Hà Nội: Những ngày tới vẫn có mưa vừa, mưa to

Hà Nội: Những ngày tới vẫn có mưa vừa, mưa to
TP - Đợt mưa kéo dài 3 ngày qua được khẳng định là lịch sử nhưng các chuyên gia cũng nhận định giai đoạn dữ dội nhất đã qua và khó có thể lặp lại ít nhất là trong mùa khô năm nay.

Về tình hình thời tiết và thủy văn mấy ngày tới, TS Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng & Thủy văn T.Ư (DBKTTV) - nhận định: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ mấy ngày tới vẫn có thể có mưa vừa đến mưa to, tức từ 30 - 50 mm trong khi các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình có thể có mưa to đến rất to, tức từ 50 - 100 mm.

Riêng khu vực Hà Nội, mưa to hôm qua, khoảng 60 mm, có thể kéo dài sang hôm nay, thứ Hai 3/11, nhưng hầu như khó có thể xảy ra mưa như trút mấy ngày trước đó.

Trận “đại hồng thủy” ở Hà Nội có thể đã qua song thời gian thoát nước ở các nơi ngập úng của Hà Nội, vẫn theo TS Nguyễn Lan Châu, phải mất vài ba ngày do hệ thống các sông tiêu thoát nước ở khắp nơi vẫn đầy ứ, tốc độ thoát nước khó có thể được cải thiện mặc dù được hỗ trợ bởi hệ thống bơm cưỡng bức vốn không phải được thiết kế để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp như hiện nay.

Hệ thống hồ điều hòa Yên Sở, đầu mối tiêu thoát nước chính của thủ đô ội, bị quá tải về lượng nước đổ về. Toàn bộ 11 tổ máy bơm thường trực cộng với sáu máy bơm khẩn cấp hoạt động hết công suất, mỗi giây bơm được hơn 40 m3.

Từ đêm hôm kia đến hết ngày hôm qua, các trạm bơm Yên Sở bơm ra sông Hồng được hơn 2 triệu m3. Lượng mưa đổ về hệ thống hồ Yên Sở mấy ngày vừa qua là hơn 20 triệu m3. Như vậy, ít nhất một tuần nữa mới có thể giải quyết triệt để tình trạng ngập úng hiện tại ở Hà Nội.

Hệ thống năm hồ chứa và điều tiết nước ở Yên Sở chỉ đủ sức chứa 4,2 triệu m3 nước trong khi, trên thực tế, lượng nước đổ về đây kể từ ngày 31/10 nhiều gấp 5 lần trong vòng có 3 ngày.

Mực nước hiện tại cao hơn mực nước thiết kế của các hồ là 1,3 m. Các trạm bơm, trạm biến áp và nhà điều hành đều nằm dưới mực nước hồ. Các lớp cát bao xung quanh được gia cố thường xuyên nhưng vẫn có nguy cơ bị vỡ.

Ông Trần Trọng Văn – Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội – trấn an, tình hình đến thời điểm này đang nằm trong tầm kiểm soát. Các địa phương như Hà Nội và Hà Nam được yêu cầu không bơm nước vào sông Nhuệ để sông này chuyên làm nhiệm vụ thoát nước cho Hà Nội từ các hướng khác đổ về.

Hà Nội: Những ngày tới vẫn có mưa vừa, mưa to ảnh 1
Mỗi lần có xe tải chạy qua tạo nên những con sóng cao gần 2m trên đường Giải Phóng Ảnh: Minh Thùy

Đợt mưa lịch sử

TS Nguyễn Lan Châu một lần nữa khẳng định đây là đợt mưa hiếm có trong lịch sử xét trên diện rộng chứ không chỉ giới hạn ở Hà Nội.

“Trận mưa ở Hà Nôi năm 1984 diễn ra trong vòng 27 giờ, từ mùng 9 - 10/11, và lượng mưa đo được là 561 mm - TS Châu nói - Hồi đó cũng chỉ có Hà Nội mưa to như vậy”.

Đợt mưa năm nay lập lại hai kỷ lục của trận mưa ở Hà Nội năm 1984. Đấy là kỷ lục về lượng mưa và kỷ lục về thời gian muộn, qua mùa mưa bão nửa tháng mà vẫn xảy ra mưa trái mùa.

