<FONT face=Tahoma>Dự án thoát nước giai đoạn 2</FONT>

Hà Nội sắp triển khai dự án thoát nước giai đoạn hai

Hà Nội sắp triển khai dự án thoát nước giai đoạn hai
TP - Trong cuộc họp sau trận ngập lịch sử  tại Hà Nội ngày 8/11, Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội đánh giá, dự án thoát nước giai đoạn 1 đã phát huy hiệu quả, giai đoạn 2 sẽ được triển khai vào trung tuần tháng 11 này.

Trả lời câu hỏi của các PV về việc dự án được phê duyệt có ghi giai đoạn thực hiện (1995-2000) song phải đến năm 2005, dự án giai đoạn 1 mới hoàn thành, đại diện của Ban Quản lý Dự án cho biết: Dự án sử dụng vốn vay của Nhật Bản nên ngoài những ràng buộc của luật pháp Việt Nam thì còn phải thực hiện các quy định của phía cho vay.

Vì vậy, mặc dù được phê duyệt từ năm 1995 nhưng phải đến tháng 2/1998, gói thầu đầu tiên của dự án mới được khởi công xây dựng. “Chúng tôi phải mất gần 3 năm chuẩn bị cho đến thời điểm dự án được khởi công vì phải qua rất nhiều thủ tục”- ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước nói.

Và không chỉ vậy, theo dự kiến, từ khi khởi công gói thầu đầu tiên đến khi hoàn thành toàn bộ dự án giai đoạn 1 mất 5 năm, song trên thực tế, quá trình thi công đã kéo dài thêm 2 năm nữa. Phải đến năm 2005 dự án mới hoàn thành. Ngoài nguyên nhân “thủ tục”, ông Hùng cho biết việc chậm còn có nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án thoát nước giai đoạn 2 cũng đang rơi vào lối mòn trên. Dù được thành phố cho chuẩn bị từ năm 2002 nhưng phía cho vay không chấp thuận. Và mãi đến năm 2005 họ mới “ bật đèn xanh”. Kể từ đó đến ngày khởi công gói thầu đầu tiên (tháng 11/2008) cũng mất... 3 năm.

Ông Hùng cho biết, rút kinh nghiệm giai đoạn 1, lần này, Ban Quản lý Dự án chủ động tiến hành các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng trước. Giai đoạn 2 của dự án sẽ thu hồi khoảng 242ha đất và ảnh hưởng đến 6.100 hộ dân.

Trả lời câu hỏi về việc dư luận cho rằng dự án thoát nước không phát huy hiệu quả, ông Hùng cho biết, để đánh giá hiệu quả dự án trước hết phải căn cứ vào quy hoạch và các chỉ tiêu mà dự án đặt ra.

Có còn lo thiếu vốn?

Dự án thoát nước giai đoạn 2

Tổng mức đầu tư 370 triệu USD, mục tiêu đảm bảo thoát nước với những trận mưa 310mm/2 ngày. Thực hiện dự án từ 2008 đến hết năm 2011.

Các hạng mục chính: Nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90m3/s; cải tạo 27km kênh thoát nước;

cải tạo 10 hồ: Hào Nam, Đống Đa, Phương Liệt, Khương Trung 1,2, Hố Mẻ và Tân Mai, hồ Đầm Chuối và Hạ Đình;

cải tạo xây dựng 18km cống; cải tạo hồ điều hoà Linh Đàm; xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu, xây dựng 30km đường công vụ; mua sắm thiêt bị...

Theo quyết định phê duyệt dự án thoát nước giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 370 triệu USD (trên 6.300 tỷ đồng). Trong đó vốn vay là 76%, vốn đối ứng 24%. Với số vốn lớn như vậy, đặc biệt là phần vốn đối ứng của thành phố Hà Nội khoảng 1.500 tỷ đồng, liệu dự án này còn có gặp khó khăn về vốn dẫn đến tiến độ dự án bị chậm?

Ông Hùng cho biết, việc ký kết hiệp định xong, có nghĩa là phía cho vay đã sẵn sàng về vốn. Về phía Hà Nội,  thành phố sẽ thu xếp vốn tốt để thực hiện dự án. “ Riêng về vốn cho dự án, không có gì phải lo ngại”- ông Hùng khẳng định.

Theo quyết định quy hoạch thoát nước Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, để thực hiện quy hoạch này cần 1,2 tỷ USD, vậy đến bao giờ Hà Nội sẽ thực hiện hết số vốn cần thiết này?

Theo Ban Quản lý Dự án thoát nước thì đây là số vốn xác định khi phê duyệt quy hoạch, còn thực hiện đến đâu thì tuỳ các dự án cụ thể. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có hai dự án với số vốn khoảng 550 triệu USD.

Mục tiêu của dự án giai đoạn II là đảm bảo thoát nước cho Hà Nội với những trận mưa 310mm/hai ngày. Tuy nhiên, với những trận mưa lớn như vừa qua, Hà Nội sẽ vẫn không thể tránh được ngập ngay cả khi 550 triệu USD được đầu tư cho thoát nước.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2 của dự án cũng mới chỉ tập trung vào thoát nước sông Tô Lịch mà chưa hề triển khai thoát nước cho lưu vực sông Nhuệ vì lý do đó, tình trạng thoát nước của các khu đô thị phía tây, tây nam Hà Nội vẫn chưa được cải thiện và phải phụ thuộc vào sông Nhuệ.  

MỚI - NÓNG