Hà Nội tăng phí lòng, hè đường: 'Chặt chém' giá trông xe, ai hưởng lợi?

Sau khi được HDND Hà Nội thông qua, phí lòng đường, hè sẽ tăng từ 1,5 đến 3 lần từ đầu năm 2018.
Sau khi được HDND Hà Nội thông qua, phí lòng đường, hè sẽ tăng từ 1,5 đến 3 lần từ đầu năm 2018.
TP - Với 100% đại biểu có mặt tán thành, chiều 5/12 HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng phí lòng, hè đường, mức cao nhất gấp 3 lần hiện nay. Thảo luận trước đó, một số đại biểu (ĐB) đặt các câu hỏi: tình trạng lấn chiếm lòng, hè đường và phí trông giữ xe tăng vô tội vạ, ai được hưởng lợi?

Chỉ tăng phí tại lòng, hè đường

Theo nghị quyết, từ đầu 2018 phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ô tô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm), tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay). Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 được tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 đồng - 60.000 đồng lên từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/m2/tháng…

Lý giải mức tăng trên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Giá trông giữ xe hiện nay chưa tiệm cận với thị trường, tình trạng thu cao hơn giá quy định vẫn diễn ra. Do vậy thành phố giao cho Sở GTVT chủ trì xây dựng phương án tăng giá trông giữ xe cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy chưa đưa ra mức tăng giá trông xe sau khi trình đề xuất tăng phí lòng, hè đường nhưng trao đổi bên lề hội nghị với PV Tiền Phong, ông Vũ Văn Viện thông tin: Từ mức phí được HĐND Hà Nội thông qua chiều 5/12, Sở GTVT sẽ tham mưu cho thành phố phương án tăng giá trông giữ xe từ 1,5 đến 2 lần. Giá trông giữ xe tại các tuyến phố lõi tại quận Hoàn Kiếm với ô tô dưới 12 chỗ: 50.000 đồng/lượt (hiện 30.000 đồng/lượt - tăng gần 2 lần); xe máy 5.000 đồng/lượt (hiện là 3.000 đồng/lượt - tăng gần 2 lần); các tuyến phố còn lại tại quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành sẽ có giá từ 40.000 đồng/lượt ô tô và 4.000 đồng/lượt xe máy…

Ông Viện cũng lưu ý với những điểm và bãi đỗ xe trong các khu chung cư, nhà cao tầng, khuôn viên các khu dân cư… không tăng phí.

Đại biểu “tố” bị chặt chém giá gửi xe

Cho ý kiến về tình trạng sử dụng lòng đường, vỉa hè hiện nay, ĐB Hoàng Huy Được (Ba Vì) nói: Công năng của lòng đường, hè phố là sử dụng cho giao thông, đi bộ. Dư luận rất bức xúc về việc sửa chữa, nâng cấp vỉa hè thời gian qua, thành phố đã mất rất nhiều tiền cho việc này, tuy nhiên nhiều đoạn vỉa hè sau khi được nâng cấp, lát mới không được sử dụng đúng mục đích. Gần đây câu chuyện nâng cấp, lát đá trên nhiều tuyến vỉa hè cũng đang thu hút sự quan tâm của dự luận. Do đó, việc thu phí để tái đầu tư cho hạ tầng là cần thiết, kể cả lát mới vỉa hè hiện nay cũng cần phải công khai, minh bạch để dân được biết, không có những nghi ngờ.

Đề cập đến tình trạng chiếm dụng lòng, hè đường và chặt chém giá trông giữ xe tại Hà Nội, ĐB Được nhắc lại vấn đề đã được ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu ra trước đây, qua thống kê 180 quán bia vỉa hè, thì hơn 150 quán có công an đứng đằng sau, tuy nhiên sự việc đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan có liên quan. “Không rõ mức phí thuê vỉa hè, giá trông giữ phương tiện tại các vị trí chiếm dụng và điểm trông xe có phí tăng cao như vậy ai sẽ là người hưởng lợi?”, ĐB Được đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng: Tăng phí và quản lý lòng, hè đường là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, không thể lấy tăng phí để giảm quản lý và ngược lại. Cùng với tăng phí, UBND thành phố phải nâng cao vai trò quản lý, chấn chỉnh bằng được tình trạng chiếm dụng lòng, hè đường và bãi xe lậu thu loạn giá. ĐB Nam thông tin, ông gửi ô tô tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng bị thu đến 100.000 đồng/lượt, có hôm cao hơn. “Vậy ai sẽ thụ hưởng các mức phí này? UBND thành phố có trực tiếp chấn chỉnh được không?”.

* Với 93% đại biểu tán thành, Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về đồ án “Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000”. Theo Giám đốc Sở QH&KT Lê Vinh, quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600 nghìn người. Đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng.

* Chiều 5/12, HĐND thành phố Hà Nội đã biểu quyết đồng ý cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố khoá 15, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.      

T.Phong - T.Hoàng

MỚI - NÓNG