Hà Nội "nóng" sốt xuất huyết do nhiều người tự làm bác sỹ

Hà Nội đang là điểm nóng SXH với số bệnh nhân mắc SXH lên tới gần 9000 trường hợp. Ảnh: Như Ý
Hà Nội đang là điểm nóng SXH với số bệnh nhân mắc SXH lên tới gần 9000 trường hợp. Ảnh: Như Ý
TPO - Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận gần 9.000 ca mắc SXH, 5 người tử vong khiến địa phương này đang trở thành một trong những "điểm nóng" của SXH. Điều đáng báo động là khá nhiều trường hợp nhập viện với diễn biến nặng do tự điều trị sai cách hoặc không tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn của BS.

Theo các bác sĩ, một sai lầm hay gặp ở bệnh nhân SXH là nhiều người tự ý điều trị, chỉ đến khi người mệt li bì mới vào viện thì bệnh đã trở nặng. Trường hợp bệnh nhân Tạ Quang B (Hoàng Mai, Hà Nội) đang điều trị tại BV Thanh Nhàn là một ví dụ điển hình. Các bác sĩ cho biết, anh B. tự uống kháng sinh và hạ sốt tại nhà và đã phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện hiện xuất huyết chân răng, men gan cao bất thường, tiểu cầu giảm…

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân SXH nhập viện trong tình trạng nặng, có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị căn bệnh này như: Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập; Hạ sốt bằng aspirin và ibuprofen gây  tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.; Truyền dịch tại nhà có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp; Dùng kháng sinh trị SXH…

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc tự ý truyền dịch rất nguy hiểm, bệnh nhân chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế tiến hành truyền. “Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp...”.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi người dân cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống bệnh SXH, cụ thể như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...

3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

MỚI - NÓNG