Vì sao ùn ứ rác thải?
Như Tiền Phong thông tin, việc một số tuyến phố trên địa bàn quận Tây Hồ, Nam Từ Liêm mới đây bị ùn ứ rác thải do công nhân của đơn vị thu gom là Cty Công nghệ cao Minh Quân ( Cty Minh Quân) đình công. Theo tìm hiểu, Cty Minh Quân cũng là đơn vị tham gia liên danh trúng thầu thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn quận Hà Đông, nhưng để lại nhiều “điều tiếng”.
Một lãnh đạo phường thuộc quận Hà Đông chia sẻ, cả quận bức xúc việc đơn vị trúng thầu thu gom rác thải trên địa bàn nhưng hoạt động không hiệu quả. “Họ thu gom rác thải theo hợp đồng, mà do hợp đồng không ghi cụ thể, nên phế thải sinh hoạt như giường, tủ, chiếu, chậu cây cảnh… nhiều khi họ không thu gom. Nhân viên thì không bố trí đủ số lượng, phương tiện, giờ giấc không phù hợp. Họ còn chỉ chở rác mà không quét dọn chân rác…”, vị này nói.
Cuối tuần qua, tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với quận Hà Đông, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Đông hiện đang thực hiện hợp đồng dịch vụ với Cty dịch vụ môi trường đô thị Hà Đông liên danh với Cty công nghệ cao Minh Quân.
Hàng ngày khối lượng rác khoảng 390 tấn, đến ngày 31/12/2020 sẽ kết thúc hợp đồng. “Sở Xây dựng kiến nghị sắp tới thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải, quận phải rà soát lại tiêu chí để tổ chức đấu thầu. Hồ sơ mời thầu phải hết sức chặt chẽ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng và Sở Tài chính để lựa chọn được đơn vị đảm bảo năng lực”, ông Phong nói.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, phía HĐND thành phố đã giám sát nhiều về vấn đề rác thải, cũng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp thực hiện xử lý rác trên địa bàn thành phố.
“Tôi nhớ Tết năm vừa rồi, chính đoàn giám sát của HĐND thành phố phải vào cuộc giám sát ngay trong ngày theo phản ánh của báo chí về vấn đề rác thải trên địa bàn quận Hà Đông. Chúng tôi đã nêu rất rõ địa chỉ của Cty này. Sau khi làm việc mới biết do đơn vị thu gom rác là Cty Minh Quân nợ lương công nhân”, bà Hà nói.
Xem xét điều chỉnh định mức, đơn giá
Theo bà Hà, qua tìm hiểu, hiện nay, các sở, các ngành đang đề xuất thành phố xem xét đề xuất điều chỉnh lại định mức, đơn giá của việc thu gom xử lý rác thải nhưng vẫn chưa có quyết định. Trong trao đổi tại các cuộc giám sát, doanh nghiệp cũng nêu họ phải nuôi công nhân, chi phí xử lý rác, khối lượng phát sinh chưa được xác định, đơn giá chưa được điều chỉnh, thành ra doanh nghiệp thiếu tiền hoạt động, trả lương công nhân, mà thời gian kéo dài, sức nặng đè lên doanh nghiệp
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cũng cho rằng, cần phải xem xét, điều chỉnh lại việc phân cấp đấu thầu tập trung về công tác vệ sinh môi trường (Quyết định 41 của UBND thành phố). “Việc phân cấp, không chỉ riêng liên quan đến vệ sinh môi trường mà kể cả việc mua sắm tập trung từ bàn ghế, điều hòa, máy vi tính cho học sinh về không đúng chủng loại.
Hay kể cả đúng chủng loại, nhưng đơn vị trúng thầu nhiều lại không đảm bảo bảo hành được cho các nhà trường. Tôi đi các quận huyện, các đơn vị nói là bị hỏng hóc chẳng biết kêu ai sửa chữa cả. Rồi liên quan đến chiếu sáng, thay một cái bóng đèn cũng kêu lên thành phố, mà không biết bao nhiêu ngày mới được thay. Rồi vấn đề cây xanh, chúng ta cắt tỉa thế nào và cắt tỉa bao nhiêu, khi nào thì cắt tỉa”. Theo bà Hà, qua các cuộc giám sát, nhiều quận huyện đã góp ý, phản ánh, nhưng nếu ký văn bản, đóng dấu thì họ lại “rất ngại”.
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhiều lần nói về vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Ông Huệ nói rằng, riêng vấn đề rác thải, thành phố sẽ xử lý triệt để, bền vững, cơ bản từng việc để rút kinh nghiệm cho việc khác. Thành phố sẽ giao thanh tra, kiểm tra vào cuộc, có sai phạm phải xử lý nghiêm, công khai, minh bạch để người dân biết.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, qua các cuộc giám sát, nhiều quận huyện đã góp ý, phản ánh ( về những bất cập của đấu thầu tập trung theo Quyết định 41 của UBND TP), nhưng nếu ký văn bản, đóng dấu thì họ lại “rất ngại”.