Có 4 đến 5 khu xử lý chất thải nguy hại
Đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết, hiện việc xử lý dầu thải đang được thực hiện theo Thông tư số 36 năm 2015 của Bộ TN-MT. Theo đó, đối với cơ sở có sản sinh ra CTNH trong đó có dầu thải, thùng đựng sơn, pin, bình ắc quy hoạt động thường xuyên từ một năm và với chất thải có khối lượng từ 600 kg/năm trở lên phải đăng ký chủ nguồn thải với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TN-MT; Cùng với đó, phải ký hợp đồng với đơn vị chuyên thu gom, vận chuyển CTNH được cấp phép để chở đến các khu xử lý được quy định.
Qua thống kê, trên địa bàn thành phố hiện nay có khoảng 4 đến 5 khu xử lý CTNH và khoảng 10 cơ sở thu gom, vận chuyển được Bộ TN-MT cấp phép. “Với đơn vị được cấp phép thu gom, chuyển chở CTNH thì xe chuyên chở phải được gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS), có biểu đồ điểm thu gom tập kết và chở đến theo lộ trình được thiết lập sẵn. Khi vận chuyển các CTNH, phương tiện chuyên chở không được đi sai trình này”, đại diện Sở TN-MT Hà Nội thông tin.
Đánh giá về việc một số xe tải chở dầu thải từ tỉnh Phú Thọ về tỉnh Hưng Yên, sau đó lại chở lên tỉnh Hòa Bình (khu vực đầu nguồn nước sông Đà đổ) vừa qua xả thải, đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho rằng, nếu đây là các xe được cấp phép chuyên chở CTNH và mang biển kiểm soát tại một tỉnh nhưng đi theo lộ trình vượt qua nhiều địa phương như vậy là vi phạm quy định.
Vi phạm này được thể hiện ở chỗ chở CTNH đi với quãng đường quá dài - tiềm ẩn rủi ro cho môi trường; chạy sai lộ trình, nếu cơ quan quản lý kiểm soát theo quy định thì chưa cần lực lượng chốt trực trên các tuyến đường mà chỉ cần ngồi theo dõi qua GPS cũng xác định được các xe này vi phạm và có thể thông báo để xử lý “nóng” được.
Đề cập việc quản lý CTNH tại Hà Nội hiện nay, đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết, toàn bộ cơ sở thu gom, xử lý CTNH hiện nay đều do Bộ TN-MT cấp phép. Qua công tác giám sát nếu thấy cơ sở nào vi phạm và xin ý kiến hoặc được Bộ TN-MT thông báo thì Sở TN-MT Hà Nội mới có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.
Đại diện Sở TN-MT Hà Nội cho biết Hà Nội không được chia sẻ dữ liệu giám sát, quản lý công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH mà dữ liệu này do Bộ TN-MT đảm nhiệm. Trước vụ đổ trộm dầu thải tại đầu nguồn nước sông Đà tại Hà Nội cũng xảy ra vụ một xe tải chở CTNH từ Hải Phòng về địa phận huyện Chương Mỹ đổ trộm. Khi đại diện Sở TN-MT Hà Nội nhận được thông báo, tiến hành kiểm tra thì xe này đã đổ và chôn lấp xong rồi.
206 cơ sở có chất thải nguy hại chưa báo cáo
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về số lượng các cơ sở có CTNH và thực trạng xử lý theo quy định hiện nay, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường - Sở TN&MT Hà Nội cho biết, năm 2018 có 620 cơ sở có CTNH gửi báo cáo định kỳ theo quy định với Sở TN-MT. Tuy nhiên, năm 2019 mặc dù đã quá hạn định kỳ, qua 6 tháng đầu năm mới có 414 cơ sở nộp báo cáo, còn hơn 200 cơ sở so với năm 2018 chưa nộp báo cáo.
Đánh giá về công tác thải và xử lý CTNH tại Hà Nội hiện nay, ông Thái cho rằng, thực tế qua quá trình kiểm tra, hoạt động quản lý CTNH tại một số cơ sở vẫn còn nhiều bất cập và chưa đúng quy định tại Thông tư số 36, kể cả một số cơ sở đã được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải, trong đó các cơ sở quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
Đối với các cơ sở không thuộc diện bắt buộc phải lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, việc nhận thức và hoạt động quản lý CTNH trên địa bàn còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH với đơn vị không có giấy phép của cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường cấp hoặc không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển…
“Ngoài ra ở một số cơ sở còn xảy ra tình trạng người dân tự ý tái chế chất thải làm thành các sản phẩm nhựa, chưng cất dầu thải; lén lút thu gom các loại can, thùng (bằng nhựa, kim loại) dính CTNH đem bán. Bên cạnh đó, CTNH (bóng đèn neon, pin, hộp dính sơn, dầu..) được thu gom và xử lý chung với rác thải sinh hoạt; việc lưu giữ CTNH kém, gây rò rỉ các chất thải độc hại ra môi trường”, ông Thái thông tin.
Ông Thái cũng cho biết, việc phân loại CTNH theo từng danh mục, mã CTNH gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý, xử lý tiêu hủy CTNH và thực tế là không hiệu quả. Ví dụ: Việc phân loại danh mục CTNH theo từng mã (các loại dầu thải,...) của chủ nguồn thải rất phức tạp tuy nhiên đến khi bàn giao CTNH cho chủ hành nghề quản lý CTNH thì quá trình vận chuyển, xử lý CTNH không đảm bảo, các loại dầu trộn lẫn với nhau để xử lý theo cùng một phương pháp mà đơn vị xử lý, tiêu hủy được cấp phép (đốt, tái chế thành mỡ...).
Để thực hiện tốt công tác quản lý CTNH trong thời gian tới, ông Thái đề nghị, Bộ TN-MT cần chia sẻ thông tin về các cơ sở được cấp phép xử lý CTNH trên địa bàn thành phố Hà Nội với Sở TN-MT; ban hành phần mềm quản lý CTNH hoàn chỉnh; phần mềm quản lý CTNH được đưa vào sử dụng sẽ giúp cho công tác quản lý CTNH được nhanh chóng và thuận tiện giúp cho cơ quan quản lý CTNH, chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, xử lý CTNH tiết kiệm được thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả quản lý CTNH.
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN-MT Hà Nội) đề xuất phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung danh mục chất thải nguy hại cho phù hợp với thực tế; Yêu cầu các chủ xử lý chất thải nguy hại nghiêm túc chấp hành các quy định về việc lắp đặt thiết bị định vị GPS đối với phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại , cung cấp, kết nối thông tin dữ liệu GPS cho Sở NT-MT địa phương - nơi có đơn vị chuyển giao chất thải nguy hại để cùng giám sát, quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn, tránh tình trạng CTNH bị đổ trộm.