Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng chục chuyên gia, nhà quản lý về văn hóa có dịp góp tiếng nói sâu sắc về văn hóa Hà Nội, tại hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại do thành phố Hà Nội tổ chức ngày 21/3. Các chuyên gia thống nhất quan điểm: Hà Nội phải dẫn đầu cả nước về văn hóa, là nơi hội tụ tinh hoa, anh tài.

Mỏ vàng từ di sản

Đông đảo nhà khoa học, chuyên gia tập trung trao đổi ý kiến, đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp giúp cho thành phố Hà Nội phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kỳ vọng, các chuyên gia tiếp tục làm rõ các giá trị văn hóa Hà Nội, hiến kế để phát huy kho tàng di sản của Thủ đô.

Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa ảnh 1

Hoàng thành Thăng Long phải được kết nối với các di tích, di sản để tăng sức hấp dẫn

Để nhận diện tài nguyên văn hóa của Hà Nội, nhiều đại biểu khẳng định Thủ đô sở hữu kho di sản văn hóa đồ sộ. Hà Nội từ sau mở rộng địa giới 2008 trở thành đô thị có diện tích lớn nhất nước, đô thị có quá trình phát triển lâu dài đã là nơi quy tụ quỹ di sản đô thị đa dạng và lớn nhất nước về số lượng, bao gồm gần 6.000 di sản văn hóa vật thể và gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam khẳng định, các di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội vẫn tiếp tục được nghiên cứu, giá trị của di sản ngày càng được đề cao. Chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long đáp ứng yêu cầu của UNESCO “di sản phải được sống giữa cộng đồng, cộng đồng phải được thực hành và hưởng thụ di sản”.

Bên cạnh đề xuất khôi phục Điện Kính Thiên, Hà Nội nên có những giải pháp kết nối Hoàng thành Thăng Long với các điểm di tích của Hà Nội như khu phố cổ, “Thăng Long tứ trấn”, cầu Long Biên. TS Nguyễn Văn Sơn kiến nghị thành phố nên chú ý thêm những di tích khác, trong đó có Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh).

Không thể chỉ quan tâm di tích mà bỏ quên việc khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đề cập vấn đề phục hưng các lễ hội truyền thống của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. “Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 1.206 lễ hội. Như vậy, có thể thấy tiềm năng lễ hội truyền thống của Hà Nội rất phong phú, hầu hết các di tích đều có lễ hội được tổ chức tại đó”, GS.TS Lê Hồng Lý phân tích.

“Với số lượng du khách đông đảo, sự phục hưng các lễ hội và những hoạt động dịch vụ của lễ hội là mỏ vàng cho các nhà kinh doanh. Không ngạc nhiên khi tất cả các lễ hội truyền thống ở Hà Nội đang cố gắng duy trì những giá trị vốn có của lễ hội, đồng thời khai thác triệt để hơn những gì bị quên lãng hay mai một. Sự phát triển của lễ hội truyền thống là nguồn lực dồi dào để phát triển du lịch trong nước và quốc tế”, GS.TS Lê Hồng Lý phát biểu.

Dẫn đầu công nghiệp văn hóa

Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa ảnh 2

Các chuyên gia dự hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại hiến kế cho Hà Nội. Ảnh: KỲ SƠN

Với kho tàng di sản đồ sộ, Hà Nội sở hữu những tiềm năng lớn để dẫn đầu cả nước về công nghiệp văn hóa. Vì thế PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia khẳng định, Hà Nội chỉ có thể dẫn đầu cả nước bằng văn hóa. Tuy nhiên, ông nêu thực trạng Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa mang tầm cỡ quốc tế trong khi Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, Huế có festival tầm thế giới, Quảng Ninh có Carnaval Hạ Long. Ông cho rằng thành phố Hà Nội chưa tạo được sự cân bằng và khái quát hết tiềm năng tài nguyên văn hóa, một số nơi có thái độ ứng xử chưa thỏa đáng với tài nguyên, tài sản quý giá cha ông đã trao.

So sánh sông Tô Lịch và sông cổ của Seoul, PGS.TS Đặng Văn Bài chỉ ra, trong khi dòng sông cổ của Seoul trở thành điểm du lịch hấp dẫn, sông Tô Lịch lại là “điểm đen” đô thị. “Tây Hồ có làng đào Nhật Tân nổi tiếng cả nước lại được đẩy ra phía bên ngoài… Đó là sự lãng phí tài nguyên”, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu.

Để phát huy tiềm năng sẵn có của Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất thành phố cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng.

Việc tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nên ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng, tạo sinh kế cho cộng đồng thông qua các dịch vụ văn hóa do cộng đồng tự sáng tạo và quản lý.

Phát huy chủ thể sáng tạo

Phát biểu tổng kết hội thảo khoa học, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, hội thảo không chỉ là dịp nhìn lại về văn hóa Hà Nội mà còn vừa mang tính tổng kết lý luận, vừa phục vụ quá trình lãnh đạo xây dựng Thủ đô, ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

Ông gợi mở một số giải pháp chính để xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành nơi hội tụ tinh hoa, phát sáng hiền tài, khai phóng trí tuệ, tiến cùng thời đại; đề xuất rà soát lại các điểm nghẽn, tìm lý do Hà Nội chưa phát triển đúng với tiềm năng.

NGỌC ÁNH

MỚI - NÓNG