước. Như chúng ta thấy, hầu hết các đề tài của các em đều gắn mới môi trường, biến đổi khí hậu…” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

Đích đến của cuộc thi không phải là giải thưởng mà nó sẽ làm thay đổi cách dạy và học trong nhà trường.
Đích đến của cuộc thi không phải là giải thưởng mà nó sẽ làm thay đổi cách dạy và học trong nhà trường..

Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, các thầy cô trong các nhà trường cần phải hiểu đặc điểm của NCKH. Còn mức độ các đề tài khác nhau là điều tất nhiên. Tuy nhiên, điều cần coi trọng đối với học sinh phổ thông là ý tưởng mới, tính sáng tạo, phong cách làm việc khoa học. Còn với điều kiện làm việc khác nhau thì chắc chắn kết quả sẽ khác nhau.

Liên quan đến việc nhiều học sinh cho rằng, khi tham dự cuộc thi các em sẽ mất nhiều thời gian nghiên cứu ảnh hưởng đến việc học chính khóa, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: “NCKH cũng là một hoạt động học tập, Bộ GD-ĐT đã có nhiều hỗ trợ để khuyến khích hoạt động này. Thí dụ như việc đổi mới phương pháp dạy học đối với bậc tiểu học, THCS là từ trải nghiệm thực tiễn và nghiên cứu của các em (phương pháp dạy học theo mô hình bàn tay nặn bột). Bên cạnh đó cách đánh giá của HS không chỉ dừng lại ở việc điểm số mà thời gian tới sẽ có nhiều hình thức đánh giá khác. Qua đó sẽ ngày càng khuyến khích được các em học sinh hơn”.

Được biết, trước đó cuộc thi Intel Isef khu vực phía Nam được tổ chức ở TPHCM từ 19 - 21/3. Tham dự cuộc thi có 11 địa phương với 46 dự án thuộc 14 lĩnh vực học. Cuộc thi phía Nam cũng đã xác định được một giải Nhất toàn cuộc.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, các đề tài được giải Nhất toàn cuộc sẽ được xem xét để lựa chọn tham dự cuộc thi quốc tế tại Mỹ vào giữa tháng 5 tới.

Theo Phạm Oanh - Nguyễn Hùng
Dân trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG