Hà Nội: Người dân chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Nội yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê không mở cửa khi chưa có quyết định của thành phố
Thành phố Hà Nội yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê không mở cửa khi chưa có quyết định của thành phố
TPO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người dân không mở cửa kinh doanh ăn uống, cà phê khi chưa có quyết định của thành phố; không tụ tập buôn bán chợ cóc, chợ tạm; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 5 của UBND thành phố.

Theo thông báo kết luận, liên quan đến nhiệm vụ trọng tâm tháng 6, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí, nỗ lực cao nhất quyết tâm chiến đấu chiến thắng dịch bệnh COVID-19, cùng hiệp đồng trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng của thành phố trong mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong các phương án, kế hoạch phòng chống dịch đã đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong tháng qua, cơ bản các đơn vị, chủ kinh doanh, người dân đã thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố. Tuy nhiên, sau khi thành phố có các quy định chặt chẽ kiểm soát quy định phòng chống dịch, các cơ quan báo chí vẫn phản ánh nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng người dân tập thể dục trong công viên, dọc bờ sông như tại các khu: Yên Sở, Linh Đàm,... Nhiều khu vực còn để xảy ra tình trạng chợ cóc, chợ tạm hoạt động đông đúc tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Mới đây là tình trạng người dân tập trung vui chơi rất đông tại khu vực bãi đá sông Hồng,...

UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc chấn chỉnh công tác này; đặc biệt là quán triệt thật nghiêm xuống tận các cơ sở, xã, phường, thị trấn, yêu cầu các đơn vị bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở và xử lý kịp thời các vi phạm về quy định phòng, chống dịch. Đây là lực lượng chính nắm chắc cơ sở nhất, nếu chú trọng, quyết liệt hơn nữa sẽ không thể xảy ra vi phạm.

UBND thành phố đề nghị các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; khuyến khích làm việc trực tuyến đảm bảo hiệu quả công việc và an toàn phòng dịch tại các trụ sở cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó mọi diễn biến của dịch bệnh theo từng cấp độ. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tổ chức diễn tập kịp thời xử lý các sự cố, tình huống có thể phát sinh, quán triệt thực hiện đối với các tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng. Qua đây thực hiện rà soát, có phương án bổ sung, thay thế lực lượng dân phòng, thành viên tổ COVID cộng đồng đang chịu nhiều áp lực trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch.

Thành phố Hà Nội yêu cầu siết chặt quản lý cơ sở cách ly tập trung, trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong các khu,cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa tin đầy đủ, toàn diện hoạt động chỉ đạo - điều hành của thành phố về công tác phòng chống dịch để người dân hiểu, tiếp cận nhanh nhất chỉ đạo của thành phố.

Thành phố khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt thông điệp 5K; không mở cửa kinh doanh ăn uống, cà phê khi chưa có quyết định của thành phố; không tụ tập buôn bán chợ cóc, chợ tạm; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố theo từng lĩnh vực, bám sát Chương trình hành động số 14 của UBND thành phố và các chương trình, đề án của Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 (trên 7,5%).

Bên cạnh đó, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, đến hết tháng 4/2021, kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2021 của thành phố thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Danh mục các dự án thực hiện đầu tư năm 2021 chủ yếu là các dự án chuyển tiếp có rất nhiều dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý dự án nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề tra trong kế hoạch; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án. Tới đây thành phố sẽ kiện toàn lại các tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng chỉ đạo đôn đốc sát sao nhiệm vụ này.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19.Duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải trong cụm công nghiệp. Tích cực phối hợp tốt với các Bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ công tác vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đảm bảo việc cung cấp điện, nước sinh hoạt cho người dân trong các tháng cao điểm mùa hè, duy trì công tác vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm đường dây trên các tuyến phố...Tập trung triển khai thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

MỚI - NÓNG