Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây

Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây
TP - “Tiết lộ” của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi về phương án phát triển, mở rộng Hà Nội về phía tây và tỉnh Hà Tây làm cả hội trường kỳ họp HĐND TP xôn xao tại phiên chất vấn sáng 6/12.
Hà Nội sẽ mở rộng về phía Tây ảnh 1
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao

Phần giải trình về các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang đất đai  gây lãng phí  tới gần 11.900 ha của Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đầu phiên chất vấn làm nhiều đại biểu thất vọng.

Theo ông Khanh, việc xử lý các chủ đầu tư này sẽ theo đúng các văn bản luật. Đại biểu Phạm Thị Loan hỏi: Với những dự án phải thu hồi, thành phố sẽ có phương thức chuyển chủ đầu tư mới như thế nào? “Việc này được thực hiện đúng luật, hướng giải quyết là tiến hành đấu thầu. Đại biểu nào còn quan tâm, mời gặp tôi trao đổi cụ thể”- Ông Khanh trả lời.

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng hỏi: “Nhiều chủ đầu tư xin bằng được dự án, sau đó lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Liệu có phải là tiêu cực?”. Ông Khanh không trả lời thẳng vào câu hỏi khi nói: Thành phố sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh các dự án. 

Còn việc thu hồi đất cũng rất khó vì dự án không chỉ liên quan đến chủ đầu tư, mà còn phải tính đến lợi ích người lao động và người đã đầu tư trên khu đất đó(!). Do vậy, phải có thời hạn nhất định để giúp các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn.

“Nếu vì chủ quan thì thu hồi ngay, nhưng nếu vì khách quan thì phải cho chủ đầu tư cơ hội”-Ông Khanh nói. Đại biểu Chử Ngọc Tuất thất vọng: “Phải nói rõ vì sao để đất hoang hóa? Năm nay, biểu quyết giao hàng nghìn ha cho chủ đầu tư liệu có rơi vào tình trạng hiện nay không?”.

Có đại biểu đề nghị làm rõ đã thu hồi được bao nhiêu đất trên thực tế, mà không phải chỉ là báo cáo trên giấy; vấn đề giải quyết quy hoạch treo tại những dự án cụ thể như đường Ngô Gia Tự (treo hơn 10 năm)... Tuy nhiên, phần trả lời của Phó Chủ tịch Khanh về những vấn đề này không làm đại biểu hài lòng.

“Nóng” từ “Thành phố sông Hồng” đến… vỉa hè

Về dự án thành phố hai bên sông Hồng, đại biểu Phạm Thị Thành chất vấn: Các nhà khoa học, kiến trúc sư rất quan tâm đến dự án lớn này, nó ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể Thủ đô. Văn phòng Chính phủ đã có 2 công văn cho Hà Nội nhưng không thấy thành phố nói gì?

“Dự án sông Hồng vừa qua chỉ là báo cáo khoa học. Trên cơ sở đó, thành phố nghiên cứu đưa vào điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Dự án được thẩm định theo đúng quy định, có tham khảo ý kiến chuyên gia, từ đó có thể triển khai một số dự án”- Ông Khôi trả lời.

Bà Thành phản bác ngay, “Phó Chủ tịch nói đã lấy ý kiến chuyên gia, nhưng nhiều kiến trúc sư nói với tôi là họ chỉ được hỏi ý kiến khi thành phố đã quyết xong mọi việc”.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Trọng Hanh bức xúc: “Thành phố tổ chức triển lãm, hội thảo nhưng thể chế không có, không tuân theo quy trình, không đúng thẩm quyền phê duyệt. Vậy ai chịu trách nhiệm ký kết, trong khi tiền là của dân?”.

Đại biểu Phạm Thị Loan lại có một lo ngại khác: “Thành phố 2 bên sông có làm thay đổi trung tâm thủ đô từ Hồ Gươm thành lòng sông Hồng hay không và có theo đúng phong thủy không? Một dự án mà hết Nhật đến Hàn Quốc làm dự án, nếu có một nhà thầu khác xin làm thì sao?”.

Phó Chủ tịch Khôi lúng túng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu!”. Vấn đề thành phố sông Hồng sẽ được nghiên cứu gắn với điều chỉnh quy hoạch vùng và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, ông Khôi hứa hẹn.

Phần trả lời về vấn nạn giao thông Thủ đô sáng qua được Giám đốc CA TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh trả lời khá trôi chảy. Ông Nhanh báo động nạn vi phạm trật tự giao thông năm 2007 quá lớn, tới nửa triệu lượt người; 78 tuyến đường ách tắc thường xuyên. Vì vậy, thành phố nên sớm sửa những quy định bất hợp lý, còn giảm phương tiện cá nhân cần phải có một lộ trình dài.

Giữ lại 5 công trình tại Vườn thú theo quy hoạch

Trả lời về việc xử lý sai phạm tại Vườn thú, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết: 11 hợp đồng Vườn thú ký với các đối tác là vô hiệu. Thành phố đề nghị hủy ngay các hợp đồng này.

Việc xử lý công trình sai phạm: vừa qua thành phố đã phân loại xử lý 6 công trình (3 công trình tự tháo dỡ, còn lại quận Ba Đình sẽ cưỡng chế). 5 công trình còn lại, thành phố giao Sở QH-KT, Vườn thú nghiên cứu, hoàn chỉnh quy hoạch, có thể giữ lại để sử dụng, nếu phù hợp.

MỚI - NÓNG