Tuy nhiên, đợt mưa năm nay lập nhiều kỷ lục mới. Thứ nhất, mưa to đến rất to trên diện rộng chứ không chỉ bó hẹp ở Hà Nội, làm chết và mất tích 49 người trong đó có 18 người ở Hà Nội. Tổng lượng mưa liên tục trong 3 ngày của Hà Nội là 550 mm.

Tại Hà Đông, lượng mưa của riêng ngày 31/10 đã là 514 mm và cả ba ngày là 770 mm. Đợt mưa lụt lịch sử này đã làm hỗn loạn và tê liệt giao thông tại Hà Nội, thực sự gây choáng váng và khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Cùng với thành phố Vĩnh Yên ở tỉnh Vĩnh Phúc, lượng mưa ở Hà Đông được xem là lớn nhất trong lịch sử quan trắc của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trên địa bàn.

Thứ hai, nguyên nhân gây mưa được xem là kỳ dị hơn so với nguyên nhân gây mưa lịch sử ở Hà Nội năm 1984. “Hồi đó, mưa to bị gây ra không chỉ bởi đới gió đông nam mà còn có sự kết hợp của bão - TS Châu nói tiếp - Nhưng năm nay, chỉ hội tụ đới gió đông nam gây ra đợt mưa không những cực to mà còn trên diện quá rộng”.

Đới gió đông năm ngoái từng gây mưa to lũ lớn ở các tỉnh miền Trung với lượng mưa 300 mm. Lần này, dải hội tụ đới gió đông nam di chuyển nhanh từ miền Trung ra Bắc.

“Chúng tôi thấy hướng di chuyển của nó rất rõ trên ảnh vệ tinh. Chúng tồn tại từ tầng thấp đến tầng cao, rất dày. - TS Châu nói - Di chuyển lên phía Bắc, kết hợp với nhiều yếu tố khác ở miền Bắc, hậu quả là xảy ra mưa to kỷ lục”.

Không thể lường trước

Được hỏi có hay không việc Trung tâm DBKTTV bị động về đợt mưa bất thường này, TS Châu cho rằng điều đó không đúng. Nhưng mức độ khốc liệt của đợt mưa, nhà quản lý 20 năm chuyên về thủy văn thừa nhận, không thể lường trước được.

“Trận mưa vừa qua đúng là lớn hơn tới mấy lần mức dự báo mưa rất to mà chúng tôi đưa ra. Theo quy định quốc tế, lượng mưa từ 100 mm trở lên được gọi là mưa rất to”. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, vẫn theo TS Châu, dự báo mưa thường khó hơn rất nhiều so với dự báo bão mặc dù dự báo bão vốn cũng đã cực khó.

“Bão là một khối di chuyển có nguyên nhân hình thành rất rõ. Còn mưa là một hiện tượng vật lý phức tạp hơn nhiều, chịu tác động của nhiều hình thế và yếu tố địa hình mang tính địa phương. Dự báo định lượng, nhất là dự báo tại một địa điểm và ở các thời điểm cực trị, thời điểm trái mùa, còn khó hơn nữa” – Ông Châu nói.

TS Châu cho biết hệ thống khí tượng thủy văn cả nước với trên 500 trạm đo mưa mấy ngày qua hoạt động liên tục, cập nhật lượng mưa mỗi giờ một lần thay vì 6 giờ một lần như lúc bình thường. 

Gió mùa đông bắc làm giảm mưa ở Bắc Bộ

Gió mùa đông bắc tràn về khiến Bắc Bộ mưa giảm đáng kể trong khi ở Trung Bộ ngược lại, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Lượng mưa ở các địa phương phổ biến từ 20 - 70 mm, một số điểm có mưa lớn hơn như TP Hải Dương 170 mm, TX Sầm Sơn (Thanh Hóa) 260 mm; có lúc đã có nắng. Đến chiều, gió mùa đông bắc tràn qua hầu hết khu vực đồng bằng trung du Bắc Bộ.

Gió đông nam gây mưa lớn những ngày qua suy yếu hoàn toàn và được thay bằng gió đông bắc khô hơn. Ở Bắc Bộ, ngoài vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc còn có mưa khá trong 2 - 3 ngày tới, các nơi khác chỉ còn mưa rào vào đêm mồng 2, sáng mồng 3/11, sau đó mưa chấm dứt.

Ngược lại, ở Trung Bộ do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, mưa sẽ tăng dần trong những ngày tới, rải rác có mưa vừa, mưa to.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.